Ngày 28/9 vừa qua, Cơ quan Môi trường Na Uy công bố những bức ảnh cho thấy hơn 300 con tuần lộc bị sét đánh chết khi một trận bão quét qua vườn quốc gia Hardangervidda. Đây là một khu vực xa xôi ở trung nam Na Uy.
Theo giới chức Na Uy, việc sét đánh chết động vật hoang dã không phải là điều hiếm thấy. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ thấy nhiều động vật bị sét đánh chết cùng một lúc như vậy.
|
Hơn 300 con tuần lộc nằm la liệt trên nền đất sau khi bị sét đánh chết. |
John Jensenius - chuyên gia về sét thuộc Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho hay hầu hết các trường hợp tử vong do bị sét đánh đều là những trường hợp đứng trên mặt đất khi xảy ra mưa bão.
Theo chuyên gia Jensenius, việc đứng trên mặt đất khi trời đổ mưa rất dễ bị sét đánh. Lượng điện tích sẽ truyền xuống đất qua cơ thể khiến nạn nhân có nguy cơ thương vong khi bị sét đánh. Đặc biệt, động vật rất dễ bị tổn thương nếu như bị sét đánh bởi chúng tiếp xúc với mặt đất nhiều nên lượng điện tích truyền xuống đất qua cơ thể khá cao. Điều đó khiến những con tuần lộc dễ bị sét đánh chết.
Thêm vào đó, đàn tuần lộc đã đứng tụ lại cùng một chỗ khi xảy ra bão và đó là lý do gần như cả đàn tuần lộc bị sét đánh chết, duy chỉ 5 con may mắn sống sót.
Địa điểm xảy ra vụ việc hơn 300 con tuần lộc bị sét đánh chết là ở vườn quốc gia Hardangervidda. Đây là nơi có số lượng đàn tuần lộc lớn nhất châu Âu, với khoảng 10.000 con. Tuần lộc thường đi thành đàn lớn và có xu hướng ở gần nhau khi thời tiết xấu. Điều này được cho là một trong những nguyên nhân khiến đàn tuần lộc trên bị sét đánh chết cùng một thời điểm.
Sau khi xảy ra sự việc lạ thường này, giới chức Na Uy đã lấy mẫu để giám định phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Tâm Anh (theo Livescience)