Qua những câu chuyện truyền miệng đậm chất huyền sử, người dân địa phương vẫn tin rằng: Đây là ngôi mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – người phụ nữ trung liệt đã hiến mình cho thần sông, giúp Lê Thái Tổ “mười năm nằm gai nếm mật”, đánh đuổi giặc Minh, giành lại cơ đồ và mở ra một thời kỳ thịnh trị vào bậc nhất thời phong kiến nước Nam ta.
Trong cái nắng nung người cuối tháng 7, tôi theo ông Hoàng Hùng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định ra khúc sông có ngôi mộ cổ. Mùa này nước dòng sông Chu không còn hiền hòa, trong xanh mà đỏ quạch nặng phù sa mải miết chảy về Đông.
“Xa phía giữa dòng kia là nơi ngôi mộ tọa lạc. Vào mùa đông, người ta có thể chèo thuyền ra, cắm cây sào xuống chừng hơn 1m sẽ chạm đến bề mặt. Người dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa vẫn tin rằng đây là ngôi mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần nên vào ngày kỵ và các dịp lễ tết, bà con vẫn tường đem hương hoa thả xuống dòng sông như một sự tri ân, khẩn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”, ông Hùng vừa chỉ tay về phía dòng sông Chu vừa cho tôi hay.
Bên tán cây si cổ thụ đổ bóng, ông Hùng kể cho tôi nghe những câu chuyện xung quanh mô cổ mộ còn nhiều tồn nghi này. Nhiều tư liệu lịch sử còn ghi lại: Từ khi dấy nghĩa tại núi Lam Sơn, vua Lê Thái Tổ có 3 bà vợ. Người thứ nhất là Thần Phi (tên thật là Trịnh Thị Lữ, người làng Bái Đô, Xuân Bái, Thọ Xuân bây giờ); người thứ 2 là Huệ Phi (tên thật là Phạm Thị Nghiêu) và bà vợ thứ 3 là bà Trần Thị Ngọc Trần (sau này đổi họ thành Phạm Thị Ngọc Trần).
Tương truyền, một lần vua Lê Thái Tổ có việc phải sang sông khi trời đã nhập nhoạng tối, bỗng thấy thấp thoáng trong nương dâu một thục nữ chân quê mà mang dáng dấp quý phái của giai nhân, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát, đáng bậc phu nhân, hoàng hậu.
Lê Lợi hỏi ra mới biết người con gái ấy họ Trần, húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay thuộc làng Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), ông liền hỏi cưới làm vợ. Khi Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải qua nhiều gian lao nguy hiểm.
Năm Ất Tỵ (1425) Lê Thái Tổ thúc quân vây đánh thành Nghệ An, khi đến cửa Triều Khẩu, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông thì trời đang nắng bỗng nổi giông tố mịt mùng, lòng sông nổi ba đào, quân lính ngựa voi không tài nào qua sông được. Vương liền cho gọi người cao niên đến hỏi việc.
Người dân địa phương cho biết,ở khúc sông này có vị thủy thần là Phổ Hộ trấn giữ, cứ 3 năm một lần người dân lại bắt một phụ nữ làm lễ vật để cúng cầu. Nay muốn vượt qua sông an toàn tất phải thực hiện việc tế thần theo tập tục cũ.
Đêm ấy gần về sáng, nhà Vương nằm mộng thấy một vị thủy thần đến bên đầu giường bảo rằng: “Tướng quân cho ta một người thiếp, ta sẽ phù hộ cho tướng quân qua sông dẹp được giặc Ngô, dựng nên nghiệp đế”.
Tỉnh dậy, Vương gọi 3 người vợ đến kể lại giấc mộng. Trong khi 2 bà vợ đầu còn do dự, phân vân thì bà vợ thứ 3 Phạm Thị Ngọc Trần đã đứng ra tự nguyện xin được làm vật tế thần, giúp chồng. Lúc này, con trai của bà là hoàng tử Lê Nguyên Long mới lên 2.
Ngày 24 tháng 3, sau khi giao con cho người hầu chăm sóc, Bình Định Vương đã gạt lệ, lập đàn tế, đưa người vợ vị nghĩa vong thân xuống cho thần sông.
Sau khi bóng bà Phạm Thị Ngọc Trần khuất vào làn nước lạnh, kỳ lạ thay, trời đất đang mịt mù phong ba, mặt sông cuộn sóng bỗng lặng phắt, nghĩa quân cùng voi chiến nhanh chóng vượt sông thẳng tiến đến vây đánh hạ thành Nghệ An, rồi thừa thắng đem quân giải phóng một vùng đất đai rộng lớn từ Nghệ An đến Thuận Hóa, từ đây làm bàn đạp đưa quân ra Bắc đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi vào cuối năm 1427, lên ngôi vua Lê Thái Tổ, mở ra nền độc lập tự chủ dài lâu, thịnh trị cho quốc gia Đại Việt.
Lại nói về bà Phạm Thị Ngọc Trần. Sau khi Lê Lợi kéo quân qua cửa Triều Khẩu đã cắt cử người ở lại, chờ ngọc thể vương phi nổi lên, đưa về làm ma chay mai táng chu đáo.
