Khai quốc Hoàng đế Tống triều là Triệu Khuông Dẫn từng giữ chức “Điện tiền đô điểm kiểm” (tướng lĩnh cấm vệ quân thời Hậu Chu). Sau khi phát động chính biến để đoạt ngôi Hoàng đế, Tống Thái Tổ càng hiểu rõ vai trò trọng yếu của đội cảnh vệ hoàng cung.
Nhà Tống và đội cấm vệ quân đồ sộ nhất trong lịch sử Trung Hoa
Vì vậy, vị vua này đã “phá lệ” coi trọng đội cấm vệ quân. Ông cho xây dựng một đội cấm vệ tinh nhuệ, sau đó hợp nhất quân địa phương, mở rộng đội cấm quân tại trung ương, xây dựng một đội cảnh vệ có quy mô khổng lồ trong lịch sử Trung Quốc.
Năm Khai Bảo dưới thời Triệu Khuông Dẫn, toàn quốc có 37,8 vạn quân nhân, trong đó có 19,4 vạn người thuộc đội cấm vệ.
Các vị Hoàng đế Tống triều sau đó đều rất coi trọng việc kiến thiết đội quân bảo vệ này. Dưới thời Tống Thái Tông, quân đội trong toàn quốc lên tới 66,6 vạn người, trong đó có 35,8 vạn quân cấm vệ.
Đến năm Khánh Lịch dưới thời Tống Nhân Tông, số quân cấm vệ đã lên tới 82,6 vạn người.
|
Cấm vệ quân dưới thời Tống là đội quân bảo vệ Hoàng đế hùng hậu và quy mô nhất trong lịch sử Trung Hoa (tranh minh họa). |
Điều đáng lưu ý là cấm vệ quân Tống triều không chỉ tập trung bảo vệ Hoàng đế, mà còn chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, có thể vì nước xuất chinh bất kỳ lúc nào.
Vì vậy, ngoài đại bộ phận ở lại bảo vệ kinh thành, một số lượng cấm vệ quân khác còn được điều động tới các địa phương.
Công tác huấn luyện luôn được coi trọng hàng đầu đối với các thành viên trong đội cấm vệ. “Thủy Hử truyện” từng miêu tả đội quân này: “Thường luyện tập trong khu rừng thuộc thành Biện Kinh, công phu võ nghệ đều vô cùng xuất sắc.”
Trong số đó, “kinh quân” là những người đặc biệt tinh nhuệ, chịu trách nhiệm bảo vệ sự an nguy của Hoàng đế. Những người trong đội “tinh binh” này hằng ngày đều phải luyện tập với cường độ cao: kỵ binh mỗi ngày luyện tập 5 lần, bộ binh mỗi ngày 4 lần.
Lãnh đạo của cấm vệ quân Tống triều là “Tam nha cấm quân”, gồm có: Điện tiền ti, Thị vệ ti, Ngự tiền trung tá quân đầu ti, Hoàng thành ti, Kỳ ký viện. Các ti, viện này bên trong lại được phân chia thành các đơn vị nhỏ hơn, đảm nhiệm các nhiệm vụ cảnh vệ khác nhau.
Tuy nhiên, cấm vệ quân thời nhà Tống nhiều khi lại bị nghi thức hóa hoặc dùng để phô trương. Trên thực tế, lực lượng này càng đông đảo, sức mạnh quốc gia lại càng đi xuống, thậm chí đến cả quân lương cũng không đủ.
Tống Thần Tông Triệu Húc từng vì điều này mà sầu não: “Chúng ta nước nghèo, người nghèo, cũng vì thừa binh.” Từ sau đó, triều đình mỗi năm sẽ tiến hành chỉnh đốn lại đội cấm vệ quân. Đến triều Nam Tống, số lượng của đội quân này đã giảm đi đáng để.
Mặc dù sở hữu một đội quân cảnh vệ hùng hậu bậc nhất như vậy, nhưng Tống triều lại không chống đỡ được những cuộc xâm lược của ngoại tộc.
Triều đại này đã từng chứng kiến ba vị Hoàng đế từng bị bắt là Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông và Tống Cung Đế. Hai vị vua Huy – Khâm bị bắt trong sự kiện Tĩnh Khang, còn Tống Cung Đế bị bắt khi còn là một đứa trẻ do Nam Tống đầu hàng Nguyên triều.
Đội quân bí mật chỉ nghe lệnh Hoàng đế Minh triều
Sau khi lên ngôi (1368), nỗi lo canh cánh trong lòng khiến Chu Nguyên Chương ăn không ngon ngủ không yên chính lại là bọn khai quốc công thần. Chương thất học, bản tính đa nghi đố kỵ, lại tự ti về xuất thân hèn kém của mình, nên bị ám ảnh bởi mối lo rằng con cháu dòng dõi mình rồi đây sẽ bị tuyệt diệt bởi chính những đại thần thân cận. Chương bèn cho lập “Củng vệ ty”, đây là vệ đội ngự lâm quân chuyên bảo vệ hoàng đế.
|
Đội Cẩm y vệ dưới thời nhà Minh (tranh minh họa). |
Năm sau, 1369, Chương sáp nhập ty này với “Nghi loan ty” (chuyên lo về nghi vệ) thành “Thân quân Đô úy phủ”, cơ quan này chưởng quản nghi trượng kiêm thị vệ cho hoàng đế. Đến 1382, Thân quân Đô úy phủ chính thức đổi tên thành Cẩm Y vệ. Chương thực hiện cuộc cải cách qui chế Cấm vệ quân, thành lập 12 vệ Thân quân, và Cẩm Y vệ là lực lượng quan trọng nhất trong 12 vệ thân binh ấy, do Chương trực tiếp quản lý.
