|
Nàng H’Đưyt ở buôn Jú (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai) bắt hụt chồng vì không có tài sản như thách cưới của nhà trai.
|
“Bắt” hụt chồng
H’Đưyt ở buôn Jú (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai) năm nay mới 19 tuổi, vẫn còn e ấp khi gặp những người lạ. Bố H’Đưyt mất sớm, một mình mẹ nuôi tám con khôn lớn. H’Đưyt là con thứ năm trong nhà. Gia đình nghèo khó nên cô vẫn cùng đám bạn đồng niên chăn bò giữa những quả đồi đầy nắng ở huyện. Ở cái tuổi phơi phới xuân thì, cô đã biết làm đẹp, biết chải tóc thơm, xoa phấn hồng lên má và biết tô thắm môi mỗi ngày lễ hội và khi đến những lễ cưới. Những ngày hội làng ấy, H’Đưyt càng lung linh trước điệu múa xoang giữa những tiếng cồng chiêng ngân vang khiến bao chàng trai mê mẩn…
Những đêm trăng đầu làng, nhiều lần gặp gỡ rồi uống rượu ghè, H’Đưyt ưng bụng Blang ở làng Ji Rông khi nào chẳng hay. Ban đầu Blang và H’Đưyt còn đi chung với đám bạn, sau tách ra hẹn hò nhau đầu suối.
Đêm dưới trăng, Blang nắm lấy tay H’Đưyt thề hẹn: “Anh ưng em quá. Em đến bắt anh đi”. H’Đưyt cúi mặt, cắn môi: “Thật không? Nhà em nghèo thì anh vẫn ưng chứ?”. Blang quả quyết: “Có trời có đất chứng giám. Anh sẽ thuyết phục cha mẹ cho em qua “bắt chồng”.
Gia cảnh nghèo, nhiều lần ngần ngừ rồi cuối cùng H’Đưyt cũng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con ưng cái bụng Blang rồi. Mẹ …, con “bắt chồng” nhé.” Nhìn vào mắt đứa con gái đang tuổi xuân thì mà thương con, mẹ H’Đưyt buồn lắm. “Ừ, để mẹ tính”…
Được mẹ “bắt chồng” cho, tôi mừng lắm nhưng gia đình nghèo không biết đến bao giờ mới trả hết bò cho gia đình chồng”.
Chị Ksor H’ Lan, con gái của bà Ksor H’Yrông
Một ngày tháng 3/2015, mẹ H’Đưyt trong trang phục truyền thống, mang theo ghè rượu và con gà cùng mấy người già đến nhà Blang hỏi chuyện xin cưới. Sau cuộc gặp người nhà Blang, người mẹ già nét mặt khắc khổ ấy nói với cô con gái của mình rằng: Mẹ của Blang đã “ra giá”: “Con H’Đưyt muốn “bắt” thằng Blang thì phải có lễ là hai con bò sống, hai con heo, quần áo truyền thống và 30 triệu đồng nạp cho nhà trai làm lễ”. Mới nghe thế, mẹ H’Đưyt và người nhà im lặng, sau vài câu chuyện rồi ai về nhà đó.
Đêm đó, người mẹ già ghé tai vào cô gái khóc nói: “Tao thương mày lắm. Muốn mày có chồng nhưng nhà người ta thách cưới cao quá. Tao nuôi mày và 7 chị em làm gì có tiền mà người ta đòi thách cưới cao vậy. Tục lệ là thế nhưng cũng phải thông cảm cho mình chứ. Có phải gia cảnh ai cũng như nhau đâu. Nhà nghèo thì phải thách cưới thấp hơn chứ!” người mẹ già ôm đứa con gái dụi đầu vào ngực, cả hai mẹ con cùng khóc…
“Bắt chồng” không thành, H’Đưyt trở về với công việc thường ngày. Cô dường như buồn hơn, khi ra khỏi nhà đội nón sụp xuống che nửa khuôn mặt. Buồn hơn là người mẹ già phải từng ngày trông thấy con gái mình héo úa. “Mình cũng mong một ngày nào đó con bé sẽ tìm được người nó ưng ý, gia đình họ thông cảm cho hoàn cảnh nghèo đừng thách cưới quá cao…”.
Cả đời trả không hết nợ!
|
Đến nay, người Jarai ở Krông Pa vẫn giữ phong tục “bắt chồng” truyền thống.
|
Cho đến nay, người Jarai ở huyện Krông Pa vẫn giữ phong tục “bắt chồng” truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, lễ vật thách cưới ngày càng tăng, tiền lo cho một đám cưới đôi khi ngốn cả gia tài bên vợ. Nhiều phụ nữ nghèo không có tiền “bắt chồng” đành chọn cách “bắt nợ”. Có khi trong một gia đình thì cả hai đến ba thế hệ đều chung một món nợ là “nợ cưới”, tạo nên nhiều câu chuyện buồn không hồi kết.
