Hiếu Thành Triệu Hoàng hậu Triệu Phi Yến, là Hoàng hậu thứ hai của Hán Thành Đế Lưu Ngao. Triệu Phi Yến được xem là đệ nhất mỹ nhân thời Hán bên cạnh Vương Chiêu Quân, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa.
|
Triệu Phi Yến được coi là 1 trong những Hoàng hậu đẹp nhất lịch sử Trung Hoa. |
Bà nổi tiếng với dung mạo tuyệt thế, thân thể nhẹ nhàng, vũ đạo uyển chuyển, tựa như chim yến nên mới có biệt hiệu là Phi Yến, có nghĩa là chim yến đang bay. Sử sách ghi về bà rất ít, song dã sử thì nhiều, vì vậy bà trở thành một trong những mỹ nhân phổ biến trong dân gian thần thoại từ rất sớm.
Triệu Phi Yến xuất thân hàn vi, cha mẹ ruột vốn là những nô lệ của phủ dịch Triệu Lâm. Sử sách, dù vậy, không ghi lại tên thật của Triệu Phi Yến. Khi lớn lên, nàng được tuyển làm ca nữ trong phủ của Dương A công chúa. Lúc vào tập múa hát, do thân hình uyển chuyển, nhẹ như chim yến, nên từ đó được gọi là Phi Yến
Hán Thành Đế vốn thích hưởng lạc thường đến phủ của Dương A công chúa uống rượu xem hát. Trong khúc múa mà Dương A công chúa phủ trình diễn, Triệu Phi Yến xuất hiện. Hán Thành Đế trông thấy Triệu Phi Yến thân nhẹ như chim yến, múa may uyển chuyển, cùng với nhan sắc tuyệt trần bèn say mê. Sau đó, Thành Đế đem Phi Yến về hậu cung, ngày đêm sủng hạnh.
Sau khi Hứa hoàng hậu bị phế, Hán Thành Đế muốn lập Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu, nhưng bị Vương Thái hậu phản đối vì chê bai Triệu thị xuất thân là ca nữ thấp hèn. Năm Vĩnh Trị nguyên niên (16 TCN), tháng 4, Hán Thành Đế lệnh truy phong cha của Triệu Phi Yến làm Thành Dương hầu từ đó không còn ai phàn nàn về xuất thân của nàng nữa.
Tháng 6 năm đó, Hán Thành Đế ra chỉ lập Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu. Sau khi được phong Hậu, dù dược sủng ái nhưng Triệu Phi Yến không thể có thai, điều này đã khiến dân gian đương thời có nhiều dị nghị cùng suy đoán.
Theo Triệu Phi Yến biệt truyện thời Tống, do không thể có thai với Hán Thành Đế, Triệu Phi yến bèn nghĩ cách quan hệ với các nam nhân khác để có con nối dõi. Đầu tiên, Triệu Phi Yến thông dâm với những người hầu trong cung. Để được thoải mái hành lạc, nàng nói với Hán Thành Đế muốn ra ngoài xây một hành cung bên ngoài để chuyên tâm cầu tự.
Hành cung này là một giang sơn riêng của Hoàng hậu, nơi bà tuyển các trai tráng khỏe mạnh, đẹp trai, sành kỹ thuật phòng the để đưa vào phục vụ mình. Nhưng cho dù đã được hàng trăm mỹ nam hầu hạ, bà vẫn không thể có một mụn con nào. Việc Triệu Phi Yến mất đi khả năng sinh sản, thực ra khởi nguyên từ chính khát khao đẹp mãi trẻ mãi của nàng.
Theo những ghi chép của Phi Yến liệt truyện, để có làn da trắng nõn mềm mượt và tỏa ngát hương thơm, Triệu Phi Yến thường nhét vào rốn một dạng thuốc viên có tên gọi “Hương cơ hoàn” hay "Tức cơ hoàn" được pha chế theo công thức thần bí.
Loại xuân dược này có thành phần chính là xạ hương, sâm Cao Ly, lộc nhung, nhục quế, phụ tử. Khi nhét vào rốn, quả nhiên thuốc phát huy công dụng mạnh mẽ, khiến Triệu Phi Yến luôn quyến rũ nhờ nước da nõn mượt và hừng hực sắc xuân, vô cùng quyến rũ.
Nhưng Triệu hoàng hậu không ngờ, thần dược “Hương cơ hoàn” là con dao hai lưỡi. Chất độc trong thuốc, đặc biệt là xạ hương, có tác dụng giúp cho làn da trở nên sáng bóng, mịn màng nhưng lại vô cùng độc hại với phụ nữ, tích lâu ngày trong người sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh sản của phụ nữ.
Năm Tuy Hòa thứ 2 (7 TCN), Hán Thành Đế đột ngột băng hà. Thái tử Lưu Hân kế vị, tức Hán Ai Đế. Triệu Phi Yến được tôn làm Hoàng thái hậu. Năm Nguyên Thọ thứ 2 (1 TCN), Hán Ai Đế băng hà, con trai của Trung Sơn vương Lưu Hưng là Lưu Kỳ Tử kế vị, tức Hán Bình Đế.
Mất đi Ai Đế, Triệu Thái hậu mất đi chỗ đứng. Ngay lập tức, bà bị Tân Đô hầu Vương Mãng kết tội ám toán hoàng tự (chính là những vụ tàn sát cung tần có thai với Hán Thành Đế trước kia), bị giam cầm trong Bắc Cung. Một tháng sau, Triệu Phi Yến bị bức tự vẫn, chung niên khoảng 44 tuổi.
Theo Tầm Hoan /SHTT