Kỳ 1: "Cú đánh trời giáng" của Liên Xô khiến Mỹ bừng tỉnh
19:28' ngày 4/10/1957, mọi con mắt đổ dồn lên bầu trời. Khoảnh khắc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 lên quỹ đạo Trái Đất, cả thế giới ngỡ ngàng! Nước Mỹ ám ảnh!
Hồ sơ của NASA có bài viết về:
Sputnik: Bình minh của kỷ nguyên vũ trụ
Lịch sử đã thay đổi vào ngày 4/10/1957 khi Liên Xô phóng thành công Sputnik 1. Vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới có kích thước bằng một quả bóng bãi biển (đường kính 58 cm), chỉ nặng 83,6 kg và mất khoảng 98 phút để thực hiện một vòng quay quanh Trái Đất theo đường elip.
Sputnik 1 mở ra những phát triển chính trị, quân sự, công nghệ và khoa học mới, đánh dấu sự khởi đầu của Kỷ nguyên Vũ trụ (Space Age) và cuộc đua công nghệ không gian tốn kém hàng tỷ đô giữa Mỹ và Liên Xô về sau.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1952, khi Hội đồng Khoa học Quốc tế (ISC) quyết định thiết lập một dự án khoa học quốc tế có sự tham gia của 67 quốc gia, mang tên "Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (IGY)", kéo dài từ 1/7/1957 đến 31/12/1958.
Sở dĩ, ISC quyết định chọn khoảng thời gian này là vì từ ngày 1/7/1957 đến 31/12/1958 là thời kỳ đạt đỉnh của chu kỳ Mặt Trời 19 (Solar cycle 19). Đây là thời điểm lý tưởng để các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu 11 ngành khoa học Trái Đất thuộc dự án Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (IGY): Hừng đông và bức xạ tầng cao (airglow), tia vũ trụ, địa từ trường, trọng lực, vật lý tầng điện ly, xác định kinh độ và vĩ độ (lập bản đồ chính xác), khí tượng, hải dương học, địa chấn học, và các hoạt động của Mặt Trời.
Tháng 7/1955, Nhà Trắng công bố kế hoạch phóng một vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất cho IGY; đồng thời kêu gọi các cơ quan thuộc chính phủ phát triển dự án vệ tinh nhân tạo.
Tháng 9/1955, đề xuất vệ tinh Vanguard của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân đã được chọn để làm đại diện cho Mỹ trong báo cáo với IGY. Nhưng, chỉ 2 năm ngắn ngủi sau đó, Sputnik 1 của Liên Xô ra đời và thực hiện sứ mệnh thành công đầu tiên của một vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất đã thay đổi mọi thứ.
Là một thành tựu kỹ thuật đột phá chưa từng có trong lịch sử, Sputnik 1 thu hút mọi sự chú ý của thế giới. Người Mỹ nhanh chóng bị lu mờ.
Các chỉ số của Sputnik 1 ấn tượng hơn con số 1,6 kg của vệ tinh Vanguard mà Mỹ dự định xây dựng hơn rất nhiều. Khi công chúng Mỹ chưa hết lo ngại rằng, khả năng phóng vệ tinh của Liên Xô hoàn toàn có thể cho phép nước này phóng tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân tấn công từ châu Âu đến Mỹ, thì Liên Xô lại tiếp tục với "cú hích vũ trụ" thứ hai là phóng Sputnik 2 (phi thuyền có trọng tải nặng hơn nhiều, và còn mang theo một con vật sống đầu tiên) lên quỹ đạo ngày 3/11/1957.
Ngay sau khi Sputnik 1 của Liên Xô ra đời, Bộ Quốc phòng Mỹ giải trình một dự án khác, nhằm thay thế Vanguard.
Ngày 31/1/1958, cuộc chơi đổi chiều về phía Mỹ khi nước này phóng thành công vệ tinh nhân tạo Explorer 1. Thành tựu đáng nhớ nhất của Explorer 1 chính là việc phát hiện ra Vành đai bức xạ Van Allen (khu vực tập trung mật độ cao các hạt điện tử, proton từ Mặt Trời). Sau 12 năm phục vụ, Explorer 1 "chết" phía trên bầu khí quyển ở Thái Bình Dương vào ngày 31/3/1970 sau hơn 58.000 lần miệt mài quay quanh quỹ đạo Trái Đất.
|
Ngày 31/1/1958, Mỹ phóng thành công vệ tinh nhân tạo Explorer 1. |
Tuy đã tạm thời lấy được thế cân bằng với Liên Xô - địch thủ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng sự kiện Sputnik 1 khiến một phần lịch sử nước Mỹ thay đổi mãi mãi. Bởi Sputnik 1 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).
Vào tháng 7/1958, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (thường được gọi là "Đạo luật Không gian"), thành lập NASA vào ngày 1/10/1958 từ Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia (NACA) và các cơ quan chính phủ khác.
Đối với thế giới, sự góp mặt của Mỹ và Liên Xô trong dự án "Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (IGY)" đã mang cuộc cách mạng thực sự trong hành trình nghiên cứu vũ trụ và chinh phục vũ trụ.
Không chỉ phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới lên quỹ đạo Trái Đất, không chỉ tìm ra Vành đai bức xạ Van Allen, IGY còn đạt được những thành tựu đáng kể như khám phá ra rặng núi ngầm dưới đại dương (một xác nhận quan trọng về các mảng kiến tạo); phát hiện bức xạ Mặt Trời có thể gây nguy hiểm cho những chuyến bay vũ trụ có người lái về sau...
Đối với hai đối thủ của Chiến tranh Lạnh, việc Liên Xô giành vị thế thương phong trong cuộc đua mới của Kỷ nguyên Vũ trụ khiến Mỹ bừng tỉnh giấc. Một nước Mỹ đang mải miết với những dự án vũ khí hủy diệt (vũ khí nguyên tử) bỗng lo sợ hơn bao giờ hết về khả năng phóng tên lửa xuyên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân có thể xóa sạch Mỹ bất cứ lúc nào ở khoảng cách cực xa.
Sputnik khiến nước Mỹ vốn đã hồ nghi lo sợ về tiềm năng hạt nhân "không thể tưởng tượng" của Liên Xô lại càng thêm ám ảnh. Mỹ một mặt, bí mật thực hiện các dự án vũ khí và vũ trụ, một mặt bí mật điều tra tiềm năng của địch thủ.
Thời Chiến tranh Lạnh, bí mật chính là yếu tố sống còn trong cuộc đua trên quỹ đạo. Không một siêu cường nào muốn địch thủ của mình nắm rõ những bí mật ấy. Đó là lý do, chỉ riêng về phía Liên Xô, có 5 bí mật không gian Liên Xô xếp vào hàng "bí mật quốc gia" mà chỉ khi sụp đổ năm 1991, Mỹ và phần còn lại của thế giới mới nắm rõ.
Theo PV /Báo dân sinh