Bí ẩn bao trùm 5 vật thiêng gây tranh cãi nhất

Google News

Sự việc tấm vải liệm thành Turin bị nghi chỉ là phiên bản do một họa sĩ thời Trung cổ thực hiện đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận và cả những thông tin phản bác.

Chiếc rương thánh tích
Kinh Cựu ước kể rằng Moses, khi dẫn người Israel rời khỏi Ai Cập, đã nhận được 10 lời răn của Chúa trên núi Sinai. 10 lời răn này được viết trên các phiến đá và sau đó được đặt trong một chiếc rương làm từ gỗ keo, được khảm vàng và trên nắp nó có hai thiên thần làm từ vàng nguyên chất. Chiếc rương này được gọi là Rương đựng thánh tích (Ark of the Covenant).
Theo kinh Cựu ước, chiếc rương ban đầu được giữ ở đền thờ Solomon ở Jerusalem trong hàng thế kỷ. Kể từ đó, cuộc săn tìm chiếc rương báu này, vốn đã được nói tới trong bộ phim Indiana Jones And The Raiders Of The Lost Ark (Indiana Jones và chiếc rương thánh tích), đã gần như trở thành huyền thoại giống như chiếc rương bí ẩn.
Hồi tháng 5/2008, các nhà khảo cổ người Đức tuyên bố họ đã tìm thấy ở Ethiopia những gì còn lại của một cung điện được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, thuộc về Nữ hoàng Sheba và một bệ thờ có thể là nơi người ta đặt chiếc rương huyền thoại. Truyền thuyết nói rằng chiếc rương đã được vua Solomon mang tới cung điện này, khi hai người yêu nhau. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho biết chiếc rương đang nằm ở Nam Phi, Pháp, Anh và thậm chí là Ireland.
Chén Thánh bí ẩn
Chén Thánh được cho là một chiếc cốc hoặc một chiếc bát mà chúa Jesus đã uống trong bữa ăn tối cuối cùng. Có tin đồn Joseph người thành Arimathea đã hứng máu và mồ hôi của Chúa Jesus vào Chén Thánh, khi Chúa bị đóng trên thánh giá. Tiếp đó ông ta lén đem chiếc chén về Anh và canh giữ nó cẩn mật qua nhiều thế hệ.
Người ta nói rằng Chén Thánh chứa những quyền năng đặc biệt và là vật được nhiều người săn lùng. Những cuộc săn tìm Chén Thánh thậm chí còn nổi tiếng ngang với huyền thoại về chiếc chén. Hiện có một chiếc chén đang nằm trong Nhà thờ Valencia ở Tây Ban Nha được ghi nhận là một vật thiêng. Nhưng Vatican chưa bao giờ thừa nhận đó là Chén Thánh.
Cây thập giá thực thụ
Các nhà thờ trên khắp châu Âu đều tuyên bố họ có sở hữu một mảnh gỗ từ cây thánh giá mà Chúa Jesus bị đóng đinh. Họ nói các mảnh gỗ này được mang về từ đất Thánh bởi Thánh Helena, mẹ đẻ Hoàng đế Constantine, nhà lãnh đạo người La Mã đã cho phép Thiên Chúa giáo hoạt động trong đế chế của ông vào năm 313.
Một phần trong các thánh tích nổi tiếng nhất hiện đang nằm trong Nhà thờ Thánh giá ở Italia. Chúng gồm 3 mảnh của cây thập giá thực thụ, một chiếc đinh được cho là đã dùng khi hành hình Jesus và một mảnh xương từ ngón trỏ của thánh Thomas, vị tông đồ đã chọc vào các vết thương vì nghi ngờ sự tái sinh của Chúa.
Những cuộn giấy ở Biển Chết, một trong những bí ẩn tôn giáo lớn nhất. 
Các cuộn giấy ở Biển Chết
Được xem là một trong những phát hiện về mặt khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20, các cuộn giấy ở Biển Chết đã được một người chăn cừu tìm thấy trong hang đá tại Qumran, ngay bên rìa Biển Chết hồi năm 1947.
Những cuộn giấy này được cho là đã 2.000 năm tuổi, chứa gần 1.000 chữ khác nhau, được viết chủ yếu bằng các ký tự Hebrew, ngôn ngữ vùng Cận Đông và tiếng Hy Lạp. Phần lớn được viết trên giấy da, nhưng có một bộ phận viết trên giấy cói, với nội dung vô cùng khó hiểu.
Phần lớn học giả tin rằng các cuộn giấy này do một giáo phái Do Thái cổ đại mang tên Essenes ghi lại. Tuy nhiên, ai đã thực sự chắp bút viếc các văn kiện này, ai có quyền sở hữu chúng và chúng cho người ta biết gì về Thiên Chúa giáo cũng như Do Thái giáo vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Các cuộn giấy hiện đang được giữ trong một căn phòng tối, có kiểm soát nhiệt độ ở Bảo tàng Israel nằm tại Jerusalem.
Miếng vải quấn quanh đầu Chúa
Miếng vải này hiện đang nằm tại Nhà thờ San Salvador ở Oviedo, Tây Ban Nha, được cho là đã quấn quanh đầu Chúa sau khi Ngài qua đời. Miếng vải này được trưng bày mỗi ba năm một lần. Các thử nghiệm tiến hành hồi năm 1998 trên miếng vải này và tấm vải liệm Turin cho thấy máu trên cả hai thánh tích là cùng một loại. Ngoài ra chất vải của hai thánh tích này cũng vô cùng giống nhau.
Theo Tường Linh /Thể thao & Văn hóa