Lã Bố là cái tên không còn xa lạ đối với hầu hết các bạn độc giả yêu thích những cuộc đấu trí thời Tam Quốc, nhưng chúng ta có thực sự hiểu hết các câu chuyện xoay quanh ông? Bài viết dưới đây sẽ mang tới cho các bạn những thông tin thú vị về nhân vật này.
Lã Bố từng là tướng dưới trướng của Đinh Nguyên và Đổng Trác. Sau đó dưới sự giúp đỡ của mọi người, trong đó có Trần Cung, ông chiếm giữ được Duận Châu và Từ Châu, khiến danh tiếng Lã Bố nức tiếng khắp vùng trung nguyên.
Thế nhưng thời gian Lã Bố giữ chức chư hầu không được lâu. Vấp phải sự tấn công dồn dập của Tào Tháo, cuối cùng Lã Bố cũng phải bước tới con đường diệt vong.
Xét trên phương diện lực lượng, dưới trướng Lã Bố, nói tới mưu trí có Trần Cung, nói tới võ lực có các đại tướng như Trương Liêu, Cao Thuận, đáng lý không thảm bại nhanh tới vậy. Thực lực của đội quân Lã Bố mạnh là thế, đâu là nguyên nhân dẫn tới kết cục thất bại nhanh chóng của ông?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới bản tính đa nghi, không tin tưởng người thân cận của Lã Bố.
Theo ghi chép của "Tam Quốc chí", "Ngụy thư", "Lã Bố truyện": Lã Bố tuy dũng mãnh thiện chiến nhưng không có mưu lược. Hơn nữa tính cách lại đa nghi, hay sinh lòng nghi kỵ người khác nên khó mà kết nối được lòng quân.
Lã Bố không tín nhiệm người xung quanh, điển hình là câu chuyện của Trần Cung và Cao Thuận. Các kế sách của Trần Cung luôn không được Lã Bố tin dùng.
Sau khi Lã Bố và Trần Cung rơi vào tay Tào Tháo, để làm nhục Trần Cung Tào Tháo đã nói: "Ông luôn tự cho mình là người thông tuệ, tại sao lại để tới bước đường này?" Trần Cung uất hận đáp lời: "Chỉ tiếc Lã Bố không dùng tới kế sách của ta, nếu không sẽ chẳng có ngày hôm nay."
Câu chuyện thứ hai là mối nghi kỵ của Lã Bố đối với tướng Cao Thuận, một con người phẩm chất chính trực, có trước có sau, trung thành tận tụy, một tướng quân có thực lực.
Khi ấy, đội quân do Cao Thuận nắm giữ chỉ có hơn bảy trăm người nhưng cánh quân nhỏ bé này lại có biệt danh là "hãm trận doanh" ( lực lượng tinh nhuệ gồm 700 binh lính mang lối tấn công điên cuồng vào thẳng doanh trại của quân địch).
Khi xung trận, đội quân Cao Thuận trăm trận trăm thắng, lập không ít công lao. Lã Bố cho dù biết rằng Cao Thuận đối với mình trung thành hết mực, nhưng vẫn không yên tâm, nên đã bãi bỏ binh quyền của Cao Thuận, giao cho Ngụy Tục, một thống lĩnh có quan hệ họ hàng với mình.
Nguyên nhân thứ hai dẫn tới sự thất bại của Lã Bố, đó là do nội bộ tổ chức lục đục.
Lã Bố nghi kỵ mọi người xung quanh, khiến cho nội bộ lục đục, âu cũng là điều dễ hiểu. Bản tính đa nghi của Lã Bố được phản ánh qua sự phản bội của Hác Manh, một trong các tướng lĩnh của Lã Bố.
Việc Lã Bố làm chủ Từ Châu, khiến cho Viên Thuật vô cùng bất mãn, xúi giục Hác Manh chống lại Lã Bố. Hác Manh lên kế hoạch phát động binh biến, dự định tập kích giết Lã Bố, nhưng sau đó lại bị Cao Thuận trấn áp.
Sau sự việc đó, Tào Tính, tướng của Hác Manh khai báo, Trần Cung cũng là đồng phạm, nhưng vì hết mực coi trọng Trần Cung, nên Lã Bố đã không truy cứu trách nhiệm.
Khi Tào Tháo bao vây Lã Bố, chính các tướng dưới trướng Lã Bố là Hầu Thành, Tống Hiến, Ngụy Tục đã phản bội, bắt Lã Bố và Trần Cung giao nộp cho Tào Tháo. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Lã Bố và thủ hạ sớm đã bằng mặt mà không bằng lòng.
Nguyên nhân thứ ba đến từ việc Lã Bố ham lợi nhỏ, coi thường đồng minh.
Ban đầu, khi Lã Bố ở Từ Châu, có ý định kết thân với Viên Thuật. Đây vốn dĩ là một sách lược hay nhưng Lã Bố lại tin nhầm lời Trần Đăng, theo đuổi chức quan mà tự ý hủy bỏ liên hôn với Viên Thuật, đã vậy còn bắt giữ sứ giả Viên Thuật phái tới giao cho Tào Tháo.
Sau đó, Viên Thuật nổi trận lôi đình đòi gây chiến, cho dù sau đó Lã Bố và Viên Thuật đã nối lại liên minh, nhưng do mối hận thù quá sâu đậm trước đó mà cùng hội mà không cùng thuyền. Vậy nên khi Lã Bố bị tấn công, Viên Thuật không hề thiện chí ứng cứu.
Có thể thấy, sự nghiệp và con người Lã Bố cho chúng ta thấy bài học triết lý nhân sinh sâu sắc về cách đối nhân xử thế của con người trong xã hội với nhau, lấy tín nghĩa làm gốc. Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được sự nghiệp lâu bền.
Theo Danviet