Xuất thân trong hoàng tộc Trần, sau trở thành Hoàng Hậu rồi Thái Hậu nhà Trần, Hiến Từ Thái Hậu nổi tiếng là người có nhân cách và phẩm giá cao đẹp, đạo đức sáng ngời, được sử sách không ngớt ngợi khen. Tuy nhiên, chỉ vì đặt niềm tin và tình thương sai địa chỉ, vị Thái Hậu này chẳng những chuốc lấy họa sát thân đau đớn mà còn khiến đất nước và vương triều một phen náo động…
Hiến Từ Thái Hậu (?-1369) tên là Huy Thánh, là con gái trưởng của Đại Vương Trần Quốc Chẩn, cháu nội của Hoàng Đế Trần Nhân Tông. Khi đến tuổi cập kê, Huy Thánh được Hoàng Đế Trần Minh Tông (1314 - 1329) đón vào cung và phong làm Lệ Thánh Hoàng Hậu. Xét về quan hệ thân tộc, Trần Minh Tông là con trai của Trần Anh Tông (1293 - 1314) mà Trần Anh Tông là anh ruột của Trần Quốc Chẩn nên giữa Trần Minh Tông với Huy Thánh có mối quan hệ anh em con chú con bác.
Lệ Thánh Hoàng Hậu là người hiền thục, có đạo đức nhưng muộn đường con cái. Ở ngôi Hoàng Hậu đã 5 năm mà bà chưa sinh nở gì. Theo điển lệ nhà Trần, chỉ con trai của Hoàng Hậu mới đủ tư cách kế thừa ngai vàng. Trong khi đó, các phi tần khác có người đã sinh được Hoàng Tử. Điều này khiến nội bộ các quan chia thành hai phe khác nhau. Một phe do cha ruột Lệ Thánh là Trần Quốc Chẩn đứng đầu, kiên trì ý kiến đợi Hoàng Hậu sinh Hoàng Tử mới lập Thái Tử. Phe còn lại do Văn Hiến Hầu cầm đầu có sự giúp đỡ của Anh Tư Nguyên Phi thì chủ trương lập Hoàng Tử Trần Vượng (con của Anh Tư).
Cuối cùng, bằng thủ đoạn vu cáo Trần Quốc Chẩn mưu phản, Văn Hiến Hầu và Anh Tư đã chiến thắng. Trần Quốc Chẩn bị bắt giam và bị bỏ đói đến chết. Trần Vượng được phong Hoàng Thái Tử và sau này là Hoàng Đế Trần Hiến Tông (1329-1341). Cũng vì việc này, Lệ Thánh mang trong mình một nỗi buồn u uất mãi không thôi.
|
Hiến Từ Thái Hậu nổi tiếng là người có nhân cách và phẩm giá cao đẹp,
đạo đức sáng ngời. Tranh minh họa. |
Năm 1329, khi Trần Minh Tông nhường ngôi cho Thái Tử Trần Vượng, Lệ Thánh được Tân Hoàng Đế tôn làm Hiến Từ Thái Thượng Thái Hậu. Vài năm sau, bà lần lượt sinh hạ một Công Chúa và hai Hoàng Tử. Đó là Công Chúa Thiên Ninh và Hoàng Tử Trần Nguyên Dục, Trần Hạo. Tuy đã sinh đích trưởng nhưng Hiến Từ Thái Hậu không muốn vì chuyện giành lại ngôi vị cho con mà gây ra một cuộc biến động nơi cung đình. Ngược lại, trong mọi mối quan hệ, bà đều biết cách cư xử thấu đạt. “Người bấy giờ khen Thái Hậu là trọn đạo làm mẹ, tuy là phận con đích, con thứ không giống nhau mà lòng nhân từ không đối với con nào khác con nào, để cho ân nghĩa của vua tôi, cha con, anh em không chút thiếu sót, từ đời cận cổ đến nay chưa có người nào được như thế”. (Đại Việt sử kí toàn thư). Và, nếu dưới thời nhà Tống bên Trung Quốc, Tống Anh Tông đã dùng 4 chữ “Nữ trung Nghiêu Thuấn” (Vua Nghiêu, vua Thuấn trong giới nữ) để khen Cao Hoàng Hậu là người nhân đức, thì Hiến Từ Thái Hậu nhà Trần cũng xứng đáng với lời ngợi khen đó.
Lại nói về hai con trai của Hiến Từ thì Nguyên Dục tuy là phận con trưởng nhưng tư chất tầm thường, ham chơi từ nhỏ đã thành tính. Còn Hoàng Tử Hạo là người thông minh ham học nên được Thượng Hoàng Minh Tông rất thương yêu. Nhưng Hiến Từ có phần thiên về Nguyên Dục hơn. Ở đây, ngoài tình thương còn có nỗi lo lắng và trách nhiệm của người mẹ đối với đứa con không có gì nổi bật của mình.
