Báo chí phòng chống tin giả như thế nào?

Google News

Lần lượt giải đáp từng câu hỏi liên quan đến vấn nạn tin giả, tác phẩm "Fake news và chống fake news" là một nguồn tham khảo thiết thực cho những người làm báo.

Vấn nạn tin giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới không chỉ bây giờ mới có hay mới được quan tâm, mà đã có từ xa xưa. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian có những câu ngạn ngữ như “tam sao thất bản”, “ăn không nói có”, “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”...

Báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20 đã đối mặt với vấn nạn fake news. Như Đại Việt tân báo năm 1905 phải cải chính tin giả trường hợp ông Đặng Xuân Bảng, tác giả của Việt sử cương mục tiết yếu, Sử học bị khảo... đang sống mà bị đăng tin là đã qua đời chỉ vì nhầm tên với người chết thực là Đặng Xuân Toản; hay báo Vịt đực năm 1938 của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc liên tục lên án tin giả…

Ở châu Âu thời Trung cổ, những tin tức thêu dệt liên quan đến chính trị, tôn giáo cũng rất phổ biến. Như việc xét xử Galileo để bảo vệ thuyết “địa tâm” cũng là một dạng tin giả tồn tại dai dẳng.

Bao chi phong chong tin gia nhu the nao?

Tác phẩm Fake news và chống fake news - Vì sao cái giả hấp dẫn hơn cái thật của nhà báo Đỗ Đình Tấn. Ảnh: Đình Ba.

Tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến tin giả, nhà báo Đỗ Đình Tấn đã cho ra mắt ấn phẩm Fake news và chống fake news - Vì sao cái giả hấp dẫn hơn cái thật. Sách được ấn hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM nhân 97 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm giải đáp cho độc giả và những người làm báo nhiều câu hỏi về tin giả như: "Thế nào là fake news?", "fake news được tạo ra với mục đích gì?", "nó gây hại gì cho báo chí và truyền thông?", "báo chí, hệ thống pháp luật đã có những biện pháp gì để chống tin giả?"...

Nhiều liên hệ, dẫn chứng về fake news trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã được tác giả sử dụng làm dẫn chứng cho từng câu hỏi cụ thể.

Trước hết, theo nhà báo Đỗ Đình Tấn, fake news được hiểu "là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó".

Lý giải cho việc con người dễ tin vào tin giả, một số nguyên nhân được đề cập tới theo nghiên cứu của nhà báo Bouchra Ouatik: Vì ta muốn khẳng định cái ta đã nghĩ; muốn tìm cách bảo vệ cái tôi của mình; bộ não chúng ta muốn đi tắt do lười... Một số cá nhân, tổ chức đã tạo ra fake news với những mục đích khác nhau về kinh tế, chính trị, ngoại giao...

Bao chi phong chong tin gia nhu the nao?-Hinh-2

Tin giả lây lan nhanh hơn tin thật. Nguồn: Cnet.

Sách dẫn chứng trong khảo sát 126.000 tin đồn được khoảng 3 triệu người chia sẻ trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu Viện công nghệ Massachusetts chứng minh rằng để lan truyền đến 1.500 người, tin thật phải mất thời gian gấp 6 lần so với tin giả.

Đối với báo chí, truyền thông, fake news gây nên hậu quả nguy hại, nhất là khi không gian mạng ngày càng rộng mở. Tin giả làm xóa nhòa ranh giới giữa riêng và chung, nó biến sự chú ý thành giá trị chứ không phải là tin thật, làm cho sự thật dần trở thành thứ yếu. Những hậu quả nguy hiểm ấy làm cho báo chí rơi vào khủng hoảng về mô hình kinh tế, niềm tin của công chúng.

Chỉ ra nguyên nhân, hậu quả của tin giả, sách của tác giả Đỗ Đình Tấn cũng đồng thời dựa trên nghiên cứu xác tín, đưa ra những giải pháp chống tin giả cho báo chí và phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho công dân dựa trên dữ liệu của nhiều nền báo chí lớn như Mỹ, Anh, Pháp. Sách cũng nêu một số giải pháp chống tin giả ở Việt Nam, trong đó có việc ra đời Trung tâm xử lý tin giả, Luật An ninh mạng...

Theo Đình Ba/Zing News