Anh hùng lao động (AHLĐ), Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Duy Tân sinh năm 1941 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi.
|
Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ tại Lễ Bế mạc Olympic Toán học sinh viên và học sinh lần thứ 30 được tổ chức tại Trường ĐH Duy Tân. Ảnh: Mai Loan. |
Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách như Chủ tịch Liên hiệp sinh viên-học sinh Giải phóng khu Trung Trung Bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964-1965), Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế (1969-1972), Ủy viên Thành ủy Thừa Thiên Huế (1972-1976).
Ông đã từng tham gia một số trận đánh ác liệt tại chiến trường Thừa Thiên Huế, chỉ huy giải phóng nội thành Huế vào ngày 25/3/1975.
Trải qua những cuộc chiến sinh tử cùng đồng đội, vì thế, ngày 30/4/1975, khi quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đối với ông có ý nghĩa đặc biệt. Với niềm xúc động mãnh liệt, đêm hôm ngày thống nhất đất nước, ông đã không ngủ, dành trọn thời gian viết bài thơ “Quê hương ơi”.
|
AHLĐ Lê Công Cơ (thứ 4 từ trái qua) và Đoàn cán bộ Trung ương Đoàn chụp ảnh chung với Thành đoàn Huế (tháng 4/1975). Ảnh: NVCC. |
“Khi giải phóng nội thành Huế vào ngày 25/3/1975, cảm xúc tôi đã lâng lâng. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là khát vọng của tôi rất nhiều năm, nhưng tôi không nghĩ được sẽ có ngày này, bởi chiến tranh khi đó rất ác liệt, bom đạn triền miên. Cho nên, đêm 30/4/1975, tôi đã dành trọn một đêm viết bài thơ “Quê hương tôi” trong niềm xúc động mãnh liệt”, AHLĐ Lê Công Cơ xúc động chia sẻ.
AHLĐ Lê Công Cơ cho hay, bài thơ là sự cộng hưởng cảm xúc của tình yêu nước thiết tha của một người lính vào sinh ra tử trong ngày toàn thắng. Được hưởng giây phút hạnh phúc này, ông nhớ những đồng đội đã hy sinh khi còn quá trẻ. Cùng với đó là nỗi lo lắng, liệu chúng ta có thể xây dựng đất nước như Bác Hồ mong muốn hay không.
|
AHLĐ Lê Công Cơ (thứ 3 từ phải qua) và Đội biệt động nội thành chụp ảnh với một gia đình có hầm bí mật. Tháng 3/1975. Ảnh: NVCC. |
Bài thơ còn là cảm xúc của tình yêu đôi lứa, mong nhớ da diết ông dành tặng cho người vợ của ông bây giờ. Lúc đó, bà đang là giao liên cho thành ủy, người đưa ông vào nội thành hoạt động. Do điều kiện chiến đấu, hai người yêu nhau, nhưng không dám thổ lộ.
“Khi biết tin giải phóng miền Nam, tôi vui không thể tưởng tượng được, tôi cứ chạy trên cầu Trường Tiền, không còn bóng quân thù. Khổ thơ cuối: Đừng khóc nữa, em yêu! Chiến tranh sắp qua rồi/Những đổ nát sẽ cùng nhau xây dựng lại/Những đau thương sẽ có thời gian hàn gắn/Chúng ta về xây lại mái nhà chung/Nắm tay nhau, ta đi giữa phố phường ngập tràn tiếng hát/Như có triệu người vui trong ngày toàn thắng/Cờ đỏ, sao vàng, lấp lánh trong đôi mắt em yêu” diễn tả trọn vẹn cảm xúc của tôi dành cho người yêu, tình cảm ấy lồng trong tình yêu đất nước”, AHLĐ Lê Công Cơ chia sẻ.
Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu bài thơ “Quê hương tôi” của AHLĐ Lê Công Cơ tới bạn đọc.
QUÊ HƯƠNG ƠI!
Tặng em Thanh (Nguyễn Thị Lộc)
Mảnh đất này ta yêu, ta quý
Từ thuở còn chập chững bước đi
Ta lớn lên trong tình thương của mẹ
Những vui buồn, đắng cay, mẹ nuôi ta
Cánh đồng quê những buổi chiều tà
Hương lúa chín thơm bao lòng mộc mạc
Yêu biết mấy những hàng tre xanh mát
Những trưa hè, câu hát mẹ ru ta
Ánh hoàng hôn trải mỏng trên đường làng
Đàn trâu về đủng đỉnh bước trong sương
Ta yêu mái tranh nghèo bốc khói
Những ngày đông bữa đói, bữa lưng
Mẹ bốn mùa còng lưng mót thóc
Trọn một đời khổ nhọc nuôi ta
Yêu đôi mắt cha già, sâu thẳm
Tấm thân trần tắm nắng, gội mưa
Từng giọt mồ hôi cha đổ xuống
Tưới đất này, vất vả nhiều năm
Yêu biết mấy những mảnh đời lam lũ
Kết tinh thành chữ S, Việt Nam ơi!