Năm 1341, Trần Hiến Tông băng hà khi chưa có con. Thượng Hoàng Minh Tông quyết định đưa một vị Hoàng Tử khác lên ngôi. Hoàng Hậu đã có con trai nên người kế vị chỉ có thể là Nguyên Dục hoặc Trần Hạo. Suy tính kĩ càng, Minh Tông đã chọn Trần Hạo, dù lúc ấy mới 5 tuổi, chứ không lập Nguyên Dục bởi Nguyên Dục “là người phóng đãng quá” (Đại Việt sử kí toàn thư). Bản thân Nguyên Dục cũng không đòi hỏi gì mà bằng lòng với tước phong Cung Túc Vương đến hết cuộc đời. Điều này càng khiến Thái Hậu Hiến Từ thương yêu Nguyên Dục hơn.
Năm 1364, Nguyên Dục mất khi mới ngoài 30 tuổi. Nguyên Dục chỉ có một đứa con là Nhật Lễ nên Hiến Từ đã chuyển hết tình thương yêu sang cho Nhật Lễ. Trong triều lúc ấy có những lời bàn tán không hay về Nhật Lễ, cho rằng Nhật Lễ không phải là con ruột của Cung Túc Vương Nguyên Dục. Hiến Từ không màng đến những tin đồn ấy, vẫn hết lòng săn sóc đứa cháu sớm mất cha.
Một tay đưa cháu lên ngôi
Ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), Trần Dụ Tông (tức là Trần Hạo) băng hà. Ông ở ngôi 28 năm (1341 - 1369) nhưng không có con nối dõi. Lúc sinh thời, ông đã nhận thấy tình cảm đặc biệt của Thái Hậu dành cho cha con Cung Túc Vương. Trong thâm tâm, ông cũng có phần ưu ái đứa cháu Nhật Lễ bởi ông không có con và dẫu sao, con của người anh cùng cha cùng mẹ cũng gần gũi hơn các huynh đệ cùng cha khác mẹ khác. Vì thế, trước lúc lâm chung, Dụ Tông đã xuống chiếu cho Nhật Lễ vào nối đại thống, tức kế thừa ngai vị Hoàng Đế. Hành động này của Trần Dụ Tông dẫu rất chủ quan nhưng cũng có phần hợp lí vì đã kịp chỉ định người thừa kế, giúp hoàng tộc Trần tránh khỏi một cuộc tương tàn tranh giành ngôi báu.
Di huấn của Hoàng Đế đương nhiên không ai dám cãi. Nhưng nó có được thực hiện hay không thì vị Hoàng Đế đã nhắm mắt xuôi tay không thể nào biết được. Các triều thần ít nhiều đều nghe lời đồn đại rằng Nhật Lễ không phải huyết thống họ Trần nhưng họ không có chứng cứ để xác nhận hay bác bỏ điều đó. Bởi vậy, họ rất băn khoăn, chưa biết phải xử trí thế nào. Trong số họ, lại có những người muốn tôn lập Cung Định Vương Trần Phủ (con thứ ba của Trần Minh Tông, anh trai Trần Dụ Tông) nhưng họ cũng băn khoăn vì làm thế là trái với di chiếu. Việc lên ngôi của Nhật Lễ do đó cũng bị dùng dằng, trì hoãn.
Lúc bấy giờ, người có tiếng nói cao nhất trong triều đình và hoàng tộc là Thái Hậu Hiến Từ. Theo điển lệ, tôn lập người kế vị là bổn phận của các đại thần, hậu cung không được can dự. Nhưng đã gần 20 ngày trôi qua kể từ khi Dụ Tông mất mà Hiến Từ chưa thấy cháu mình đăng cơ. Sai người thăm dò, bà mới hay sự khó xử của các quan. Không cần suy tính nhiều, vị Thái Hậu biết mình phải làm gì vào lúc này. Bất chấp điển lệ, ngày 15 tháng 6 năm ấy, bà sai người đón Nhật Lễ lên ngôi. Trước mặt bá quan, để xua tan nỗi nghi ngờ của họ, bà đã lớn tiếng khẳng định:
“Dục là con đích trưởng không được làm vua, vả lại mất sớm, nay Nhật Lễ không phải là con của Dục ư?”.
Trước sự quả quyết của Thái Hậu, các quan không dám có ý kiến gì thêm. Họ đành chấp nhận tôn phò Nhật Lễ. Nhật Lễ trở thành Hoàng Đế mới của nhà Trần với niên hiệu Đại Định. Về phần Hiến Từ, bà được Nhật Lễ tôn phong làm Hiến Từ Tuyên Thánh Thái Hoàng Thái Hậu, đương nhiên vẫn là chủ nhân tối cao của hậu cung.
