Năm 1414, nhà Hậu Trần diệt vong, một trong những chương đen tối nhất lịch sử Việt Nam đã mở ra. Những chính sách hủy diệt văn hóa, bóc lột tài nguyên, của cải, nhân lực vốn đã rất tàn bạo ngay từ khi quân Minh mới vào chiếm đóng nước ta, bấy giờ lại càng được giặc đẩy mạnh một cách tàn bạo hơn hòng gỡ gạc cho những tổn thất trong chiến tranh, và một phần cũng là để trả thù nhân dân ta đã tích cực hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa.
|
Vua Minh Chu Đệ rắp tâm xâm lược nước ta. |
Tất nhiên, quân Minh không thể nào chống lại tất cả người Việt, mà thực hiện chính sách chia để trị rất nham hiểm. Đối với các tầng lớp đại địa chủ, trí thức tinh hoa, những người thế gia, hào trưởng nếu chấp nhận quy phục quân đô hộ sẽ được đảm bảo sinh mạng, tài sản. Quan tướng nước Minh còn bỏ công chiêu dụ những người thuộc tầng lớp trên ra làm quan cho chúng để dễ bề kiểm soát và ru ngủ, khiến cho những người này vì danh lợi mà mất đi lòng ái quốc. Những ngụy quan có công lao giúp quân Minh đàn áp các phong trào khởi nghĩa được đối đãi rất hậu hĩnh bằng tiền tài, chức tước và ruộng đất. Nhưng có một điều chắc chắn là giặc Minh không cho đi nhiều hơn thứ chúng nhận lại từ dân tộc Việt, thậm chí quân giặc còn phải lấy đi gấp nhiều lần những lợi ích mà chúng đã ban phát.
Tất cả những gánh nặng được quân Minh triệt để đổ lên đầu những người bình dân, cũng là đại đa số người Việt. Ruộng đất của bình dân bị cướp không để cấp cho bọn tay sai làm bổng lộc. Kể từ năm 1414 trở đi, các sắc thuế ruộng lúa, ruộng dâu, thuế tơ lụa, thuế muối vốn đã rất nặng nề từ trước lại tăng dần đều từng năm. Giặc Minh siết chặt việc quản lý bằng sổ hộ tịch để theo đó mà thực hiện một chế độ lao dịch bắt buộc cực kỳ hà khắc. Bất cứ người dân nào từ 16 đến 60 tuổi đều nằm trong diện phải đi lao dịch không công cho giặc khi chúng cần. Chẳng những làm việc không được trả công, những người đi lao dịch lại toàn phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm như lên núi khai mỏ, săn voi lấy ngà, săn tê giác lấy sừng, lặn biển mò ngọc trai…
Những nông sản, lâm sản quý như hồ tiêu, trầm hương, đàn hương tất cả đều bị tận thu đem sang nước Minh. Giặc Minh thành lập một hệ thống đồn điền quy mô cực lớn để có thể cung cấp lương thực cho đạo quân chiếm đóng khổng lồ thường xuyên hiện diện trên nước ta, chực chờ bóp nát bất kỳ sự chống đối nào. Trong các đồn điền này, vẫn là những người dân phu lao dịch ngày ngày đổ mồ hôi và máu một cách tủi nhục, đau đớn. Ngoài dân lao dịch, người Minh còn sử dụng các ngụy binh để làm đồn điền. Ngụy binh vừa phải bán mạng, bán sức cho ngoại bang, vừa phải chịu sự khinh bỉ và nghi kỵ của quân tướng người nước Minh. Chỉ có những tên tay sai đầu sỏ, những kẻ chăn dắt là thực sự được hưởng lợi từ giặc ngoại bang.
