Những ngôi mộ ấy đã tồn tại từ rất lâu ở vùng đất này và không ai biết chủ nhân bên trong mộ đến từ nơi nào. Hiện những ngôi mộ này đang bị mai một dần theo thời gian.
|
Một trong những ngôi mộ cổ lớn nhất trên núi A Man chưa bị hư hỏng nhiều. Ảnh: LỮ HỒ |
Bia mộ không tên
Chúng tôi phải len lỏi dưới những tán cây rừng, dẫm trên những bụi gai trên núi A Man mới tìm thấy những ngôi mộ cổ này. Khu rừng thưa với những cây to, nhỏ bao trùm rất khó len lỏi để tiếp cận.
Khi tiến vào bên trong, ngôi mộ đầu tiên chúng tôi tìm thấy trong tình trạng đổ nát. Những phiến đá trên tường bao có chỗ đổ sụp và bị dây leo đậy kín. Nhà bia cũng bằng đá, ngói lợp và những hoa văn bị lu mờ bởi rêu phong...
Trên bia, chỉ còn một mảng đá phẳng lì. Dường như tên tuổi người mất đã bị bào mòn hoặc có thể bị đục bỏ. Tất cả không còn lưu lại một dấu vết nào để ghi nhận thân thế người đã khuất, năm tháng lập mộ.
|
Hàng trăm ngôi mộ cổ trên sườn núi A Man có hình thù khác nhau. Ảnh: LỮ HỒ
|
Theo quan sát của chúng tôi, ở lưng chừng núi A Man chỉ có lác đác vài ngôi mộ, nhưng càng lên cao thì số lượng mộ càng dày đặc. Tất cả ngôi mộ đều được phủ bên ngoài một lớp hợp chất vôi cát dày và một số ngôi mộ bị bong tróc lớp hợp chất ở bề mặt, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng chủ yếu là đá. Ở một số ngôi mộ cổ có các mảnh gốm trộn lẫn trong khối kết dính, có độ dày khoảng 1cm và rất rắn chắc.
Hầu hết những ngôi mộ này đều “gối đầu” phía đỉnh núi theo hướng Tây - Tây Bắc và quay mặt về chân núi hướng Đông - Đông Nam. Khu chính giữa gồm nhiều mộ hình yên ngựa được xây theo từng cặp với nhau. Trên bia tất cả những ngôi mộ cổ đều bị đục phá hoặc không làm bia mộ nên không ai biết danh tính những người nằm dưới mộ.
Bà Nguyễn Thị Vân - Phó Giám đốc Ban quản lý di tích huyện Tuy An, cho biết: Trên núi A Man có tổng cộng 450 ngôi mộ cổ và bà từng cho người đi đánh số thứ tự những ngôi mộ này. Hầu hết những ngôi mộ cổ có 4 dạng gồm loại hình yên ngựa (dân địa phương gọi là kiều ngựa), loại hình mai rùa, loại hình mái nhà và loại hình búp sen. Trong đó, loại hình yên ngựa khá phổ biến và mặt trước của các ngôi mộ được trang trí nhiều dạng hoa văn thể hiện hình tượng tứ bình, tùng hạc.
Nguồn gốc bí ẩn
Lý giải về việc các bia mộ đều bị đục phá hoặc không làm bia mộ, bà Nguyễn Thị Vân cho rằng: Ở giai đoạn các thế kỷ XVII - XVIII, vùng đất Phú Yên có nhiều biến động, chiến tranh xảy ra liên miên. Vì thế, khi xây mộ phần người ta không tạo bia hoặc nếu có tạo bia thì sau đó cũng đục phá để tránh tình trạng trả thù bằng hình thức quật mồ mả của người quá cố.
