Thậm chí, những hành vi này đang bị xem xét trách nhiệm hành chính, hình sự.
Nợ cưới và nạn “đầu tôi”
Nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số phải đối mặt với pháp luật khi hồn nhiên “bắt vợ”, “trộm dâu” như vụ việc vừa mới xảy ra ở mùa xuân này của 4 chàng người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An. Nhưng để từ bỏ một tục lệ có từ ngàn đời không phải là chuyện dễ đối với bất cứ một làng quê, dân tộc nào.
Người Cơ Tu ở trung Trường Sơn đang vận động dần dần bỏ tục “đầu tôi”, “nợ cưới” vốn làm nặng gánh cho trai làng. Nhưng họ cũng đang tìm cách khôi phục mỹ tục “đi sim”...
Nếu như người phụ nữ Ba Na ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải vất vả chuẩn bị “lễ vật” ít nhất bằng 100 bó củi để “bắt chồng” trong hôn nhân mẫu hệ, thì người Cơ Tu ở trung Trường Sơn lại có phong tục ngược lại.
Người Cơ Tu theo phụ hệ, con theo họ cha và gái về nhà chồng. Con gái được xem như vàng ngọc, là gia sản của bố mẹ. Cưới hỏi trong phong tục cũ của người Cơ Tu khi gả bán con gái đòi hỏi sính lễ rất nặng nề. Thậm chí xem như “mua bán” con gái mình. Thanh niên mới lớn, cưới vợ phải có đủ ché, chiêng, có ruộng rẫy, nhiều trâu, bò...
Bởi vậy, thông thường người Cơ Tu lấy vợ trễ, ở tuổi trên 30 mới cưới chứ ít có tục tảo hôn như những tộc người thiểu số khác. Cũng chính vì phải trả sính lễ quá lớn cho việc cưới vợ, nên người đàn ông Cơ Tu có vai trò quan trọng trong gia đình. Người vợ trở thành lệ thuộc chồng và gia đình chồng.
Thường người đàn bà Cơ Tu phải vất vả ruộng nương, chăm con, toan lo đói nghèo, nhưng người đàn ông thì an nhàn hơn, hưởng thụ rượu thịt, hát hò, say sưa trong các lễ hội triền miên.
|
Bí ẩn ngải yêu của người Cơ Tu. Ảnh minh hoạ |
Già Bhriu Bố ở Tây Giang cho biết, bây giờ nhiều hủ tục lạc hậu, bất bình đẳng dần đã được thanh lọc, loại bỏ khỏi cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, ở nhiều bản làng sâu trong rừng, tâm lý, thói quen của tập tục cũ vẫn còn duy trì.
Người Cơ Tu Tây Giang đã cơ bản thống nhất, bỏ hẳn nghi thức đâm trâu trong các lễ hội “Ăn trâu” của làng hước, nhưng việc đòi sính lễ nhiều thì vẫn còn tồn tại nhiều nơi, chưa xóa bỏ hẳn được đâu.
Ông Bhriu Bố kể, xưa kia, thanh niên đến tuổi lấy vợ là nỗi lo, gánh nặng cho cả gia đình, dòng họ. Với người nghèo, không có của cải thì sẽ khốn đốn, không lấy được vợ. Nếu chấp nhận phận ở rể, thì về nhà gái trong tâm thế kẻ hèn mọn, tôi tớ. Phần lớn tư chất người đàn ông Cơ Tu là mạnh mẽ, can trường, không chấp nhận số phận nghèo để bị hèn.
Vì vậy, để vẫn lấy được vợ, nhiều người nghèo Cơ Tu phải vay mượn của cải của người khác ngoài dòng tộc với lời hứa sau này sẽ trả con gái của mình cho chủ nợ làm vợ, làm dâu. Nếu vợ chồng “con nợ” này không sinh được con gái, thì đời sau - đời con, cháu phải trả món nợ này.
Tục Cơ Tu gọi là nạn “đầu tôi”. Nếu vẫn sinh được con gái, nhưng đứa con gái cự tuyệt, không chấp nhận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thì vợ chồng “con nợ” này sẽ bị phạt vạ, đền gấp đôi món đồ thách cưới năm xưa.
Câu chuyện nghe bội phần chướng ngược ấy lại hợp với sinh cảnh của người dân tộc thiểu số, sống giữa rừng sâu núi thẳm. Con gái Cơ Tu không chỉ đảm đang, chịu khó, giỏi giang việc nhà, hợp với sinh hoạt kinh tế lạc hậu - tự cung tự cấp, mà trước đó nữa là săn bắt, hái lượm. Cái lý của người Cơ Tu là: “Cha mẹ đã mang nặng đẻ đau, không lẽ anh rước con người ta về không?”.
Người Cơ Tu xem việc mua vợ không hẳn là xấu, vì nó là ơn nghĩa sinh thành. Chỉ là do nhận thức, truyền đạt mỹ tục nhân văn ấy không phải lúc nào cũng đúng, nên nhiều giai đoạn, nhiều nơi, mỹ tục này đã dần biến thể bản sắc và đi đến bóc lột người con gái, biến người con gái thành thứ hàng hóa phi nhân tính. Chưa kể việc người giàu có sẽ mua được nhiều vợ, biến họ thành nô lệ, mà ngay trong quan hệ hôn nhân bình thường cũng xảy ra bất bình đẳng, vợ chồng trở thành chủ - tớ.
