Theo phong tục dân gian, ngày Tết Trung thu - tức rằm tháng 8 âm lịch là dịp các gia đình tụ tập quây quần bên nhau cùng. Cả nhà cùng trò chuyện, ăn bánh trung thu, xem múa lân, trẻ con rước đèn ông sao, đèn cù...
Bên cạnh đó, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ để dâng lên thần linh, gia tiên với mục đích cầu bình an, sức khỏe, may mắn, tài lộc cho các thành viên trong nhà.
Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Trung thu không quá phức tạp, không đòi hỏi cầu kỳ, sơn hào hải vị mà chỉ cần có sự trang nghiêm, tươm tất, tôn trọng đối với thần linh, gia tiên.
Thứ đầu tiên không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Trung thu truyền thống là hương, hoa, đèn, nến, xôi, gà, gạo muối.
Lễ vật thứ 2 cần có là các loại bánh Trung thu (bánh dẻo, bánh nướng), có thể dâng cả bánh cốm.
Lễ vật thứ 3 là mâm ngũ quả gồm một nải chuối chín vàng, hồng đỏ với ý nghĩa cầu mong cuộc sống no đủ; quả na tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở; quả bưởi tượng trưng cho những điều tốt lành; quả lựu trượng trưng cho may mắn. Mâm ngũ quả nên có xanh có chín vì người xưa quan niệm quả xanh mang tính âm, trái chín mang tính dương. 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành.
Mâm cỗ trông trăng còn cần chuẩn bị một ít vàng mã và các loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao...
Theo phong tục truyền thống, mâm cỗ Trung thu còn có 3 ông tiến sĩ giấy với ý nghĩa cầu mong con cháu trong nhà học hành tấn tới, đỗ đạt. Tuy nhiên, hiện nay không nhiều nhà sử dụng vật phẩm này. Mâm cỗ cúng Trung Thu cũng được tối giản nhiều vừa đảm bảo duy trì được phong tục truyền thống tốt đẹp vừa tiết kiệm, tiện dụng phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Tùy theo phong tục địa phương mà có thể bày mâm cỗ cúng Trung thu ở ngoài trời. Một số nơi cũng làm cỗ cúng gia tiên trong ngày Trung thu.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Theo Thanh Huyền/Khoevadep