Chùa Bạch Mã
Chùa Bạch Mã tọa lạc tại thành phố Lạc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), được cho là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng sau khi đạo Phật du nhập vào nước này. Với lịch sử gần 2.000 năm, chùa được mệnh danh là nơi khai sinh ra Phật giáo Trung Quốc.
Theo các ghi chép, chùa Bạch Mã được Hán Minh đế cho xây dựng năm 68 sau Công Nguyên, để làm nơi trú ngụ và giảng pháp của 2 nhà sư là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan từ vùng đất Nguyệt Chi (nay thuộc phía bắc Afghanistan và một phần tây bắc Ấn Độ) đến truyền bá Phật pháp tại Trung Quốc. Cái tên Bạch Mã được cho là để chỉ việc các kinh Phật mà 2 nhà sư mang đến Trung Quốc được chở trên lưng một con ngựa trắng.
Qua gần 2.000 năm thăng trầm lịch sử, chùa Bạch Mã nhiều lần bị tàn phá nặng nề. Ngôi chùa này từng bị tàn phá nghiêm trọng vào thời nổi loạn của An Sử (755 - 763). Đến thời Hội Xương (840 - 846) tiêu diệt Phật giáo, chùa bị phá hoại nghiêm trọng hơn.
Các công trình chính của chùa Bạch Mã là một tổ hợp rất lớn được xây dựng lại và mở rộng dưới triều Minh (1368 - 1644) và triều Thanh (1644 - 1912). Những tòa nhà này được trùng tu lại vào những năm 1950, và một lần nữa tháng 3/1973 sau cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.
Chùa Linh Ẩn
Chùa Linh Ẩn nằm ở chân núi Linh Ẩn thuộc quận Tây Hồ (thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiets Giang). Ngôi chùa uy nghi này tựa lưng vào ngọn núi Phi Lai nổi tiếng và hướng mặt ra Tây Hồ thơ mộng.
Chùa Linh Ẩn được xây dựng vào năm 326 sau Công nguyên, tính đến nay qua hơn 1.600 năm lịch sử. Nơi đây được xem như một thánh địa của Phật giáo Thiền tông, một tông phái Phật giáo Đại thừa được xuất phát từ 28 đời Tổ sư Ấn Độ và truyền bá lớn mạnh ở Trung Quốc.
Chùa Linh Ẩn được mệnh danh là ngôi chùa số 1 ở Giang Nam nhờ lịch sử lâu đời, phong cảnh hữu tình cùng di sản văn hóa sâu sắc.
Thời kỳ được xem là hưng thịnh nhất của Linh Ấn tự là vào thời Vương quốc Ngô Việt (907 - 978). Khi đó, chùa gồm có 9 lầu, 18 các và 72 điện đường rộng lớn. Tăng chúng trong chùa cũng đạt đến con số ngoài 3.000. Tuy nhiên theo thời gian, ngôi chùa bị phá hủy không ít và phải trải qua không dưới 16 lần lần tu bổ, xây dựng lại. Các tòa nhà hiện nay phần lớn được phục dựng từ cuối nhà Thanh.
Thiếu Lâm Tự
Thiếu Lâm Tự tọa lạc trên núi Tung Sơn hùng vĩ ở thành phố Đăng Phong của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Chùa được xây dựng vào năm 495, dưới triều Bắc Ngụy, với bề dày lịch sử hơn 1.500 năm.
Thiếu Lâm Tự được xem là biểu tượng Phật giáo và cái nôi của võ thuật Trung Hoa. Toàn bộ chùa là một quần thể kiến trúc rộng lớn với những công trình đáng chú ý như Tam Môn, Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Các, Lục Tổ Đường, Đình Đạt Ma... được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thời kỳ hoàng kim của Thiếu Lâm Tự là vào thời nhà Đường và nhà Tống, chùa khi đó rộng hơn 60.000 m2, với hơn 5.000 gian phòng và có khoảng 2.000 tăng sư.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa bị tàn phá nặng nề, thậm chí bị bỏ hoang và lãng quên suốt thời gian dài. Sau thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt đóng vai chính vào năm 1982 và loạt bộ phim chuyển thề từ các tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, Trung Quốc mới cho xây dựng lại Thiếu Lâm tự và trở thành "ngôi chùa danh tiếng nhất thiên hạ".
Theo Hoa Vũ/VTCNews