Bùa yêu, thuốc giấu
Cũng chính vì quá khó khăn mới lấy được vợ như vậy nên người Cơ Tu ít xảy ra li dị, bỏ vợ. Phần lớn các đôi vợ chồng đều sống hạnh phúc, gắn bó trọn đời với nhau. Nhiều người yêu nhau thắm thiết từ trẻ đến già. Nhưng cũng có cách lý giải khác, rằng nhiều người Cơ Tu đã dùng bùa yêu, ngải khiến để buộc người vợ - chồng của mình phải yêu mình đến trọn đời.
Già Arất Avy ở làng Aur, xã A Vương xác tín: “Riêng chuyện bùa yêu, thuốc giấu, ngải thuốc của người Cơ Tu là có thật. Hiện vẫn còn là bí quyết gia truyền của nhiều người hiện nay. Nhưng họ chỉ biết dùng theo kiểu cha truyền con nối chứ những loại thuốc này gần như vẫn còn là câu chuyện huyền bí, chưa có lời giải”. Chỉ tay về phía hạ nguồn con sông A Vương, già Avy nói: “Dưới ấy, làng Tà Vàng có rất nhiều người dùng ngải yêu để buộc người khác lấy mình”.
Bà A Lăng Geen, hơn 90 tuổi đã cưới được chồng nhờ một cây ngải “nuôi” trong rừng. Cây ngải yêu tiếng Cơ Tu là cây ameer. Chỉ cần 1 lá, dùng tay chà nát, lén bỏ vào túi áo quần, dưới chỗ nằm, hoặc xát lên người, thế là “đối tác” phải yêu mình ngay. Yêu đến nỗi không thể rời nhau, phải cưới và yêu cho đến tận lúc chết. Tuy vậy, tục truyền, bùa yêu phải giấu thật kỹ, phải là bí mật kiểu sống để dạ, chết mang theo. Bởi, nếu để “đối tác” biết được, thì bùa sẽ phản tác dụng. Mỗi năm lại phải bỏ ngải một lần. Điều cấm kỵ, là không để người ruột thịt, người cùng giới “dính” phải ngải. Hậu quả sẽ rất kinh hoàng.
Không chỉ bà A Lăng Geen mà làng Rà Vàng còn có 3 người phụ nữ Cơ Tu khác tìm chồng nhờ bùa ngải mà bà chỉ vẽ cho họ. Cũng ở cái làng đẹp, vắt lưng chừng núi, soi bóng xuống dòng A Vương này có một người nữa biết ngải yêu. Đó là bà A Lăng Thị Ahút. Nhờ vào thứ bùa mê, thuốc lú ấy mà bà Ahút có 3 đời chồng, 10 con, 14 cháu. Bí thư huyện Tây Giang, ông Bhriu Liếc nói: Tôi đã nghiên cứu nhiều, tiếp xúc một đời với dân tộc mình, nhưng nhiều lúc không hiểu hết được những câu chuyện đậm màu sắc huyền bí này. Đồng bào tôi từng chứng kiến nhiều người “thổi” hết bệnh. Dùng thảo dược làm bùa ngải. Riêng chuyện ngải yêu là có thật.
Tuy vậy, nếu tin, dùng theo thì mình nói, đồng bào không nghe theo, đi ngược lại chủ trương của Nhà nước mà vô tình cổ vũ cho các hủ tục”. Ông Liếc lý giải: “Không chỉ đồng bào Cơ Tu mà người Bhnoong, Xê Đăng ở trung Trường Sơn còn có nhiều loại ngải công dụng khác nữa. Ngoài yếu tố tâm linh truyền thống tồn tại ở các tộc người còn khá “gần” với tự nhiên nguyên thuỷ, ngải vẫn giải thích được bằng khoa học. Đó đều là cây thảo dược”. Các cây thảo dược được đồng bào nuôi trồng, chăm sóc, bào chế và sử dụng theo phương pháp bí truyền, trở thành các loại ngải. Tùy mục đích dùng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, ngải dùng vào mục đích khác nhau. Ngải độc hại người, hoặc ngải thuốc cứu người. Ví dụ râu cọp là một loại ngải cực độc.
Lá ngón cũng vậy, chính là cây “đoạn trường thảo”. Riêng cây ngải yêu cùng họ với cây nghệ, gừng. Còn công dụng “yêu”, là do nó có chứa chất kích thích tình dục, có hương liệu, khi bào chế, sử dụng với các thủ thuật đặc biệt sẽ để lại “mùi” và sự “thèm thuồng” khó quên, khó cưỡng lại. Thực tế, ngải - bùa yêu chỉ là chất xúc tác, sử dụng ban đầu để lôi kéo người mình thích, mình yêu. Về sau, sự gắn kết lâu dài trong hôn nhân chẳng qua là tình nghĩa vợ chồng ngày càng được vun đắp chứ không thể có thứ ngải bùa nào duy trì cả đời người được.
Theo PV/Đời sống pháp luật