"Cái hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là biến người nghe thuyết giảng thành Bồ Tát"

Google News

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Cái hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là biến người nghe thuyết giảng thành Bồ Tát".

"Cái hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là biến người nghe giảng pháp thành Bồ Tát"

Người viết tình cờ gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa trong triển lãm "Hương thơm quê mẹ" diễn ra tại Đại học Mỹ thuật (Hà Nội) vào hồi tháng 3/2021. Đây là triển lãm giới thiệu 80 bức thư pháp và hơn 145 đầu sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hôm đó, trong số rất đông người đến thưởng lãm, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người ở lại gần như lâu nhất.

Ông thong dong bước tới từng khu vực triển lãm, ngắm cận cảnh từng bức thư pháp và đưa điện thoại ra chụp lại bằng vẻ mặt đầy hoan hỷ. Thấy vậy, tôi đến gần ông trò chuyện và trao đổi rất nhiều về sư ông Làng Mai.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng đông đảo người dân đến thưởng lãm triển lãm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Hà Nội. Ảnh: HTL.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bộc bạch với phóng viên Dân Việt rằng, ông biết đến các bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh rất tình cờ. Đó là một lần ông cùng vợ con đi lễ Phật ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) thì nhìn thấy ở tủ kính của người bán đồ lễ trong khuôn viên chùa có bán CD các bài thuyết giảng của Thiền sư với giá rất rẻ. Lúc đầu, ông mua một số đĩa về nghe thử vì tò mò nhưng càng nghe ông càng thấy thích thú.

"Tôi rất kinh ngạc khi trong các bài pháp thoại của vị Thiền sư nổi tiếng thế giới mà lại không thấy chùa, không thấy kinh, không thấy cả Phật nữa, chỉ toàn những chuyện đời thường của mình, của gia đình mình, của những người thân. Những bài giảng vô cùng giản dị, như muôn mặt của đời sống.

Thiền sư hướng dẫn giúp ta làm sao có được sự an lạc, thảnh thơi giữa đời sống bộn bề những lo toan, hờn trách. Làm thế nào để có thể đứng vững trước bao nhiêu bão táp, mưa giông, bon chen, đố kỵ. Rồi cách ứng xử với bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, để có tình yêu thương đích thực, để được hiểu và được thương. Đặc biệt, ta cần phải làm gì khi người thân mất?", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Sau đó, ông chuyển các bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành Mp3, Mp4 rồi tặng cho những người bạn thân của mình. Người đầu tiên ông tặng là nhà báo Hoàng Anh Sướng và chính những bài giảng này cùng việc tham gia khóa tu 3 tháng ở Mỹ đã giúp nhà báo Hoàng Anh Sướng thay đổi rất nhiều.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa đạo Phật thấm nhuần vào đời sống bằng những triết lý rất nhẹ nhàng. Ảnh: TL.

"Có thể nói, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trường hợp rất đặc biệt. Cái tài của Thiền sư là đưa đạo Phật vào đời sống để những triết lý thấm nhuần trong cuộc sống hàng ngày của mọi người và biến tất cả những người chiêm ngưỡng thư pháp hoặc nghe thuyết giảng thành những vị Bồ Tát để tự giải thoát cho mình. Đôi khi chúng ta chỉ cần thay đổi một quan niệm là chúng ta đã thoát ra khỏi một "nhà tù" mà chính chúng ta đã nhốt mình trong đó.

Nhờ có ông mà đạo Phật ở phương Tây phát triển rất nhanh, mạnh… đặc biệt được giới trẻ và trí thức hâm mộ. Ông mở nhiều khóa tu tập riêng cho giới doanh nhân, giáo chức, cựu chiến binh, văn nghệ sĩ, nghị sĩ, cảnh sát, an ninh và người coi tù. Người dự khóa tu không cần phải quy y nhưng có thể thừa hưởng kho tàng tuệ giác của đạo Phật để tháo gỡ khó khăn trong đời sống nội tâm, tái lập lại truyền thông với những người khác, trong đó có gia đình, đồng nghiệp, đem lại hạnh phúc trong đời sống hàng ngày", nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ thêm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp như đang thiền

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, bên cạnh các bài giảng thì ông còn rất thích những bức thư pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết. Ông nhìn thấy ở bức thư pháp này rất nhiều tinh thần của đạo Phật, đặc biệt là sự tỉnh thức. Mặc dù, đôi khi một bức thư pháp chỉ là một câu kinh, câu kệ, câu nói… nhưng lại giúp người xem thấy được chính mình. Bởi lẽ đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa rất thích thưởng lãm thư pháp của sư ông Làng Mai.

