"Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên, thiết diện vô tư xử án nghiêm". Đó là hai câu hát quen thuộc trong bộ phim "Bao Thanh Thiên" kể về vị quan họ Bao nổi tiếng thanh liêm và nghiêm minh vào thời nhà Tống.
Có giả thuyết cho rằng vị quan ấy đột ngột qua đời không phải do bạo bệnh mà thực chất lại bị chính Hoàng đế hạ độc.
Liệu rằng đó có phải là sự thật hay không? Nếu đúng là như vậy thì lý do nào đã khiến cho một vị vua nổi tiếng nhân nghĩa như Tống Nhân Tông lại nhẫn tâm xuống tay với cận thần chính trực như Bao Chửng?
Giai thoại ly kỳ về cái chết của Bao Thanh Thiên: Bị Hoàng đế trừ khử vì phạm phải 1 điều tối kỵ?
Bao Chửng (999 – 1062), thường được gọi là Bao Thanh Thiên hay Bao Công. Ông làm quan cho nhà Bắc Tống, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều và đồng thời cũng nổi tiếng vì sự chính trực, liêm khiết cùng tài xử án công chính của mình.
Bao Thanh Thiên làm quan dưới thời kỳ trị vì của Hoàng đế Tống Nhân Tông – vị vua thứ tư của nhà Bắc Tống.
Sử cũ ghi lại, Tống Nhân Tông nổi tiếng là người nhân đức, cũng bởi vậy nên các sử gia luôn ưu ái dành cho vị Hoàng đế này không ít những lời tán dương.
Thậm chí vào thời điểm ông qua đời, ngay tới Hoàng đế nước Liêu cũng không khỏi tiếc thương đến rơi lệ.
Tuy nhiên theo Qulishi, Tống Nhân Tông lúc sinh thời lại có một thiếu sót không thể bù đắp. Đó chính là không có con trai nối dõi.
Đối với đàn ông thời cổ đại, đặc biệt là đối với một bậc đế vương như ông mà nói, đây quả thực là một chuyện có phần hổ thẹn và đáng tiếc.
Thế nhưng sau cùng, nhà vua vẫn phải đối mặt với một vấn đề hết sức khó khăn. Đó là lựa chọn người kế vị.
Vì không có con trai nối dõi, ông chỉ có thể thu nhận người con thứ 13 của Bộc An Ý vương làm trữ quân.
Tuy nhiên giai thoại về việc nhà vua hạ độc Bao Chửng có nói rằng, vị quan họ Bao đã có phần bất mãn đối với việc làm này của Hoàng đế.
Bao Chửng lại muốn nhà vua trả lại ngai vàng cho hậu duệ của Triệu Khuông Dận. Điều này đã chạm đến ranh giới cuối cùng của Hoàng đế.
Xuất phát từ sự nghi ngờ và lo sợ, Tống Nhân Tông đã thừa dịp Bao Chửng sinh bệnh mà phái ngự y tới ban thuốc cho ông.
Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau khi uống thuốc vua ban, Bao Chửng đã nhanh chóng qua đời. Khoảng thời gian từ khi phát bệnh tới lúc vị quan này ra đi chỉ vẻn vẹn có 13 ngày.
Cũng bởi vậy nên những người ủng hộ giả thuyết này tin rằng, chính Tống Nhân Tông là người đứng sau cái chết của Bao Thanh Thiên chứ không phải một thứ "bạo bệnh" nào đó như chính sử vẫn thường ghi chép.
Cái chết nhiều điểm nghi vấn của Bao Thanh Thiên
Việc khai quật di cốt của Bao Thanh Thiên còn làm sáng tỏ một sự thật mà hậu thế đã lầm tưởng bấy lâu: Bao Công chỉ sở hữu vóc dáng cao 1m65 chứ không to lớn, bệ vệ như trên phim ảnh.
Về những năm cuối đời của Bao Chửng,Bắc Tống sửchỉ ghi lại đôi dòng:
"Năm Gia Hữu thứ sáu triều Bắc Tống (năm 1061), Bao Chửng được phong làm Khu mật phó sứ". Chức quan này có vị trí ngang hàng với Phó Tể tướng, cũng là chức vị cao nhất mà ông từng đảm nhiệm.
Cũng theo tài liệu chính sử này, tháng 5 năm sau, Bao Chửng bị bệnh qua đời, "trong kinh thành từ quan đến dân, ai ai cũng đau buồn, tiếng thở dài từ phố lớn đến ngõ nhỏ đều nghe thấy".