Hối hận muộn màng, thân vong nước loạn
Đã ngồi yên trên chiếc ghế Hoàng Đế, Nhật Lễ không muốn phải nghe thêm các lời đồn về mình nữa. Nhật Lễ phải xác minh gốc gác của mình. Qua nhiều lần hỏi han thân mẫu, Nhật Lễ đã biết tất cả.
Hóa ra, Nhật Lễ đích thực không phải con cháu nhà Trần. Cha của Nhật Lễ tên là Dương Khương, vốn là một người phường chèo nổi tiếng trong kinh thành. Còn mẹ của Nhật Lễ cũng là một đào hát nức tiếng xinh đẹp hát hay. Trong một lần xem hát, Cung Túc Vương Nguyên Dục không cầm lòng nổi trước sắc đẹp của cô đào, đã bức ép cô phải làm vợ mình. Trần Nguyên Dục không biết rằng khi ấy, cô đào hát đang mang giọt máu của Dương Khương. Khi đứa trẻ sinh ra, Nguyên Dục nhận là của mình và đặt tên là Nhật Lễ.
Biết rõ thân thế của mình, Nhật Lễ không khỏi thất vọng. Từ đó trở đi, Nhật Lễ chỉ “rượu chè hoang dâm, hàng ngày chỉ vui chơi, thích chơi các trò, muốn đổi lại họ là Dương, người tôn thất và các quan đều ngã lòng” (Đại Việt sử kí toàn thư).
Chuyện đến tai Hiến Từ Thái Hậu. Cuối cùng bà đã biết được mọi sự thật. Đứa cháu Nhật Lễ bà hằng thương yêu rốt cuộc là người ngoại tộc. Bà càng không ngờ Nhật Lễ lại dám cả gan muốn bỏ họ Trần mà khôi phục họ Dương. Cơ nghiệp nhà Trần vì bà có nguy cơ sang tay người khác. Hiến Từ cảm thấy vô cùng hối hận vì đã trao niềm tin sai địa chỉ. Một tay bà đưa Nhật Lễ lên, nhưng để kéo Nhật Lễ xuống là điều rất khó. Bởi vậy, bà ngày đêm lo lắng không yên.
Hiến Từ không biết rằng, nhất cử nhất động của bà, Dương Nhật Lễ đều nắm rõ. Hắn đang toan tính thay triều đổi họ thì sự phản tỉnh của Hiến Từ càng khiến hắn xem bà là đối tượng cần phải loại trừ. Hắn phải ra tay trước Hiến Từ một bước nhằm loại bỏ rào cản nguy hiểm, tiến tới khống chế hoàn toàn triều đình nhà Trần.
Ngày 14 tháng 12 năm Kỉ Dậu (1369), tức 6 tháng sau ngày lên ngôi, Dương Nhật Lễ sai người ngầm hạ độc giết chết Hiến Từ, rồi phao lên rằng bà qua đời vì bạo bệnh. Bậc “nữ trung Nghiêu Thuấn” của triều Trần không thể ngờ cuộc đời mình lại kết thúc tức tưởi như vậy.
|
Tượng vũ nữ thời Trần (Khắc gỗ, chùa Thái Lạc – Hưng Yên, thế kỉ XIII-XIV). |
|
Nhạc công thời Trần (Khắc gỗ, chùa Thái Lạc – Hưng Yên, thế kỉ XIII-XIV). |
Sau khi ám hại Hiến Từ, Dương Nhật Lễ gấp rút triển khai việc thay đổi triều đại. Hoàng tộc họ Trần phản ứng vụng về bằng cách để cho 18 người lẻn vào cung tìm cách hạ thủ Dương Nhật Lễ. Chuyện không thành nhưng càng tạo thêm cớ cho Dương Nhật Lễ tiêu diệt họ Trần. Toàn bộ triều đình nhà Trần chìm trong bầu không khí tang thương. Những người còn lại trong tôn thất tìm cách chạy khỏi kinh thành, tập hợp lực lượng, chờ ngày báo thù. Đất nước khi ấy sắp sửa rơi vào cuộc chiến tương tàn giữa hai phe họ Trần và họ Dương.
Vài tháng sau khi Hiến Từ bị giết chết, phe họ Trần đã giành chiến thắng, lật đổ Dương Nhật Lễ và khôi phục lại cơ nghiệp nhà Trần. Hiến Từ ở nơi chín suối, nếu có linh thiêng, chắc hẳn cũng sẽ thấy thanh thản phần nào.