Mục Nam quan đến mũi Cà Mau
Quê hương ta: biển, đảo, núi, sông, hồ
Đẹp tuyệt vời từ thôn ấp đến thành đô
Ôi yêu dấu biết bao tình Dân, Nước
Những khắng khít từ lối đi, nhịp bước
Qua đường gân, thớ thịt, tới tâm can
Đã kết nên một khối thép vững vàng
Lòng yêu nước không gì lay chuyển nổi!
Rồi một hôm, đám mây mù chắn lối
Quê hương ta vùng dậy chống xâm lăng
Lớp lớp lên đường theo tiếng gọi
Giữ non sông bằng cả trái tim này!
Bao mơ ước, hẹn thể đành gác lại
Em chờ ta hết cả một đời
Cuộc chiến kéo dài theo nỗi nhớ
Có bao người con gái hết tuổi xuân!
Mẹ và em dõi theo bước đoàn quân
Ánh mắt đỏ hoe, mỏi mòn trông đợi
Từng chiến dịch nối theo từng chiến dịch
Rung chuyển Trường Sơn, dậy sóng Cửu Long
Đêm hành quân nhớ về quê mẹ
Cánh đồng hoang không một bóng người
Còn đâu những đêm trăng hò hẹn
Tuổi dậy thì, e thẹn, nói lời yêu
Còn đâu những chiều vàng êm ả
Lúa chín nồng thoảng hương tóc em bay
Còn đâu những giảng đường đầy tiếng hát
“Dậy mà đi, dậy mà đi", tuổi trẻ xuống đường
Rào kẽm gai, lựu đạn cay, chất độc
Ngập sóng người, mắt đẫm lệ, hô vang
Ôi tất cả đã biến thành sức mạnh
Nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới
Bao đồng đội, ngã xuống trên đường ta đi tới
Sáng tạo để canh tân
Mong một ngày thắng lợi, bước bên nhau
Đây Tổ quốc thân mình rớm máu
Quê hương ta lửa cháy ngút trời
Gót giày đinh dẫm nát tả tơi
Lòng đất mẹ, đạn cày, bom xới
Con sông biếc biến thành sông máu
Đồng lúa xanh thành bãi chiến trường
Bom đạn đốt ruộng vườn, nhà cửa
Cảnh hoang tàn máu lửa, tang thương
Mẹ ngã gục dưới làn mưa đạn
Hai tay còn quờ quạng tìm con
Giọt sữa nóng pha dòng máu đỏ
Chảy vào mồm em nhỏ ngủ ngon
Bao cảnh đời, đau thương, mất mát
Trong mưa bom vẫn cất cao tiếng hát
Yêu quê hương, dào dạt trong lời ca
“Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc"
Nằm gối súng nhìn trời sao lấp lánh
Đêm Trường Sơn gợi nhớ nỗi đau đời
Em ơi, nhớ những năm nào
Giặc thù càn quét giết bao nhiêu người
Mẹ ơi, giặc giết cha rồi
Máu cha chảy đỏ trên đồi cát thơm
Hàng dương lặng đứng căm hờn
Xôn xao biển gọi, sóng vờn triều dâng
Em ngồi chằm nón bài thơ
Tháng ngày chằm những ước mơ cháy lòng
Đêm đêm bên ngọn đèn chong
Vẫn đôi tay ấy, vót chông, đào hầm
Dù trong nắng lửa mưa dầm
Thương dân, thù giặc, tím bầm ruột gan
Ngọt ngào như tiếng người thân
Mênh mông biến biếc, lòng dân dạt dào
Ôi người mẹ khổ năm nào
Nuôi con đánh giặc gian lao bao ngày
Bây giờ tóc mẹ mây bay
Trăm ngàn cay đắng không lay lòng già
Ngày về mẹ lại gặp ta
Em đừng khóc nữa, đã qua mỏi mòn
Như con sông nhỏ ngày xưa ấy
Chảy mãi trong lòng bóng dáng em
Ta tiến quân về Thành phố
Như trăm sông, ầm ầm ra bể
Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt
Những đóa hoa xuân tuyệt đẹp
Nở trong lòng Tổ quốc, Việt Nam ơi!
Đừng khóc nữa, em yêu! Chiến tranh sắp qua rồi
Những đổ nát sẽ cùng nhau xây dựng lại
Những đau thương sẽ có thời gian hàn gắn
Chúng ta về xây lại mái nhà chung
Nắm tay nhau, ta đi giữa phố phường ngập tràn tiếng hát
Như có triệu người vui trong ngày toàn thắng
Cờ đỏ, sao vàng, lấp lánh trong đôi mắt em yêu!
Lê Công Cơ
Ngày 30 tháng 4 năm 1975
Mời quý độc giả xem video: "Anh hùng phi công Phạm Tuân kể về ký ức Điện Biên Phủ trên không". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan