Tọa lạc phía hữu ngạn dòng sông Cái, cạnh bên Cầu Mới trên tuyến QL1A qua địa phận thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, ngôi chùa Hoa Tiên hình thành và tồn tại hơn 200 năm qua.
Do những biến động thời tiết, thiên tai bão lũ sau dặm dài hơn hai thế kỷ nên một số hạng mục kiến trúc ngôi chùa mặc dù đã được tu sửa nhưng nhiều nét vẽ cổ kính vẫn còn tồn tại cùng với những câu chuyện huyền bí từ pho tượng cổ đến "kho báu" dưới lòng đất…
|
Chùa Hoa Tiên từ QL1A nhìn vào cổng phụ. |
Đến chùa Hoa Tiên giữa buổi sáng tháng sáu ngập tràn nắng gió, từ bên lề đường QL1A nhìn vào, hình ảnh đầu tiên hiện hữu trước mắt tôi là vóc dáng hai cây xà cừ đại thụ hơn 200 tuổi tỏa bóng mát ở phía trước, cơ hồ như hai vị "thần mộc" luôn vươn vai bảo vệ ngôi chùa trước khi đạo hữu, du khách bước qua cổng tam quan cổ kính với những dòng chữ Nho đúc nổi.
Hòa thượng Thích Thiện Danh - nhà sư tiền nhiệm đã viên mãn từ cuối tháng 6-2016 nên ba năm qua, Đại đức Thích Chơn Đạo kế vị trụ trì chùa Hoa Tiên. 46 tuổi đời nhưng vị Đại đức này đã xuất gia theo nghiệp tu hành từ năm 10 tuổi, nên đến nay ông đã có 36 năm hành đạo và gắn bó với chùa Hoa Tiên suốt chặng thời gian đó.
Đưa chúng tôi đi dạo một vòng quanh chùa, Đại đức Thích Chơn Đạo cho biết : "Cổng chính nhà chùa hướng mặt về phía Tây Bắc nhìn ra dòng sông Cái êm đềm, nhưng do lối đi bất tiện nên phải mở cổng phụ tạo lối đi vào từ hướng QL1A.
Vài năm tới chính quyền huyện Diên Khánh xây dựng xong tuyến kè ven bờ hữu ngạn sông Cái thì lối vào cổng chính sẽ khang trang hơn để nhà chùa có điều kiện rộng mở cửa từ bi đức Phật đón tiếp đạo hữu gần xa".
|
Đại đức Thích Chơn Đạo giới thiệu thư tịch cổ đặt trong bình tròn trên một bàn thờ trong chùa Hoa Tiên. |
Ngừng một lát, Đại đức Thích Chơn Đạo chia sẻ: "Trong tác phẩm "Xứ Trầm Hương", thi sĩ Quách Tấn cho biết, những thông tin lưu lại trên thư tịch cổ của người xưa và sắc phong của vua triều Nguyễn cho thấy tiền thân chùa Hoa Tiên xưa kia là quan tự, do quan quân dinh Thái Khang thời bấy giờ xây dựng từ năm Gia Long thứ 10 (1811) sau khi chúa Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn và là vị Hoàng đế sáng lập nhà Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Quan tự là nơi thờ ngài Quan Thánh đời Tam Quốc ở gian giữa, bên phải là bàn thờ bà Thiên Y A Na, bên trái là bàn thờ Phật. Đến năm 1822 - Minh Mạng thứ 3, Nguyễn Phúc Đảm - con trai thứ tư của vua Gia Long kế vị ngôi vua sau khi Nguyễn Ánh băng hà năm 1820, quan tự được chuyển giao cho làng.
Từ thời quan tự còn do dinh quản cho đến lúc chuyển giao xuống làng trông coi, nơi đây vẫn là điểm đến tâm linh thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân ở phủ Diên Ninh lúc đó nên ngày 13 tháng giêng âm lịch mỗi năm đều diễn ra tục "Hát vía Ông".
Cho đến triều Bảo Đại (1924-1945), khi phong trào chấn hưng Phật giáo đang mở ra, rất nhiều tín đồ bày tỏ tâm nguyện chuyển đổi quan tự thờ ngài Quan Thánh thành chùa thờ Phật.
Sau thời gian gần 150 năm, chùa Hoa Tiên xuống cấp nghiêm trọng nên đến năm Kỷ Hợi (1959) mới được tu sửa với nhiều hạng mục đổi mới, mở rộng nhưng vẫn giữ được nét cổ kính Á Đông. Cho đến nay, chùa Hoa Tiên đã có 8 vị Hòa thượng trụ trì và lần lượt viên mãn, Đại đức Thích Chơn Đạo là người kế nhiệm thứ 9.
Khi nghe chúng tôi hỏi đến cây cốc đại thụ với nhiều bí ẩn về "kho báu" đã được đồn thổi từ bao đời nay bằng những tình tiết ly kỳ đậm chất huyền hoặc, Đại đức Thích Chơn Đạo trầm tư khá lâu như để hồi tưởng một thời thơ ấu, kể từ khi ông đã xuất gia tu hành ở chùa Hoa Tiên.
Rồi ông tâm sự: "Từ thời xa xưa, khu vườn chùa Hoa Tiên rộng lớn, bên tả cổng chính nhà chùa có một cây cốc đại thụ nhiều người nối cánh tay lại mới ôm trọn gốc.
Cây cốc đã tàn lụi từ lâu lắm rồi, đến giờ này không còn dấu tích. Nơi cây cốc đại thụ tọa lạc năm xưa đã nằm lẫn giữa khu đất của Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Diên Khánh và khu đất chùa Hoa Tiên, nhưng không một ai biết được chính xác vị trí gốc cây nơi nào.
Một số bậc trưởng lão ở làng quê này từ thời xa xưa truyền khẩu qua nhiều đời rằng, bên dưới gốc cây cốc là "kho báu" của người Chăm chôn giấu rất nhiều vàng bạc đã được gia công chế tác thành những vật phẩm mi ni như buồng cau, nải chuối, con cóc, đồng tiền, bình tách trà - rượu, nữ trang…"
Theo mạch chuyện kể của Đại đức Thích Chơn Đạo thì từ chân gốc cây cốc đại thụ mở ra trên diện rộng là bãi cỏ hoang phủ dày nhiều tầng lớp, ẩn chứa nét vẻ thâm u, kỳ bí.
Nhiều người đồn đoán sau khi chôn giấu "kho báu", người Chăm không chỉ mở sổ sách vẽ lại sơ đồ cây cốc gắn liền với dòng sông, đường lộ, ruộng đồng, khu dân cư ở gần đó và ghi chép lại những thông tin về vị trí địa lý, thời gian, số lượng vàng bạc, mà còn vận dụng nhiều chiêu thuật bùa phép trấn giữ "kho báu".
Chẳng ai biết được thứ bùa phép đó là gì, hiển linh như thế nào, nhưng có một sự thật rõ nét nhất được nhiều người dân ở gần chùa Hoa Tiên chứng kiến, đó là cặp rắn khổng lồ luôn bám trụ bên gốc cây cốc chừng như thường trực ngày đêm bảo vệ "kho báu".
Mỗi khi có người lọ mọ đến gần gốc cây cốc, cặp rắn khổng lồ ẩn mình đâu đó bất ngờ xuất hiện khiến cho bất kỳ ai dạn dĩ, lì lợm đến mấy cũng phải rùng mình hoảng sợ vội vã tìm lối rút lui nhanh gọn để tránh hiểm họa có thể xảy ra.
|
Pho tượng Thiên Y A Na và Quan Âm Bồ Tát được tìm thấy khi đào giếng ở chùa Hoa Tiên cách đây hơn 200 năm. |
Thêm một chuyện nữa là thỉnh thoảng có người nhìn thấy những đốm lửa vàng rực bay ra từ gốc cây cốc và gọi đó là "vàng hời đi ăn". Cũng có người kể rằng những đêm trăng thanh, gió từ phía bờ sông Cái thổi về dịu mát, nhiều đồng tiền vàng lấp lánh bay ra từ gốc cây cốc.
Đề cập đến "vàng hời" trong tác phẩm "Xứ Trầm Hương", thi sĩ Quách Tấn có viết: "Ban đêm, người quanh vùng thường thấy "vàng đi ăn", ánh sáng vàng rực". Một số bậc cao niên kể lại cho thế hệ đời sau những câu chuyện liên quan đến "vàng hời" đậm chất huyền bí.
Một vài người liều lĩnh tìm kiếm, đào bới hoặc vô tình nhặt được "vàng hời" đã chết bất đắc kỳ tử hoặc lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, thân thể nhuốm màu vàng khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng phát khiếp, không dám mơ tưởng đến những "kho báu vàng hời".
Trở lại những câu chuyện xung quanh cây cốc đại thụ, Đại đức Thích Chơn Đạo khẳng định: "Khi tôi xuất gia khởi nghiệp tu hành tại chùa Hoa Tiên chỉ mới 10 tuổi. Một buổi sớm tinh khôi, tôi bước ra vườn cây trong khuôn viên ngôi chùa, cách nơi được cho là vị trí gốc cây cốc đại thụ không xa, tình cờ tôi nghe tiếng động lạ thường.
Vừa mới xoay người nhìn vào bụi rậm gần đó, tôi nhìn thấy cặp rắn rất to đang chồm lên, trên thân lấp lánh ba màu đen - vàng - trắng, đầu rắn có mồng đỏ rực. Hoảng sợ, tôi vội vã chạy vào chùa kể lại sư thầy Hòa thượng Thích Thiện Danh, ông cười nhỏ nhẹ rồi "bật mí" cho tôi biết nhiều lần thầy đã nhìn thấy cặp rắn đó.
Sư thầy tôi có kể rằng, từ thời Pháp thuộc, khi viên Công sứ Bréda nghe được nguồn tin "kho báu" người Chăm chôn giấu bên dưới gốc cây cốc đại thụ nên đã dự tính phá dỡ, đào bới để lấy "vàng hời" nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của đông đảo người dân chỉ vì lo sợ tai họa sẽ xảy ra, đời sống bất an.
Cũng có nguồn tin đồn đoán rằng, "bùa phép" của người Chăm trấn yếm tại kho báu bên dưới gốc cây cốc đại thụ và một pho tượng Phật được các nhà sư ở chùa Hoa Tiên tìm thấy đã hiển linh báo mộng nếu như ai đó cố tình động chạm đến "kho báu" sẽ bị thần linh ám hại nên viên Công sứ Bréda đành phải bỏ cuộc".
Đại đức Thích Chơn Đạo còn kể rằng: "Khi tôi vào chùa Hoa Tiên tu hành được vài năm, đã có vài lần những nhóm người Chăm từ Ninh Thuận, Bình Thuận ra tới đây để dò tìm "kho báu".
Không muốn ảnh hưởng đến chốn thiền môn cùng với đời sống tâm linh của đạo hữu và trật tự xã hội ở địa phương, nên Hòa thượng Thích Thiện Danh từ chối hợp tác với lý do chưa hề biết cây cốc đại thụ ở đâu.
Không ai nghĩ rằng hàng trăm năm trôi qua nhưng những câu chuyện liên quan đến "kho báu" dưới cây cốc đại thụ vẫn lưu truyền đến tận bây giờ, cho dù chưa có căn cứ nào minh chứng thực hư.
Ngoài kho báu chôn giấu dưới gốc cây cốc, bên trong chùa Hoa Tiên còn có câu chuyện huyền bí về những pho tượng cổ. Đưa tôi vào chánh điện, Đại đức Thích Chơn Đạo giới thiệu pho tượng được người xưa tạo tạc từ đá xanh hiếm có.
Vị Đại đức kể rằng, pho tượng thứ nhất được tiền nhân tìm thấy trong lúc đào giếng sau khi quan tự được hình thành chưa được bao lâu, nghĩa là cách đây hơn 200 năm.
Pho tượng bán thân này nằm dưới lòng đất ở độ sâu gần 20m, chất liệu đá xanh, nhiều chi tiết chạm khắc đã bị bào mòn, nhưng vẫn nhận dạng rõ nét đó là chân dung Thánh mẫu Chúa ngọc Thiên Y A Na. Pho tượng đá còn lại trồi lên từ mặt đất bên gốc cây cốc đại thụ sau những trận mưa lớn và được nhận dạng là Quan Âm Bồ Tát.
Khác biệt và lạ thường là ngoài bàn tay của tượng Quan Âm, phía trước còn có thêm một bàn tay lớn đang niệm chú. Các bậc sư thầy trụ trì chùa Hoa Tiên trước kia truyền rằng, sau khi thỉnh tượng vào chùa để thờ, nửa đêm pho tượng tự đổ xuống đất, đầu rời khỏi thân.
Các bậc sư thầy kết nối lại, mãi đến sau này Hòa thượng Thích Thiện Danh dùng sơn tô điểm pho tượng để né tránh tầm ngắm của những kẻ trộm cắp đồ cổ.
Tiễn tôi ra về, Đại đức Thích Chơn Đạo chia sẻ: "Thực hư "kho báu" bên dưới gốc cây cốc đại thụ năm xưa chưa được giải mã, dấu tích gốc cây cũng chẳng còn, vì thế hàng trăm năm qua các bậc tu hành ở chùa Hoa Tiên vẫn thầm nghĩ rằng đó chỉ là câu chuyện hoang đường. Đến chốn thiền môn, mỗi người nên gạt bỏ tham - sân - si mới tìm được phúc đức từ bi. Đó mới là "kho báu" quý giá nhất của đời người".
Theo Cảnh sát toàn cầu