Bà Ksor H’Yrông, ở buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, năm nay đã hơn 65 mùa rẫy, nhưng vẫn còn đau đáu một nỗi lo, về món nợ “bắt chồng” chưa trả hết cho nhà chồng và buôn làng. Hơn 35 năm trước, khi ấy bà H’Yrông là một cô gái tuổi 30 - cái tuổi như bao người phụ nữ khác ở buôn làng đã có chồng và mấy đứa con. Nhưng H’Yrông là một cô gái mồ côi, gia cảnh nghèo khó nên ưng chàng trai nào cũng bị từ chối…
Thế rồi một ngày, một chàng trai làng cũng chịu “hỏi” người phụ nữ ấy làm vợ sau khi nói với gia đình. Nhưng đám cưới ở làng thì phải giết bò, giết heo khao làng theo đúng phong tục. Mình không biết lấy bò, váy áo thổ cẩm, tiền lễ... nên đành phải xin cưới… nợ”, bà H’Yrông nhớ lại. Và món nợ với gia đình nhà chồng ấy đeo đẳng đến nay vẫn chưa trả hết. “Tôi già rồi! Chân tay không nhanh nhẹn như trước, con mắt không sáng nữa, tôi lo lắm. Chẳng may tôi chết trước thì món nợ với nó (chồng) thì sẽ bỏ, còn nếu nó chết trước thì món nợ không biết sẽ ra sao?”.
Ở cái tuổi bên kia sườn núi nhưng vẫn không trả được món nợ cưới gia đình chồng và cho buôn làng, thì lấy tiền, bò đâu mà đi “bắt chồng” cho con gái? Cho nên hai đứa con gái của bà cũng phải cưới nợ. Đứa chị H’ Lan đã “bắt chồng” được 9 năm nhưng vẫn còn nợ 3 con bò và 2 bộ váy cho nhà chồng; Con H’ Bát thì còn nợ 2 con bò, 2 triệu đồng: “Được mẹ “bắt chồng” cho, tôi mừng lắm nhưng gia đình nghèo không biết đến bao giờ mới trả hết bò cho gia đình chồng”, chị Ksor H’ Lan, con gái của bà Ksor H’Yrông nói.
Năm 2008, Ksor H’Nghiêm (SN 1994, ở buôn Bhă, xã Ia Rmok) “bắt” Nay Tuyên người cùng làng về làm chồng. Lúc ấy, cả nhà Nay Tuyên đã thách cưới nhà gái với mức giá hơn 100 triệu đồng. Sống với nhau chưa được bao lâu thì Tuyên không còn ưng H’Nghiêm nữa. Vì trước đây nhà gái nộp tiền thách cưới cao nên muốn bỏ vợ phải trả gấp nhiều lần số tiền thách cưới. Để kiếm cớ, Tuyên thường hay uống rượu ngà ngà rồi sinh sự đánh đập vợ, tạo lý do để bắt H’Nghiêm “tự bỏ” (khi vợ bỏ sẽ không nộp phạt). Đến giữa năm 2012, Tuyên bỏ về nhà mẹ đẻ. Thế là nhà H’Nghiêm lại phải sang xin cưới lại với 2 con bò và 4 bộ váy truyền thống. Nhưng, đến cuối năm 2012, Tuyên bỏ H’Nghiêm đi ở với người con gái khác. Thế nên gia đình, dòng họ H’Nghiêm đòi lại đồ thách cưới và quy ra bằng những con bò ở dưới sàn nhà. Vụ việc giằng co mãi, đến ngày 7/10/2016, nhà H’Nghiêm đã đến kéo 12 con bò, cả lớn nhỏ dưới nhà Nay Tuyên. “Họ thách cưới nhà mình mà. Bò với tiền, áo quần truyền thống nộp rồi. Họ ăn rồi mà không có trách nhiệm nên gọi họ hàng sang nhà nó kéo bò về chớ”, H’Nghiêm nói.
Già làng Ơi Thúy (Buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) cho hay, theo tập quán người đồng bào Jarai lấy vợ lấy chồng thì phải có tục thách cưới. Việc thách cưới ấy ngoài để báo tin gia đình, họ hàng còn là cách để giúp cho gia đình nhỏ ấy được gắn kết. “Gia đình tương đối giàu có thì giết heo, giết bò khao làng; gia đình nào không có của thì xin nợ”.
“Tục “bắt chồng” của người dân tộc Jarai xưa kia vốn là việc trao đổi giữa tài sản với người đàn ông mặc dù họ vẫn có tình cảm yêu đương bình thường. Theo đó, nhà gái sẽ đem các tài sản như bò, heo đến nhà trai để “mua đứt” người đàn ông về làm việc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong tục có nhiều biến tướng, như việc thách cưới quá cao. Gia đình nhà nữ muốn “bắt chồng” phải tuân theo “lệ” là đem chú rể tương lai ra định giá. Chú rể càng giàu có, học thức cao, làm cán bộ, thày giáo hay thậm chí chàng trai càng nặng cân thì các đồ lễ thách cưới như: vòng đồng, bò, váy áo thổ cẩm, tiền mặt càng cao”.
Theo Tạ Vĩnh Yên / Báo Giao Thông