Từ thầy ký trở thành ông Hội đồng
Trong căn nhà số 15, Điện Biên Phủ, Thành Phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Thế hệ thứ 3 của Công tử Bạc Liêu là ông Trần Trinh Đức đang ngồi trả lời từng du khách những thắc mắc của họ về giai thoại Công tử Bạc Liêu một thời.
Phải đợi lúc lâu, ông Đức mới có thời gian rảnh rỗi một chút. Ông kể cho chúng tôi nghe về lịch sử cũng như danh gia vọng tộc của dòng họ Trần Trinh nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh ngày đó. Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Đức còn minh mẫn. Với vẻ ngoài đậm chất quý phái kim phấn một thời. Ông Đức kể về gia tộc mình như một ánh hào quang mà ông vẫn tự hào. Với người con trai của Hắc công tử, những gì đi qua dù người đời có nói thế nào với ông gia tộc mình vẫn ứng với câu thành ngữ “hùm chết để da - người ta chết để tiếng”.
Lần dở từng trang ký ức về lịch sử gia tộc Trần Trinh, ông Đức giọng trầm trầm kể ông ngoại của Công tử Bạc Liêu Trần Trịnh Huy là Phan Văn Bì người có nhiều ruộng đất nhất tỉnh Bạc Liêu. Những năm cuối thế kỷ 19 người ta gọi ông là ông vua lúa gạo Nam kỳ. Hàng năm, ông Bá Hộ thường tới Tòa hành chính tỉnh để đóng thuế điền đại. Trong nhiều năm liền, ông chấm anh thư ký điện địa Trần Trinh Trạch là người đứng đắn, đàng hoàng.
Vì đã chấm thầy kỳ Trạch nên ông Bá Hộ thường hỏi thăm về gia thế của thầy ký, Khi biết thầy ký chưa có vợ, ông mời thầy về nhà thăm nhà cũng là tạo cơ hội để cho cô con gái thứ 4 của mình và thầy ký Trạch có cơ hội gặp nhau. Sau nhiều lần gặp gỡ, thầy ký và tiểu thư thứ 4 nhà ông Bá hộ đã “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Ông Bá hộ quyết định làm lễ cưới cho thầy ký.
Từ khi làm rể ông Vua lúa gạo, thầy ký nghỉ chân thư ký ở tòa hành chính. Được cha vợ cho một phần đất, ông ra quản lý điện đại. Vì là người thông minh, có học, lại được động lực từ cha vợ nên ông Trần Trinh Trạch phất lên nhanh chóng. Ông sắm thêm ruộng đất. Nhờ huê lợi, diện tích ngày càng mở mang. Cả phần đất của các con ông Bá hộ đã chia cho từ trước cứ lần lượt được ông Trạch mua lại vì những người con kia ham mê cờ bạc. Lúc đầu, ông Bá hộ không vui vì con rể đã nắm hết ruộng đất. Nhưng sau này ông đành nghĩ lọt sàng xuống nia nên thôi. Gia tộc Trần Trinh bắt đầu gây dựng tiếng tăm từ đó.
|
Ông Trần Trinh Đức con thứ 4 của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
|
Mua siêu xe đón Cậu Ba từ Pháp về
Ông Hội đồng Trần Trinh Trạch có ba người con trai, trong đó cậu ba Trần Trinh Huy được ông Hội đồng cưng nhất. Để tiến kịp thời thượng, cậu Ba xin cha cho đi học ở nước ngoài thay vì lên Sài Gòn học trường Tây. Với tâm lý “cha mẹ để cho con bụng chữ còn tốt hơn mấy trăm mẫu đất. Cậu Ba Trần Trinh Huy đã được sang Pháp du học.
|
Xe của Công tử Bạc Liêu trở thành kỷ vật trưng bày tại Biệt thự.
|
Thời gian sống ở Pháp 3 năm, cậu Ba đã “thành tài” trở về với các "level" ăn chơi lên hàng. Ngày nhận được điện của cậu con cưng, ông Hội đồng Trạch đã tính chuyện mua xe mới. Dù chiếc xe Ford còn mới nhưng để thiên hạ phải trầm trồ khen ngợi dòng họ Trần Trinh là danh gia vọng tộc. Ông Hội đồng lên hãng xe ở đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi ở Sài Gòn sắm xe mới.
Khi vào hãng xe, người Tây thấy một ông già nhà quê mặc áo bà ba lục soàn trắng ngả màu ố vàng, tay cầm quạt mo, đi giày hàm ếch họ tỏ vẻ khinh khỉnh. Ông Hội đồng Trạch bất chấp vẻ coi thường của người bán xe. Ông ra lệnh cho người đi cùng mình chọn chiếc xe tốt nhất, đắt nhất và cho ông ngồi thử vào để xem có êm không, chạy thích không. Khi hài lòng, ông mở mo cau ra đếm cả buộc tiền khiến những người bán xe mắt tròn, mắt dẹt. Mua xe xong, ông ra Bến nhà Rồng đón cậu con trai đi Tây trở về.
Ngày về nước, Cậu Ba Huy đã trực tiếp lái chiếc xe chở ba về Bạc Liêu. Chiếc xe đi với vận tốc 100km trên giờ khiến người ngồi trên xe ai cũng run. Ông bà hội đồng gặng hỏi con về những bằng đại học cậu đã đạt được là bằng kỹ sư hay bằng luật sư. Cậu Ba cười khoái chí khoe ra các giấy tờ học lái máy bay, học lái xe, nhảy đầm, tango. Lúc ấy, ông Hội đồng hi vọng rằng con trai mình sẽ là một thiên tài mà không biết rằng khi ở Paris cậu Huy đã là tay chơi có hạng, có vợ tây và một đứa con lai. Khác hoàn toàn với cha mình chỉ có người vợ duy nhất, sau này cậu Ba ngoài chính hậu có rất nhiều thê thiếp.
Giai thoại về những tháng ngày du học của ba mình, ông Đức kể “ba tôi ham làm nông nên khi sang Pháp ba tôi không đi học ngành chính mà lúc ấy ông chỉ thích đi học lái máy bay, đi học nhảy, học lái xe cũng như đi du lịch thăm thú cách làm nông của người Pháp”. Với ông Đức hình ảnh cha và ông nội Trần Trinh Trạch vẫn là mẫu người lý tưởng, ông tôn kính.
Theo Ph. Thúy/Infonet