Bên cạnh việc vơ vét, bóc lột thì việc hủy diệt văn minh, đồng hóa dân tộc cũng là một tội ác lớn mà giặc Minh đã gây ra. Chu Đệ từ khi xua quân xâm lược đã chủ tâm xóa bỏ văn minh Đại Việt bằng các biện pháp đập phá văn bia, đốt sách vở, hủy hoại công trình, di sản văn hóa, bắt nhân dân thay đổi phong tục tập quán… Đến khi nhà Hậu Trần nổi lên, việc phá hoại của quân Minh phần nào bị gián đoạn. Sau nhà Hậu Trần bị diệt, Chu Đệ lại ra chiếu chỉ đôn đốc Trương Phụ phải thi hành đầy đủ các biện pháp nhằm biến người Việt trở thành một sắc dân bị hòa tan vào trong khối Hán hóa. Mục đích cuối cùng của việc này, suy cho cùng là để người Việt về lâu dài không còn khát vọng độc lập, tự chủ nữa. Vua Minh đã hiểu ra sức mạnh đến từ cội nguồn văn hóa Việt và tìm cách tiêu diệt. Thế nhưng điều này không hề dễ dàng đối với quân giặc.
Ở nước Minh những năm này đang bước vào giai đoạn hùng mạnh nhất dựa vào chính sách cai trị cứng rắn và quân đội đông đảo, tinh nhuệ. Mặc dù ở phía bắc các bộ tộc Mông Cổ vẫn là mối đe dọa thường trực với nước Minh, nhưng Minh Thành Tổ Chu Đệ luôn dành lợi thế trong các cuộc chiến chống lại người Mông Cổ. Những hệ lụy từ các chính sách mang tính chất tạm bợ trước mắt của bạo chúa Chu Đệ chưa thực sự bộc lộ ra trong giai đoạn này. Về đối nội, cơ quan giám sát, thanh trừng nội bộ của vua Minh là Cẩm Y Vệ vẫn còn sợ oai của nhà vua mà chưa biến tướng thành một thế lực ngầm trong triều chính nước Minh.
Về đối ngoại, Chu Đệ vẫn triệt để dùng binh mà cư xử với láng giềng. Vì có quân đội mạnh, Chu Đệ vẫn kiểm soát được tình hình. Nhưng về lâu dài, đối ngoại thừa cương, thiếu nhu đã khiến nước Minh tự đặt mình vào thế lưỡng đầu thọ địch. Phía đông, các cướp biển đến từ Nhật Bản gọi là các Oa Khấu vẫn luôn cướp bóc, quấy nhiễu nước Minh.Phía bắc, bộ tộc Ngõa Lạt Mông Cổ sau khi nhận diện sự gian trá của Minh Thành Tổ đã từ đồng minh chuyển thành kẻ thù, cùng với đó là sự chống đối ngày càng tăng của các bộ tộc Mông Cổ khác nhằm vào nước Minh.
Bấy giờ tại nước ta, nhân dân không chịu nổi sự áp bức cũng lần lượt nổi lên. Những sự phản kháng trong giai đoạn từ sau khi nhà Hậu Trần mất (năm 1414) đến trước khởi nghĩa Lam Sơn (năm 1418) đa phần manh mún, tự phát không được biên chép rõ ràng trong sử sách. Tiêu biểu trong giai đoạn này là một cuộc khởi nghĩa tại Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Chích.Từ năm 1413 Nguyễn Chích đã dựng cờ khởi nghĩa, xây dựng căn cứ Hoàng Nghiêu (thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa ngày nay) chống quân Minh.
Sau khi nhà Hậu Trần mất, quân của Nguyễn Chích đã kiểm soát được ba huyện Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn (Triệu Sơn ngày nay), gây cho quân giặc nhiều thiệt hại. Quân Minh đem quân đến đánh, Nguyễn Chích thu quân vào núi Hoàng, núi Nghiêu cố thủ, giặc không đánh nổi. Ngụy quan Lương Nhữ Hốt theo lệnh giặc đến dụ hàng, Nguyễn Chích không theo, kiên quyết dựa vào núi rừng hiểm trở mà chiến đấu đến cùng với quân Minh. Khắp nơi nhiều hào kiệt, sĩ phu cũng ẩn dật nơi rừng núi, trông chờ một vị minh chủ nổi lên để cùng góp sức đánh đuổi giặc Minh.
Theo Quốc Huy/Một thế giới