Cẩm y vệ là cơ cấu quân sự nằm ngoài lục bộ, trực thuộc hoàng đế. Cơ quan này cai quản mọi việc hình ngục, toàn quyền trinh thám, dò xét, thẩm vấn, và định tội bất kỳ ai, kể cả hoàng thân quốc thích, văn võ trọng thần, cho chí bá tánh mà không cần phải thông qua Hình bộ. “Cẩm y vệ Chỉ huy sứ” có cấp Đô đốc trở lên, là nhân vật thân tín và chỉ có bổn phận phải giải trình với riêng hoàng đế.
Tam xưởng
Đông Xưởng
Sau khi tái lập Cẩm Y vệ, Chu Đệ vẫn cho là chưa đủ để củng cố quyền lực, vì phạm vi của Cẩm Y bị hạn chế, không thể hoạt động trong nội cung, nên năm 1420 lại đặc cách thành lập Đông xưởng để giám sát trong cấm cung, chuyên trấn áp những lực lượng phản đối.
Đông tập sự xưởng”, gọi tắt Đông xưởng, được lập nha môn ở bên cạnh Đông Hoa môn của Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay). Vì cửa nha môn này gồm 6 cánh ghép lại nên người ta còn dùng uyển danh Lục phiến môn để gọi Đông xưởng.
|
Biểu tượng của Đông Xưởng. |
Đây là cơ quan đặc vụ bí mật, do nội thị đảm nhiệm, có trọng trách giám thị toàn bộ từ nội các đến trong quân đội, quan viên, nhân sĩ trí thức, học giả danh gia, mọi cơ quan quyền lực của triều đình. Kết quả giám thị này nếu điều tra ra tội nhẹ thì Đông xưởng toàn quyền liệu lý, không cần phải trình qua cơ quan tư pháp; tội trọng thì trực tiếp báo cáo với hoàng đế để ngài định đoạt. Được giao quyền lực nghiêng trời, Đông xưởng có thể khảo tra bất kỳ hoàng thân quý tộc nào.
Tây Xưởng
Tây xưởng chẳng những kiêm nhiệm những chức năng của Cẩm Y vệ và Đông xưởng, lại có thêm quyền lực vượt bậc, là có pháp đình và lao ngục riêng. Tây xưởng lại được đặc cách không cần phải thông qua hoàng đế, toàn quyền quyết định thẩm án và đề ra hình phạt cho bất kỳ nghi can nào, dù là văn võ đại thần, quan chức địa phương hay thường dân bá tánh. Đã vậy, chức năng chính của Tây xưởng lại là giám sát hoạt động của Đông xưởng, nên thế lực càng ghê gớm phi thường. May là Tây xưởng tồn tại không lâu, chỉ hơn 5 tháng sau, dưới áp lực đàn hặc của bá quan cũng như dị nghị của dân chúng Chu Kiến Thâm đã phải đóng cửa Tây xưởng, nhưng tai tiếng hôn quân của Thâm đã kịp lưu vào sử sách.
|
Biểu tượng của Tây Xưởng. |
Sang đời Minh Vũ tông Chu Hậu Chiếu, năm 1506 lại tái lập Tây xưởng. Chiếu là kẻ chơi bời chỉ ham trác táng, chán sợ khi phải nghe lời gián nghị nên được mệnh danh là “Ngọa hoàng đế” (vua nằm); Đại thái giám Lưu Cẩn chuyên quyền là “Lập hoàng đế” (vua đứng). Lúc bấy giờ, Đông xưởng do Mã Vĩnh Thành chưởng quản, Tây xưởng do Cốc Đại Dụng nắm quyền, hai tên này đấu đá nhau quyết liệt để tranh giành quyền lợi. Cáo già Lưu Cẩn nhân cơ hội ngao cò tương tranh đó đã bỏ nhỏ vào tai thánh thượng.
Năm 1508 được vua hạ chiếu lập ra Nội Hành xưởng để thống lãnh cả Đông Tây nhị xưởng.
|
Ảnh minh họa |
Là cơ quan do Lập hoàng đế đích thân quản lý, nên tuy xuất hiện trễ nhất nhưng Nội Hành xưởng lại có quyền thế lớn nhất, tha hồ hoành hành bá đạo. Từ thiên tử trở xuống, trong triều ngoài nội đều bị Cẩn khuynh đảo, tất cả những ai phản đối y đều bị tiêu diệt tận gốc: tội nhẹ thì cả nhà bị đày ra miền biên viễn, chung thân không được đặt chân trở lại Trung nguyên, nặng thì phải bị gông sắt 150 cân đè cho chết thảm, đại nghịch nữa thì bị trượng đả liên hồi thịt nát xương tan hồn du địa phủ, hoặc chém đầu xẻo thịt thị chúng.
Chỉ trong hai năm, tội ác do Nội Hành xưởng gây ra đã thảm tuyệt nhân hoàn, người người rởn óc; sa vào tay Nội Hành xưởng, thường người ta đều chọn con đường tự sát để trốn thoát hình phạt ghê rợn do bọn biến thái này bày ra. Năm 1510, Lưu Cẩn bị giết vì tội mưu phản, Nội Hành xưởng mới được phế bỏ. Trong hai năm, Nội Hành xưởng đã giết hại vài ngàn mạng, lưu đày ngót vạn người, chưa kể số tự vẫn không thể thống kê.
Theo Khỏe & Đẹp