Theo Tam quốc diễn nghĩa, Ngũ hổ tướng đều là những danh tướng có tài nghệ phi thường và có nhiều ảnh hưởng đến lịch sử. Hãy cùng VoThuat.VN điểm qua bản lĩnh võ thuật của năm nhân vật này.
Quan Vũ – bản lĩnh phi thường
Quan Vũ là một trong những vị tướng thời Tam quốc có ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa và tín ngưỡng Á Đông. Bản lĩnh của ông không chỉ là những gì được ghi lại trong Tam quốc diễn nghĩa mà còn là niềm tin của cộng đồng.
Quan Vũ không chỉ là một danh tướng trong lịch sử mà còn là nhân vật mang tính chất tín ngưỡng trong văn hóa Á Đông.
Quan Vũ không chỉ là một danh tướng trong lịch sử mà còn là nhân vật mang tính chất tín ngưỡng trong văn hóa Á Đông.
Theo truyện, binh khí của Quan Vũ là Thanh long yển nguyệt đao. Tương truyền, ông đã từng cho tìm nhiều thợ rèn giỏi nhất về “tư vấn”. Cuối cùng, ông chọn đại đao – vũ khí to nặng và khó sử dụng bậc nhất. Đối với độc giả truyện Tam quốc, thanh đại đao chính là minh chứng cho bản lĩnh vạn người không địch nổi của Quan Vũ.
Theo nhiều điển tích, thanh đao của Quan Vũ nặng đến 82 cân (khoảng 37kg), một con số hết sức khó tin bởi lẽ những thanh đại đao ngày nay hầu hết đều không nặng quá 2kg. Nếu chi tiết này là thật, ta càng thấy rõ bản lĩnh của Quan Vũ phi thường đến mức nào.
Trương Phi – một mình “cân” Lữ Bố
Không có gì quá đáng khi đem Lữ Bố ra làm thước đo bản lĩnh của những nhân vật còn lại. Với danh xưng “Chiến thần”, Lữ Bố gần như chưa từng bị đánh bại trong những cuộc đơn đả độc đấu.
Trong suốt truyện Tam Quốc, chỉ có hai nhân vật từng một mình đối đầu Lữ Bố mà không phải bỏ cuộc hoặc mất mạng. Người thứ nhất là Hứa Chử, người thứ hai chính là Trương Phi. Tuy nhiên, Trương Phi hai lần đụng độ Lữ Bố, thí triển trên dưới 150 hiệp vẫn bất phân thắng bại. Trong khi đó, Hứa Chữ chỉ chịu đựng được “Chiến thần” 20 hiệp là đã có người ứng cứu. Vậy nên, nếu dùng Lữ Bố làm thước đo trình độ võ thuật thì Trương Phi “không nhất cũng nhì” trong thời Tam quốc.
Triệu Vân – sánh ngang “chiến thần”
Có nhiều tài liệu không thống nhất về việc Triệu Vấn liệu có phải là thành viên của “Ngũ hổ tướng” hay không. Khác với những nhân vật còn lại, Triệu Vân ít tham gia những trận chiến quan trọng mà chủ yếu bôn tẩu cùng Lưu Bị và bảo vệ hoàng thất nhà Thục Hán.
Một trong những chi tiết quan trọng nhất thể hiện bản lĩnh Triệu Vân là trận chiến dốc Trường Bản. Tương truyền, Triệu Vân đơn thương độc mã mở đường máu vòng vây quân Tào để cứu ấu chúa A Đẩu, tự tay tiêu diệt 50 tướng Ngụy, tả xung hữu đột. Chứng kiến cảnh đó, Tào Tháo dù tức giận vẫn phải thốt lên: “Từ khi Lữ Bố chết, ta chưa từng thấy ai dũng mãnh như vậy.”
Mã Siêu – “Lữ Bố tái sinh”
Thêm một nhân vật nữa được đem ra so sánh cùng Lữ Bố qua lời khen của Tào Tháo, đó là chính là Mã Siêu. Theo Tam quốc diễn nghĩa, ông từng đối đầu với cả Trương Phi và Hứa Chử. Khi mới 17 tuổi, ông đã đi theo cha tham chiến, dũng mãnh đâm chết Vương Phương sau chưa đầy mười hiệp đấu, bắt sống Lý Môn. Về sau, chỉ một cơn tức giận mà Mã Siêu có thể dẫn quân đánh thẳng vào nhà Ngụy, đẩy Tào Tháo vào cảnh khốn đốn.
|
Mã Siêu (trái) từng đối đầu với Trương Phi trước khi về với Lưu Bị. |
Tác giả La Quán Trung mô tả và ước lệ hóa Mã Siêu trở thành một vẻ đẹp gần như tuyệt mỹ của một trang nam tử trẻ tuổi. Theo đó, ông vừa có sự kết hợp gần như là hoàn hảo của dung mạo, thể hình và phong độ, vừa có cái đẹp của một công tử dòng dõi thế gia lại vừa có cái đẹp mạnh mẽ, kiêu dũng của những chiến binh, dũng sĩ của các bộ tộc miền quan ngoại.
Hoàng Trung – hoa nở về chiều
Hoàng Trung là một trong những danh tiếng được nhắc đến ít nhất. Khi bắt đầu binh nghiệp, vị lão tướng này đã ở tuổi ngoại ngũ tuần. Lúc ra trận, ông thường hăng hái dành phần đi trước, không ngại nguy hiểm mà mở đường cho quân sĩ. Sau vài chiến công, Lưu Bị phong Hoàng Trung lên hàng Ngũ hổ tướng, điều khiến cho Quan Vũ hết sức tức giận vì “bị xếp ngang với người mới”.
Sau khi tử trận nơi sa trường, Hoàng Trung được phong hiệu Cương hầu với ý nghĩa: “Để các thế hệ trai tráng sau lấy đó làm gương về sự cương mãnh oai dũng”.
Theo Y.N/Võ thuật