Chân dung Mike Pompeo - “trùm CIA” dưới thời Tổng thống Donal Trump

Google News

(Kiến Thức) - Với những gì đã thể hiện, giới quan sát nhận định ông Mike Pompeo sẽ là một giám đốc CIA mang quan điểm cứng rắn dưới thời kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Ngày 23/1 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn hạ nghị sĩ Mike Pompeo vào vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Đây là một trong ba ngoại lệ trong nội các của Tổng thống Donald Trump so với nội các của những người tiền nhiệm như các tổng thống Obama, Bush. Một trong 2 ngoại lệ còn lại là nguyên thượng nghị sĩ Daniel Coats cho chức vụ giám đốc tình báo quốc gia (DNI) lãnh đạo toàn bộ 16 cơ quan tình báo Mỹ, bao gồm cả CIA và cơ quan an ninh quốc gia (NSA). Hiện vẫn chưa có lịch điều trần và phê chuẩn giám đốc DNI từ Thượng viện vì tính chất quan trọng của công việc cấp cao này.
Theo quy định của Mỹ, nếu một đề cử nội các bị Thượng viện phủ quyết thì tổng thống phải đưa ra đề cử mới và các bên lại bắt đầu một quy trình công nhận mới. Tuy nhiên trong các nhiệm kỳ gần đây, có rất ít đề cử bị từ chối hoặc đã được tổng thống rút lại trước khi đệ trình. Trường hợp bị phủ quyết gần nhất là John G. Tower cho vị trí Bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Bush cha năm 1989.
Sau đây là một số nét chính về sự nghiệp của "trùm CIA" trong nội các của ông Trump.
Chan dung Mike Pompeo - “trum CIA” duoi thoi Tong thong Donal Trump
Tân giám đốc CIA Mike Pompeo tuyên thệ nhậm chức trước Phó tổng thống Mike Pence ngay sau khi được Thượng viện công nhận ngày 23/1 vừa qua. Ảnh: Heavy.com 

Làm quân nhân và doanh nhân trước khi thành chính khách

Ông Mike Pompeo sinh ngày 30/12/1963 tại quận Cam, bang California. Thời trẻ, ông học Trung học Los Amigos và tốt nghiệp trường này năm 1982. Sau đó, ông theo học chuyên ngành cơ khí tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point.

Sau khi tốt nghiệp loại ưu vào năm 1986, ông Pompeo phục vụ quân đội trong 5 năm. Ông từng là Trung đội trưởng trong một đơn vị xe tăng với cấp hàm Đại úy. Cuối thập niên 1980, ông đã chứng kiến những năm cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước khi bức tường Berlin sụp đổ khi được phái tới khu vực biên giới Đông Đức làm nhiệm vụ.

Chan dung Mike Pompeo - “trum CIA” duoi thoi Tong thong Donal Trump-Hinh-2
Ông Mike Pompeo một lần lên TV khi còn trong quân ngũ. Ảnh: Cosmopolitan.

Sau khi giải ngũ, ông Pompeo học thêm trường luật Harvard và chuyển tới Kansas để làm luật sư ở thủ đô Washington DC vào năm 1996. Hai năm sau, ông bắt đầu kinh doanh và làm CEO của Công ty Thayer Aerospace. Ông bán công ty này năm 2006 rồi trở thành chủ tịch công ty thiết bị mỏ dầu Sentry International.

Là một người theo trào lưu Đảng trà của đảng Cộng hòa, Mike Pompeo đã dấn thân vào sự nghiệp chính trị khi được bầu vào Quốc hội Mỹ từ năm 2010 và trở thành đại diện quận thứ tư của bang Kansas từ 2011-2016 tại Hạ viện.
Quan điểm chính trị cứng rắn
Trong sự nghiệp chính trị của mình, nghị sĩ Mike Pompeo là một thành viên nổi bật trong Quốc hội Mỹ vì những quan điểm mạnh mẽ, đặc biệt là sự ủng hộ những biện pháp gây tranh cãi của tình báo Mỹ.
Với vai trò ủy viên Ủy ban tình báo Hạ viện chịu trách nhiệm giám sát cộng đồng tình báo Mỹ, ông Pompeo từng thẳng thắn phê bình Ngoại trưởng Hillary Clinton về vụ tấn công chết chóc nhằm vào các quan chức ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya.
Sau khi ủy ban này kết luận không tìm thấy bằng chứng mới về những sai trái của chính quyền Obama và bà Hillary Clinton trong vụ Benghazi, Pompeo cùng một nghị sĩ Cộng hòa khác đã viết một bảng báo cáo 48 trang chỉ trích mạnh mẽ bà Clinton. Trong báo cáo, ông cho rằng Bộ Ngoại giao đã quan tâm đến yếu tố chính trị và vị trí của bà Clinton hơn là bảo vệ người Mỹ tại Benghazi. Theo các phóng viên AP, Pompeo đã phê bình Clinton “đáng chê trách về mặt đạo lý”. Tuy nhiên bản báo cáo bổ sung của ông đã không được thông qua.
Chan dung Mike Pompeo - “trum CIA” duoi thoi Tong thong Donal Trump-Hinh-3
Dân biểu Mike Pompeo nổi bật trong vụ điều tra các vụ tấn công khu phức hợp ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya. Ảnh: The New York Times
Ông Pompeo cũng là người ủng hộ các chương trình do thám người dân Mỹ và các lãnh đạo nước ngoài của chính quyền Mỹ.
Trong một phát biểu hồi tháng 1 vừa qua, ông cho rằng các chương trình nghe lén điện thoại và đọc email của dân Mỹ và lãnh đạo nước ngoài của NSA đều có giá trị và muốn phục hồi lại chúng, khi “các mối đe dọa vẫn lớn trong ngày hôm nay”. (NSA đã ngừng chương trình yêu cầu các nhà cung cấp điện thoại chuyển giao dữ liệu các cuộc gọi của người dân Mỹ từ năm 2015).
Trước đó, trong một buổi nói chuyện hồi năm 2013, ông Pompeo cũng từng chia sẻ với các sinh viên đại học bang Wichita là “NSA không cố ý lắng nghe các cuộc gọi của các bạn” và "nước Mỹ nên nghe lén các lãnh đạo thế giới, kể cả các đồng minh thân cận nhất vì đó là nơi các bạn sẽ tìm thấy những kẻ đang gây ra hiểm họa lớn cho đất nước”.
Đặc biệt, nghị sĩ Mike Pompeo là người ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng các hình thức tra tấn bị nhiều tổ chức quốc tế lên án của CIA.
Phát biểu về một báo cáo đã được Thượng viện công bố năm 2014 về việc sử dụng hình thức tra tấn với các tù nhân chính trị của CIA, ông Pompeo cho rằng “các chiến binh tình báo và quân sự đó không phải là những người tra tấn mà là những người yêu nước” và các chương trình giam giữ và tra khảo đã được áp dụng “trong khuôn khổ pháp luật, hiến pháp và được thực hiện với sự hiểu biết đầy đủ như thượng nghị sĩ Feinstein” (Dianne Feinstein là nghị sĩ dẫn đầu việc thúc ép công bố báo cáo).
Vào năm 2015, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm sử dụng biện pháp nhấn nước và những hình thức hỏi cung tàn bạo khác đối với tù nhân.
Nhìn chung, với những gì đã thể hiện, giới quan sát nhận định ông Mike Pompeo sẽ là một giám đốc CIA mang quan điểm cứng rắn dưới thời kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Đoàn Hiểu Linh