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, quần thể mộ táng của gia tộc họ Bao được giới khảo cổ Trung Quốc tiến hành khai quật. Mộ táng và di cốt của Bao Thanh Thiên cũng được đưa vào nghiên cứu.
Trong quần thể mộ táng này, người ta đã phát hiện ra một văn bia trong mộ chí có ghi chép về cuộc đời của Bao Công. Trên đó có viết đôi dòng về nguyên nhân khiến ông qua đời:
"Tháng 5 năm Gia Hữu thứ bảy (1062) đột ngột phát bệnh trong khi đang làm việc nên phải hồi phủ. Hoàng thượng ban cho thuốc quý, đến ngày Tân Mùi thì không dậy được nữa".
Cụ thể, thời gian qua đời của Bao Công rơi vào ngày 20 tháng 5 năm 1062. Lý do qua đời được tuyên bố là do lâm bạo bệnh.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, khoảng thời gian từ lúc ông lâm bệnh cho tới khi qua đời chỉ vẻn vẹn có 13 ngày.
Ảnh minh họa.
Những điểm bất thường xung quanh cái chết chóng vánh của Bao Thanh Thiên đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ của người đương thời và cả hậu thế sau này.
Việc một số tư liệu có nhắc tới phương thuốc quý mà Tống Nhân Tông ban cho Bao Công đã khiến vị vua này trở thành một trong số những người bị hiềm nghi nhiều nhất. (Ảnh minh họa).
Trong số đó, nhân vật bị hiềm nghi nhiều nhất chính là Hoàng đế Tống Nhân Tông – vị vua tại vị trong thời gian Bao Chửng làm quan.
Thậm chí có giả thiết còn khẳng định rằng, trong suốt khoảng thời gian bị bệnh, Bao Công chỉ dùng "thuốc quý" do Hoàng thượng ban cho, sau đó nhanh chóng qua đời.
Vì vậy rất có thể phương thuốc mà vua Tống ban cho ông vốn không phải dùng để chữa bệnh mà thực chất là độc dược đã lấy đi tính mạng của vị quan thanh liêm ấy.
Liệu rằng Tống Nhân Tông có phải là hung thủ đứng đằng sau cái chết của Bao Thanh Thiênhay không? Nếu điều đó là sự thật thì động cơ nào đã khiến vị Hoàng đế ấy phải trừ khử một vị trung thần công chính nghiêm minh bên cạnh mình như vậy?
Nguyên nhân thực sự khiến Bao Công qua đời
Vào năm 1973, lăng mộ Bao Công được khai quật đã hé mở cho hậu thế chân tướng liên quan tới cái chết của vị quan thanh liêm này.
Theo nhận định của những người có chuyên môn, giả thiết Tống Nhân Tông đầu độc Bao Chửng hoàn toàn không có cơ sở và cũng không hề đáng tin.
Chưa bàn tới việc vua Tống không có động cơ trừ khử Bao Công, chỉ nhìn vào đánh giá của các sử gia là đủ để loại bỏ hiềm nghi đối với vị hoàng đế này.
Bởi lẽ, Tống Nhân Tông được đánh giá là một bậc minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa. Một đấng quân vương như vậy sao có thể nhẫn tâm hạ độc trung thần đắc lực bên mình?
Cũng có giả thuyết cho rằng, sự ra đi của ông có liên quan đến thứ “thuốc bổ” mà Hoàng thượng gián tiếp ban cho. Giả thuyết này nghi ngờ rằng, những thái y do ghen ghét Bao Công, nên cố tình cho thêm thành phần độc hại vào trong thuốc, khiến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn.
Về những bí ẩn xoay quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, kết quả phân tích xương từ di cốt của vị quan này đã phần nào hé mở chân tướng sự việc.
Các nhà khoa học Trung Quốc phối hợp Viện Bảo tàng tỉnh An Huy xét nghiệm những mảnh xương được cho là của Bao Chửng bằng phương pháp đồng bộ bức xạ với máy Electron- Positron Collider.
Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Thanh Thiên cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người thường.
Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng "Bao đại nhân" bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.
Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra hai khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể. Chất này xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, Bao Chửng từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.
GS Trình Như Phong, chuyên gia Văn - Sử, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công ở thành phố Hợp Phì, cho biết qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không chết vì trúng độc. Rất có thể, ông bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.
Tuy nhiên, căn bệnh nào dẫn đến cái chết của vị phán quan nổi tiếng lịch sử này có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.