5 giấc mơ bí ẩn làm thay đổi lịch sử loài người

Google News

Sự nghiệp vĩ đại của Einstein là sự chiêm nghiệm kéo dài của ông dựa trên một giấc mơ thời niên thiếu. Máy khâu công nghiệp ra đời từ một cơn ác mộng của nhà phát minh Elias Howe…

Giấc mơ là một trong số những hiện tượng tự nhiên ở con người mà các nhà khoa học vẫn biết rất ít về chúng cho đến thời điểm hiện tại. Các nhà nghiên cứu hiện tại có thể xác định được một vài sự kiện liên quan đến giấc mơ nhưng vẫn chưa lí giải một cách thấu đáo nhất về hiện tượng này. Một người bình thường nằm mơ trung bình 2 giờ mỗi đêm và hầu hết đều quên tất cả khi thức dậy vào sáng hôm sau. Nhiều câu hỏi liên quan đến giấc mơ đến bây giờ vẫn là bí ẩn của khoa học.
Tại sao khi mơ chúng ta có thể suy nghĩ theo những cách mà bình thường chúng ta không thể. Trong thực tế, nhiều khám phá quan trọng của các nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà văn… đã được họ thực hiện trong giấc mơ. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua vài trường hợp kì lạ như vậy.
1. Cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đầu tiên trên thế giới
Năm 1816, nữ tiểu thuyết gia người Anh Mary Shelley cho ra đời tác phẩm kinh điển Frankenstein. Đây thường được coi là cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên trên thế giới. Nhưng mấy ai biết rằng, mấu chốt đằng sau thành công này lại bắt nguồn từ cảm hứng của Shelley trong một cơn ác mộng vô cùng sống động của cô.
Khi mới lên 18 tuổi, Shelley đến ghé thăm Bá tước Byron bên hồ Geneva tại Thụy Sĩ. Thời tiết khi đó rất lạnh, một cái lạnh “cắt da cắt thịt” trong một mùa đông núi lửa, hậu quả sau vụ phun trào núi lửa Tambora chỉ một năm trước đó. Trên thực tế, Châu Âu lúc đó đang trải qua “một năm không có mùa hè”.
Nữ tiểu thuyết gia người Anh Mary Shelley. Ảnh: therevenantreview. 
Bị mắc kẹt trong nhà, hai người họ quây quần xung quanh lò sưởi. Ngắm nhìn những tia lửa tí tách bên trong, bá tước Byron chợt nảy ra một ý tưởng nhằm xua tan bầu không khí tịch mịch buồn chán: hai người họ mỗi người đều thử tự viết một câu chuyện ma. Shelley đồng ý, nhưng dường như việc sáng tác trong hoàn cảnh này không dễ dành đến vậy. Đêm này qua đêm khác, cô vẫn không thể nghĩ ra bất cứ ý tưởng nào phù hợp.
Rồi một buổi tối nọ, khi cuộc trò chuyện giữa họ chuyến sang chủ đề bản chất của sự sống, Shelley chợt nảy ra một ý tưởng. Cô đề xuất việc “hồi sinh một xác chết”, một ý tưởng lấy cảm hứng từ quan sát của nhà vật lý và nhà y học người Ý Luigi Galvani, trong đó một con ếch bị lột da đột nhiên co giật khi được đâm xuyên và cố định bởi hai thanh kim loại, và kết quả này đã được Galvani quy cho dòng điện sinh học được sản sinh từ con ếch đã chết.
Buổi tối hôm đó sau khi chìm vào giấc ngủ, trí tưởng tượng của cô bay xa và cô đã trải nghiệm được một giấc mơ vô cùng “tỉnh táo” và sống động. Cô kể lại:
“Tôi đã nhìn thấy một chàng sinh viên với vẻ mặt nhợt nhạt thiếu sức sống đang theo đuổi một thứ nghệ thuật ma mị. Cậu ta đang quỳ gối đằng sau thành quả của cậu: một người đàn ông với tứ chi duỗi thẳng, nằm bất động vô hồn như thể đã chết. Nhưng sau đó, khi một cỗ máy nào đó được bật lên, thân thể của người đàn ông xuất hiện dấu hiệu của sự sống, bắt đầu cử động một cách loạng choạng, theo kiểu nửa tỉnh nửa mê. Nó đáng sợ, chắc hẳn phải rất đáng sợ khi con người đang tỏ ý chế nhạo cơ chế kỳ diệu của Đấng Tạo hóa thế gian [bằng cách truyền những “tia lửa của sự sống” lên một “xác chết xấu xí vô hồn]”.
2. Chiếc máy khâu
Elias Howe thường được cho là người phát minh ra chiếc máy khâu. Trên thực tế, ông đã cải tiến đáng kể những thiết kế trước đó và nhận bằng sáng chế của Mỹ cho chiếc máy khâu sử dụng thiết kế lockstitch. Trước khi thành công, Howe dành nhiều thời gian để chế tạo chiếc máy may công nghiệp, nhưng tất cả đều đi vào ngõ cụt. Cuối cùng ông cũng hoàn thành phát minh nhờ vào giấc mơ của mình.
Elias Howe phát minh ra máy khâu nhờ giấc mơ. Ảnh: Pin Words. 
Howe nằm mơ phải chế tạo chiếc máy may cho một vị vua man rợ ở đất nước xa lạ. Vị vua yêu cầu phải hoàn thành nó trong 24 giờ. Do không hoàn thành đúng thời hạn nên ông bị đem đi xử tử. Trong lúc thi hành án, Howe nhận thấy binh lính cầm cây giáo có lỗ xuyên qua ở phần đầu. Ngay lập tức ông phát hiện ra cách giải quyết vấn đề và tỉnh dậy lúc 4 giờ sáng.
Howe nhảy ra khỏi giường rồi nhanh chóng chạy tới xưởng chế tạo. Ông quyết định từ bỏ nguyên lý may thủ công (lỗ xỏ chỉ may nằm ở đầu đối diện với đầu nhọn của kim). Howe thiết kế một loại kim cong, có lỗ kim để luồn chỉ ở đầu nhọn, phối hợp với con suốt chỉ tạo nên đường may.
3. Cấu trúc giải phẫu của cá hóa thạch
Louis Agassiz, nhà tự nhiên học gốc Thụy Sỹ được xem là cha đẻ của khoa học hiện đại Mỹ. Ông được nhiều người biết đến với công trình nghiên cứu về cá hóa thạch (Research on Fossil Fish), được công bố vào khoảng thời gian từ 1833 đến 1843. Trong khi đang nghiên cứu về một loại hình cụ thể của cá hóa thạch, Agassiz bị vướng phải vấn đề là cần làm rõ cấu trúc giải phẫu của một con cá bị hóa thạch trên một tảng đá. May mắn thay, hai đêm liên tiếp, ông mơ về các loài cá trong tình trạng hoàn hảo, nhưng than ôi, ngay sau khi thức dậy, ông không thể nhớ những chi tiết về giải phẫu của con cá.
 
