Núi Đọ - nằm trên địa bàn 3 xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa), Thiệu Vân, Thiệu Khánh (Thành phố Thanh Hóa), được xếp vào một trong 10 cảnh đẹp nổi tiếng quanh dãy núi Bàn A, nhìn xa, ngọn núi trông giống hình con rùa, thế nên dân gian thường gọi là “Linh quy hí thủy”. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của ngọn núi ẩn chứa rất nhiều bí mật, trong đó phải kể đến “vết chân tiên”.
Kì bí “ vết chân tiên”
Chếch về hướng Tây của dãy núi, cũng là chân núi Đọ, có một tảng đá lớn, bên trên có dấu tích của “vết chân tiên”, trên bề mặt để lại dấu vết in hình bàn chân người, với những vết lõm hình 5 ngón chân rõ ràng. Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh “ vết chân tiên” này, về dấu chân của người khổng lồ từ xa xưa đến bạt núi, san đồi cho dân làng – xóm mọc lên mà dân gian hay gọi ông Vồm – người từng thi thố sức mạnh siêu phàm với ông Bưng như trong lời kể của nhiều bậc cao niên tại đây.
Chúng tôi về xóm 8, xã Thiệu Vân ( TP.TH), mục sở thị khu vườn bí ẩn có “vết chân tiên”, nay thuộc quyền sở hữu của gia đình anh Đỗ Văn Toản.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, anh Toản cho hay, từ nhỏ tôi thường được nghe các cụ trong làng kể lại rằng, không biết từ bao giờ, cũng không ai nhớ rõ, tại khu vực chân núi Đọ xuất hiện một tảng đá lớn, bên trên in hình một bàn chân to, với đủ 5 ngón, các cụ bảo rằng đó là “vết chân tiên” (hay có tên gọi bàn chân của người Giao Chỉ xưa).
|
Vết chân tiên in hình trên phiến đá. Ảnh: Lê Trung. |
Vết chân ấy từng là chủ đề được nhiều người bàn tán từ lâu, bởi không chỉ vì điều đặc biệt từ hình bàn chân in trên tảng đá. Nhiều người dân của cả 3 xã từng truyền miệng nhau rằng, nếu muốn sinh con trai, người vợ chỉ cần đưa bàn chân trái, ướm lên “ vết chân tiên” sẽ được như ý muốn.
Ông Hà Văn Tỵ, trưởng thôn 8, xã Thiệu Vân, tiếp lời: “Tảng đá đó linh lắm, đã có rất nhiều người đến thử và kết quả cũng thật bất ngờ, đây không phải là yếu tố mê tín dị đoan, nhưng qua nhiều người, hễ ướm bàn chân trái lên sẽ sinh được con trai”.
Không biết thực hư câu chuyện như thế nào, thế nhưng xung quanh “ vết chân tiên” luôn ẩn chứa những điều bí ẩn khó giải thích.
Những vết tích của một nền văn hóa đá cũ sơ kỳ
Núi Đọ, từ xưa đến nay luôn được mệnh danh với hình tượng “ Linh quy hí thủy”, qua nhiều lần khảo sát, thăm dò của giới khảo cổ - một di chỉ văn hóa của thời đại đá cũ sơ kỳ, một di tích của nền văn hóa tối cổ của loài người. Với sự quyết tâm của giới khảo cổ, dưới chân núi Đọ, phát hiện nhiều vết tích di chỉ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Phù Lãng, Chu Đậu… của thời các vua Hùng dựng nước, với rất nhiều trống đồng, thạp đồng, rìu tay bằng đá, kiếm, mác… tại khu vực núi Đọ, có một nơi người dân thường quen gọi “đồi Yên Ngựa”. Tương truyền xưa kia ở đó thường có ngọc phát sáng (Theo Địa chí huyện Thiệu Hóa).
Anh Toản - chủ khu vườn có tảng đá “vết chân tiên”, chia sẻ, từ khi phát hiện bàn chân kỳ lạ này, hàng ngày anh đón nhận rất nhiều khách đến thăm quan, phần lớn là giới khảo cổ, dân buôn đồ cổ.
|
Khu vườn nhà anh Đỗ Văn Toản, thôn 8, xã Thiệu Vân, TP.TH. Ảnh: Lê Trung. |
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, GS. Nguyễn Quốc Vượng cùng cộng sự đã ghé thăm khu vườn anh Toản để nghiên cứu, khảo sát, qua thăm dò, khai quật đoàn khảo cổ đã phát hiện rất nhiều vật dụng bằng rìu đá, bát, đĩa bằng sành, sứ…
“Năm tôi 36 tuổi, trong lúc đào móng làm nhà, bỗng phát hiện một cái am bằng gạch nung, lúc đó có một tốp chuyên đào đồ cổ đến xin đào, tình cờ tìm thấy một thanh kiếm, vỏ bằng gỗ, thân sắt, không có họa tiết vì thanh kiếm đã hoen gỉ. Ngoài ra còn có một số đồ bát, đĩa sành.” Anh Toản, cho hay.
Quanh khu vực vườn anh Toản, cạnh “vết chân tiên” người dân phát hiện một viên đá dựng, đào lên xuất hiện một số chum sành, mỗi chum đều được đậy nắp, nhưng không có gì. Còn tại phía Đông Nam của núi Đọ, người dân còn phát hiện khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán – Đường.
Người dân làng Đọ (xã Thiệu Khánh), thường truyền tai nhau về những câu chuyện cổ tích mang đậm nét huyền thoại liên quan đến núi Đọ, về vùng đất Cửu Chân xưa. Từ chuyện người khổng lồ đánh quỷ dữ, sự tích “vết chân tiên”…
Có thể nói, huyền tích núi Đọ với “vết chân tiên” từ lâu đã trở thành một giai thoại, những câu chuyện xoay quanh ngọn núi kỳ vĩ này thường được người dân truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù trong số những câu chuyện đó, “thực thực, hư hư”, nhưng có thể nói đây là một trong những di tích quan trọng, ý nghĩa trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân bản xứ. Đồng thời cũng là niềm tự hào của dân tộc, bởi nơi đây được xem là nơi cư trú của bầy người nguyên thủy, nơi sinh ra loài người.
Lê Trung