“Đã có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nhân 450 ngôi mộ cổ này. Có ý kiến cho rằng đó là khu mộ cổ của người Chăm cổ, có ý kiến cho đó là khu mộ người Việt và người Hoa, cũng có ý kiến cho là binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh đã hy sinh trong những trận chiến khốc liệt với binh sĩ nhà Tây Sơn năm 1793 -1801 và cả tầng lớp quyền quý thời chúa Nguyễn.
Với các tư liệu nghiên cứu và đối sánh từ một số đặc điểm của các ngôi mộ như kiểu dáng kiến trúc, cách thức trang trí, vật liệu xây dựng… và những điều kiện địa lý lịch sử vùng đất này, chúng tôi tạm thời đoán định chủ nhân các ngôi mộ cổ A Man chủ yếu là những lớp cư dân người Việt vào định cư, khai khẩn vùng đất này”, bà Vân chia sẻ.
|
Hầu hết những tấm bia trên mộ cổ trên núi A Man đều bị đục đẽo và không còn lưu lại một dấu vết nào để ghi nhận thân thế người nằm trong mộ. Ảnh: LỮ HỒ |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Phú Yên, tác giả công trình nghiên cứu khoa học “Di sản văn hóa đá Phú Yên”, cũng cho rằng: 450 ngôi mộ này không có một yếu tố nào thuộc về văn hóa mộ táng của người Chăm và người Hoa, mà hoàn toàn là văn hóa mộ táng của người Việt.
Dù rất độc đáo nhưng nó vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa thuần Việt từ phong thủy dân gian trong mai táng, đến hoa văn trang trí, cách thức bài trí, cách thức lập mộ. 450 ngôi mộ cổ có 4 loại hình nhưng đều có hình dáng khác nhau, không ngôi mộ nào giống ngôi mộ nào, quy mô từng ngôi mộ tùy thuộc vào vị trí xã hội của người nằm dưới mộ lúc sinh thời.
Tìm hiểu về lịch sử hơn 400 năm hình thành vùng đất Phú Yên, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Phú Yên, đoán định: 450 ngôi mộ cổ trên núi A Man được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, bởi nó có cùng cách thức xây dựng với một số ngôi mộ cổ ở Phú Yên của các dòng họ đã được xác định chính xác niên đại. Trong đó, những người nằm dưới những ngôi mộ cổ này thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh trong những trận chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn từ năm 1793 - 1801.
|
Hầu hết những tấm bia trên mộ cổ trên núi A Man đều bị đục đẽo và không còn lưu lại một dấu vết nào để ghi nhận thân thế người nằm trong mộ. Ảnh: LỮ HỒ |
Mong sớm lập hồ sơ di tích để bảo tồn
Bà Nguyễn Thị Vân - Phó Giám đốc Ban quản lý di tích huyện Tuy An, cho hay: Quần thể mộ cổ A Man, từ lâu được xem là mộ vô chủ nên đã từ lâu không có một nghi lễ, tín ngưỡng nào liên quan.
Gần đây, các ni sư trụ trì chùa Châu Lâm (ở thôn Quảng Đức, xã An Thạch) cùng nhiều tấm lòng hậu thế có nguyện vọng lập một đàn tràng cúng tế các vị tiền nhân yên nghỉ dưới chân núi A Man, sau lưng chùa Châu Lâm đã bị bỏ hoang nhiều thế kỷ.
Vào năm 2017, một số người dân đã đề nghị Hội Khoa học lịch sử Phú Yên cùng chùa Châu Lâm tổ chức lễ cúng tiền nhân yên nghỉ ở núi A Man vào ngày Chủ nhật 25/6/2017 (mùng 2 tháng 6 Âm lịch).
“Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên đã cùng 4 vị phát tâm tri ân tiền nhân đã cung nghinh 21 vị cao tăng của Phú Yên lập đại lễ trai đàn kỳ an, kỳ siêu, bạc độ chẩn tế âm linh nhằm tri ân tiền nhân, nguyện cầu quốc thái dân an, nối ngàn xưa với ngàn sau”, bà Vân thông tin.
Theo Lữ Hồ/Tiền phong