Do đó, vào đêm thứ ba, Agassiz để lại một cây bút và tờ giấy bên cạnh giường của mình và cầu nguyện giấc mơ sẽ lập lại một lần nữa. Như ông mong muốn, giấc mơ đã lặp lại và ông đã vẽ lại hình ảnh giải phẫu con cá trong tình trạng mơ ngủ và sau đó đi ngủ trở lại. Sáng hôm sau khi thức dậy, nhà khoa học đã rất ngạc nhiên với bản vẽ chính xác đến từng chi tiết của mình. Đây cũng là mấu chốt vấn đề giúp Agassiz hóa giải được bí ẩn của tảng đá hóa thạch.
3. Nhà vật lý Niels Bohr và giấc mơ về cấu trúc nguyên tử
Phải: Niels Bohr, ảnh chụp vào khoảng năm 1922 (AB Lagrelius & Westphal) Phông nền: Hình miêu tả một nguyên tử. Ảnh: Alexander Bedrin/iStock. 
Là cha đẻ của ngành vật lý lượng tử, Niels Bohr, thường kể về một giấc mơ truyền cảm hứng dẫn ông đến khám phá về cấu trúc nguyên tử.
Là con trai trong một gia đình học thuật, Bohr lấy bằng tiến sĩ vào năm 1911 và đã trở nên rất nổi tiếng khi có thể giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong thế giới vật lý, khiến các đồng nghiệp của ông rất khâm phục.
Trong một giai đoạn, ông đã để tâm tìm hiểu cấu trúc của nguyên tử, nhưng không một mô hình giả định nào của ông phù hợp với các tính toán thực tiễn. Một đêm nọ khi đang ngủ ông đã có một giấc mơ về các hạt nguyên tử. Ông nhìn thấy hạt nhân nguyên tử ở trung tâm, xoay xung quanh là các hạt điện tử electron, giống hệt như các hành tinh xoay xung quanh mặt trời.
Khi tỉnh dậy, Bohr có một dự cảm rằng cảnh tượng ông nhìn thấy về cấu trúc nguyên tử là chính xác. Nhưng là một nhà khoa học, ông nhận thức được tầm quan trọng của việc xác thực các ý tưởng trước khi công bố nó ra thế giới. Do đó, ông đã trở lại phòng thí nghiệm của mình và tìm kiếm các bằng chứng củng cố cho nhận định của ông.
Và rốt cục cái dự cảm đó là thật. Cái cảnh tượng cấu trúc nguyên tử trong giấc mơ của Bohr sau này đã trở thành một trong những khám phá vĩ đại nhất trong thời đại của ông. Sau này Bohr đã được trao giải Nobel vật lý cho công trình này.
5. Thuyết tương đối
Khi còn là một thiếu niên, Albert Einstein đã có một giấc mơ kỳ lạ mà cuối cùng dẫn đến một trong những khám phá quan trọng nhất của mình. Trong mơ, ông nhìn thấy những con bò thò đầu qua hàng rào dây điện ra bên ngoài để ăn cỏ. Điều này giúp Einstein nhận thức được việc không có dòng điện chạy qua dây. Khi nhìn sang phía đối diện, ông thấy một người nông dân nối dây với nguồn điện và những con bò giật bắn người lên vì bị điện giật.
 
Khi nói chuyện với người nông dân, ông cho rằng mình nhìn thấy những con bò phản ứng ngay lập tức đến thời điểm hai người nói chuyện, ngược lại, người nông dân nói những con bò chỉ nhảy lên một lúc và con bò gần ông nhảy trước, rồi đến con tiếp theo, cứ thế diễn ra. Giấc mơ đã giúp Einstein khám phá ra tốc độ của ánh sáng là rất nhanh nhưng không phải là vô cùng nhanh chóng. Hơn nữa, sự khác biệt trong nhận thức giữa ông và người nông dân giúp ông nhận ra được khái niệm thời gian chỉ mang yếu tố tương đối.
Theo Đông Hưng/Dân Việt