“Dù đến mùa đông, nước sông Chu cạn nhưng ngôi mộ cũng không lộ ra mà vẫn ở dưới nước. Tuy nhiên có thể nhìn rõ một khối hợp chất bằng phẳng, rộng 2m và sài hơn 4m, sâu dưới mặt nước độ 1-2 gang tay. Nhiều thuyền bè mỗi khi đến đoạn sông này đều phải chạy chậm, rồi cầu cho sông nước bằng an”, ông Hùng cho biết.
“Vậy căn cứ vào yếu tố sử học nào để chứng minh rằng đây là ngôi mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần?” - tôi hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Hùng.
“Có chứ, để chứng minh đây là mộ của Hoàng Thái hậu, tôi đã cất công lục tìm, siêu tầm những tập tài liệu cổ, những ghi chép bằng chữ Hán, những tài liệu ở Viện Viễn Đông Bác Cổ rồi tổng hợp, chắt lọc và xâu chuỗi những chi tiết lịch sử. Từ đó đưa ra những cứ liệu hết sức thuyết phục để khẳng định, đây chính là ngôi mộ cổ của Hoàng thái hậu”, ông Hùng nói.
Rồi ông dẫn chứng: Vào năm Thuận Thiên, sau khi đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đã cho quân lính đưa quan tài bà từ Nghệ An về táng ở Thanh Hóa. Khi di quan đến xã Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên thì trời tối, không kịp qua sông nên phải nghỉ lại bên bờ sông.
Hôm sau chỗ để quan tài bà mối đùn thành mộ. Quan quân và người dân đều cho đây là ý của bà nên để táng tại đó và dựng điện Hiến Nhân để thờ phụng.
Đến đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 10 (1749), vào tháng 8, Thanh Hoá xảy ra một trận lụt lớn, nước sông dâng cao, xoáy lở phần mộ Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần ở Thịnh Mỹ xuống sông, quan tài nổi lên theo dòng nước trôi đến Vụng Hương thuộc làng Hưng Phấn xã Thọ Hải, quan tài xoay ba vòng rồi trôi về làng Thượng Vôi và định lại. Đây là những chi tiết có thật được ghi lại trong gia phả họ Nguyễn Mậu ở Thịnh Mỹ.
Vì trong trận lũ ấy, mộ Nguyễn Nhữ Lãm và phu nhân cũng bị nước lũ làm lở đất lộ phần quách. Triều đình sai Tả sử quan Nguyễn Khâm Thận về hoàn táng linh cữu Phạm Thái hậu tại làng Thượng Vôi và lập đền thờ gọi là Quốc Thái mẫu linh từ.
Đến năm Bảo Đại thứ 16 (1942), sông Chu đổi dòng, ngôi đền có nguy cơ bị lở xuống sông, nhân dân Thượng Vôi chuyển ngôi đền vào địa điểm ngày nay. Như vậy, trong vòng 325 năm (1425-1749), mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần đã 3 lần hoàn táng, trong đó có 266 năm mộ phần nằm lại với nhân dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa.
Về góc độ nghiên cứu sử ông Hùng cho rằng: Đây là ngôi mộ thật nhưng xét ở góc độ khoa học khảo cổ thì còn phải nghiên cứu nghiêm túc. Để xác tín những thông tin mà mình có được, ông đã nhờ người lặn xuống đáy sông Chu, đục lấy một mảnh của của ngôi mộ đem về phơi khô sau đó nghiền thành bột, đổ vào bát nước và thấy một lớp váng màu vàng nổi lên.
Ông Hùng phân tích, nếu là đá tự nhiên, thì không thể có váng như vậy. Mà đây có thể là một thứ hợp chất được cô lại từ đất sét, mật mía, vỏ sò (vật liệu phổ biến để làm quách của các triều đại thời phong kiến).
“Liệu khối hợp chất kỳ lạ ở dưới lòng sông Chu có phải là mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần hay không, có lẽ còn cần phải có sự vào cuộc nghiêm túc của các nhà khảo cổ, những người có chuyên môn về lĩnh vực này. Phải khai quật thì mới sáng tỏ câu chuyện này. Nếu chứng minh được, đây sẽ là một di tích rất có giá trị về mặt truyền thống và văn hóa”, ông Hùng trăn trở.
Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân bày tỏ: Đây có phải là mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần hay không thì cần phải được tổ chức khảo cổ, nghiên cứu nghiêm túc và quy mô mới có thể khẳng định được.
Tuy nhiên, đây là một phần hữu cơ, gắn liền với di tích đền thờ Quốc Thái mẫu linh từ được xây dựng tại làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa. Trong khi chờ đợi được giới khảo cổ quan tâm, giải mã những bí ẩn, tồn nghi. Trước mắt, huyện đã lập và triển khai dự án trùng tu và xây dựng đền thờ Hoàng Thái Hậu để phát huy những giá trị vốn có.
Theo Nguyễn Chung/Đại Đoàn Kết