Thời Tam Quốc được biết tới là một trong những giai đoạn lịch sử đặc sắc nhất Trung Hoa với sự xuất hiện của vô số các anh hùng hào kiệt.
Trong số những nhân vật nổi lên vào thời kỳ này, Lưu Bị là một trong những người được hậu thế yêu thích hơn cả.
Điều này không chỉ bắt nguồn từ ảnh hưởng của hình tượng nhân vật được xây dựng trong Tam Quốc diễn nghĩa mà còn có liên quan trực tiếp tới phẩm chất cũng như tài năng của vị quân chủ họ Lưu ấy.
Theo Qulishi, Lưu Huyền Đức lúc sinh thời từng sở hữu tài dùng người hết sức tài tình. Thế nhưng vị quân chủ này vẫn phải ôm nuối tiếc cả đời vì đã từng bỏ lỡ 3 nhân tài dưới đây.
Trần Quần (? – 236) có tên tự là Trường Văn, người quận Dĩnh Xuyên, huyện Hứa Xương. Ông xuất thân trong một gia tộc có nhiều nhân vật nổi tiếng như Trần Thật, Trần Kỷ hay Trần Kham...
Từ nhỏ, Trần Quân đã nổi tiếng là thông minh xuất chúng. Ông còn là bằng hữu của một nhân vật nổi tiếng đương thời khi đó là Khổng Dung – hậu nhân của Khổng Tử.
Sinh thời, Khổng Dung sở hữu danh vọng vô cùng cao, thậm chí tới Tào Tháo còn bị ông coi thường.
Thế nhưng nhân vật này năm xưa lại rất mực coi trọng Trần Quần, điều này cho thấy danh sĩ họ Trần ấy ắt phải là một người bất phàm.
Khi Lưu Bị đến đóng ở Tiểu Bái thuộc đất Dự Châu, ông đã cho mời Trần Quần tới làm Biệt giá.
Tới năm 194, Đào Khiêm lâm bệnh qua đời, Lưu Bị trở thành người được nghênh đón cho chức Từ Châu mục.
Thế nhưng khi Lưu Bị muốn tới đây nhậm chức, Trần Quần đã đứng ra can rằng:
"Viên Thuật còn đang mạnh, nay ta về đông, tất phải giao chiến với họ. Lã Bố nếu như tập kích ở phía sau tướng quân, tướng quân dẫu có được Từ Châu, đại nghiệp tất không thành được".
Lưu Bị khi ấy không nghe theo lời khuyên này, vẫn cùng Viên Thuật giao chiến. Kết quả không ngoài dự đoán, Lã Bố quả nhiên tập kích Hạ Bì, chiếm được Từ Châu, còn phái binh tới giúp Viên Thuật đại phá quân Lưu Bị.
Lưu Bị khi ấy hối hận vì không nghe theo lời khuyên của Trần Quần. Còn Trần Quần sau đó cũng đã vì thất vọng mà rời đi, sau này đầu quân cho Tào Ngụy.
Nhân vật thứ hai: Điền Dự
Điền Dự có tên tự là Quốc Nhượng, người huyện Ung Nô, quận Ngư Dương, thuộc đất U Châu.
Năm xưa khi Lưu Bị tới nương nhờ thế lực của Công Tôn Toản, Điền Dự còn nhỏ tuổi đã tự tìm tới nương nhờ dưới trướng Lưu Bị.
Mặc dù tuổi tác không lớn, thế nhưng ông tỏ ra vô cùng có thiên phú trên phương diện quân sự, hơn nữa lại túc trí đa mưu nên vô cùng được trọng dụng.
Thế nhưng vì mẹ già bệnh tật, Điền Dự lúc ấy bất đắc dĩ phải về quê tận hiếu. Vào lúc chia ly, Lưu Bị vô cùng tiếc nuối mà than rằng: "Hận không thể cùng người làm nên đại sự".
Sau này, Điền Dự gia nhập vào tập đoàn chính trị của Tào Ngụy, trấn thủ ở biên cương phía bắc.
Dưới sự trấn giữ của ông, tập đoàn chính trị Tào Ngụy đã thành công chống lại sự xâm phạm của tộc người Tiên Ti, Ô Hoàn và một vài bộ tộc thiểu số khác.
Khoảng thời gian phụng sự dưới trướng của gia tộc họ Tào cũng là cơ hội để Điền Dự thành công thể hiện tài năng quân sự vượt trội của mình.
Chỉ tiếc rằng một vị tướng soái tài năng như vậy lại bị Lưu Bị bỏ lỡ. Qulishi cho rằng, nếu như Điền Dự có cơ hội dốc sức vì Thục Hán, những cống hiến của ông có lẽ sẽ không thua kém so với Quan Vũ sau này.
Nhân vật thứ ba: Thái Sử Từ
Thái Sử Từ (166 – 206), tự Tử Nghĩa, người huyện Hoằng, quận Đông Lai. Lúc sinh thời, Thái Sử Từ và Lưu Bị từng có duyên tương ngộ nhờ vào một nhân vật nổi danh là Khổng Dung.
Danh sĩ Khổng Dung từng làm tướng quốc nước Bắc Hải, vì ngưỡng mộ danh tiếng của Thái Sử Từ nên tỏ ý muốn kết giao, cũng nhiều lần thăm nom và biếu quà cho mẹ ông.
Vì cảm động trước tấm lòng ấy, khi Khổng Dung rơi vào cảnh bị quân Khăn Vàng vây khốn, Thái Sử Từ đã không ngần ngại tới tận nơi để rút đao tương trợ.
Bấy giờ, Khổng Dung muốn cầu viện Lưu Bị ở Bình Nguyên, bèn cử Thái Sử Từ cầm thư đi cầu cứu.
Sau cùng, Thái Sử Từ tới được Bình Nguyên và gặp được Lưu Bị. Lúc đó, Lưu Bị đã nhận lời tương trợ, mang 3000 quân quay lại cứu Khổng Dung.
Chỉ tiếc rằng mối duyên tương ngộ của vị quân chủ họ Lưu và mãnh tướng họ Thái chỉ dừng lại ở đó. Sau này, Thái Sử Từ đã trở thành một viên tướng có tiếng và phụng sự dưới quyền của tập đoàn chính trị Đông Ngô.