Những bức thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chứa đựng nhiều lớp nghĩa. Ảnh: HTL.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thích rất nhiều câu trong gia tài thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như: No mud, no lotus (Không bùn thì không sen) nghĩa là không khổ đau thì không hạnh phúc; Breathe, you are alive (Thở, bạn đang còn sống), The tears I shed yesterday have become rain (Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa), Be beautiful, be yourself (Ta có là ta thì ta mới đẹp), I have arrived, I am home (Con đã về, con đã tới)… Đây đồng thời là những bức thư pháp mà rất nhiều người tâm đắc, thỉnh đặt trang trọng trong gia đình hoặc nơi làm việc.

Sư Pháp Nguyện – người có 6 năm cận kề Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong vai trò thị giả chia sẻ với Dân Việt rằng, trong 6 năm đi theo Thiền sư, ông có rất nhiều cơ hội giúp Ngài viết thư pháp. Mỗi lần thấy Ngài viết thư pháp là ông cảm nhận đó như một cuộc nhắc nhở, làm cho tâm mình cảm thấy rất nhẹ nhàng, bình an.

"Đối với người khác, viết chữ hay viết thư pháp là có sự cố gắng trong đó, làm sao cho nét chữ của mình đẹp, hoàn hảo nhất có thể… Nhưng đối với sư ông thì viết thư pháp cũng là một phương pháp thực tập chánh niệm, trị liệu. Ngài viết thư pháp như đang ngồi chơi vậy, vẽ những nét chữ rất thong dong.

"Không bùn thì không sen" - một bức thư pháp nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Nếu nhìn kỹ thì mọi người sẽ thấy những tấm thư pháp của Ngài không có gì đặc biệt so người viết thư pháp chuyên nghiệp nhưng trong nét chữ của sư ông có được sự thong dong, tự tại, nhẹ nhàng, thảnh thơi…. Có được sự thảnh thơi, nhẹ nhàng vì trong đó có chất liệu "Định" và "Tuệ". Lúc Ngài viết thư pháp, Ngài hoàn toàn có mặt lúc viết thư pháp, hoàn toàn có mặt trong từng nét chữ của mình.

Khi một câu, một nét chữ nào Ngài viết thì bắt đầu bằng tình thương của mình. Chẳng hạn, bữa nay tiếp xúc với một điều gì đó rất dễ thương, Ngài sẽ viết về đối tượng đó. Tiếp xúc với một thiền sinh nào đó có câu chuyện khổ đau thì Ngài sẽ viết một bức thư pháp về câu chuyện đó", sư Pháp Nguyện chia sẻ thêm.

Sư cô Chân Không cũng bộc bạch với Dân Việt: "Thông qua các bức thư pháp, sư ông Thích Nhất Hạnh muốn dạy người xem những chuyện rất bình thường. Nhưng cái bình thường đó nếu nhìn sâu hơn sẽ gặp được những điều rất thâm sâu của tổ tiên, ông bà.

Người ta thường nói, thư pháp là phải có những nét chấm phá bay bướm nhưng ở thư pháp của sư ông không có sự bay bướm đó mà có sự đơn giản của cuộc sống bình thường. Nhưng nếu nhìn sâu thêm sẽ thấy những điều rất thâm sâu của đời sống hiện tại. Tựa như câu thơ trong "Truyện Kiều", nếu mình đọc rồi ngẫm sẽ thấy có nhiều lớp nghĩa phía sau đó.

"Thả bò đi" – thư pháp mà có câu "Thả bỏ đi". Nhiều người mới đọc câu này không hiểu gì. Sư ông mới kể rằng, một bữa nọ Phật Thích Ca ngồi ở giữa rừng với một số đệ tử thì có một ông chăn bò hớt hơ hớt hải chạy tới kêu: "Trời ơi, 7 con bò của tôi lạc đâu mất rồi… Chắc tôi chết quá, chắc tôi chết quá". Bụt thấy thế mới bảo ông ấy đi lối này đi tìm.

Ông chăn bò đi qua rồi, Bụt mới nói với các đệ tử: "Các thầy có biết là các thầy may mắn lắm không? Vì các thầy không có con bò nào đi lạc để phải hốt hoảng đi tìm tới mức đòi chết". Thưa quý vị, người nào cũng có một con bò trong mình. Có người muốn thành nhân vật nổi tiếng khắp thế giới, có người lại muốn mình thành một họa sĩ toàn danh…

Cái gì chúng ta cũng muốn và dành cả đời đi tìm danh lợi. Vậy thì thả bò đi… thả đi thì thấy hạnh phúc, bình an. Người nào trong lòng có cái gì sống chết với cái đó thì thả bò đi… Nói như thế không có nghĩa mình sống an phận, phó mặc mọi thứ cho số mệnh mà mình vẫn có kế hoạch nhưng làm việc đó một cách thảnh thơi, bình an.

Theo Hà Tùng Long/Dân Việt