Chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu giữa 2 siêu cường Mỹ - Liên Xô kéo dài từ khoảng năm 1946 đến 1991. Cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Hai nước đẩy mạnh chạy đua vũ trang nhằm chiếm ưu thế trước đối thủ.
Trong bối cảnh chạy đua vũ trang căng thẳng đó, tìm hiểu về các chương trình vũ khí mới của đối phương để đưa ra giải pháp đối phó phù hợp trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gần như được dành mọi đặc quyền để giúp Mỹ có thể nắm thông tin tình báo về chương trình phát triển vũ khí và sức mạnh quân sự của Liên Xô, trong đó có chiến dịch bí mật và tốn kém nhất thời Chiến tranh Lạnh.
Dự án Azorian
Theo trang web chính thức của CIA, năm 1968, tàu ngầm K-129 lớp Golf II của Liên Xô bất ngờ gặp nạn và chìm ở vị trí cách khoảng 1.600 hải lý (3.000 km), ngoài khơi bờ biển Hawaii, Mỹ. Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ Liên Xô gần như bất lực trong việc xác định vị trí tàu K-129 gặp nạn.
|
Tàu thăm dò khoáng sản Glomar Explorer dùng để ngụy trang cho việc trục vớt tàu ngầm Liên Xô. Ảnh: Chính phủ Mỹ. |
Khi gặp nạn, K-129 mang theo 3 tên lửa đạn đạo tầm trung R-21 (SS-N-4) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Việc Liên Xô từ bỏ nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm K-129 đã mở ra cơ hội lớn cho phía Mỹ. Nhận thức được giá trị tình báo to lớn nếu trục vớt được tàu ngầm gặp nạn để tìm hiểu về vũ khí chiến lược của Liên Xô, CIA phối hợp với Lầu Năm Góc bí mật tiến hành chiến dịch trục vớt tàu ngầm Liên Xô với mật danh “Dự án Azorian”.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là xác định được vị trí chìm của tàu ngầm K-129. USS Halibut, tàu ngầm gián điệp tinh vi của Mỹ, được lệnh tìm kiếm con tàu của Liên Xô.
Halibut được trang bị các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ biển sâu hiện đại. Nó đi vào khu vực nghi tàu ngầm Liên Xô chìm và triển khai tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm. Đội ngũ tìm kiếm chụp khoảng 20.000 bức ảnh và đã xác định được vị trí chìm của tàu ngầm Liên Xô.
|
Vị trí tàu ngầm K-129 bị chìm. Đồ họa: FOIA. |
K-129 chìm ở độ sâu 4.800 m, cách 1.560 hải lý (2.900 km) về phía tây bắc Hawaii. Trục vớt tàu ngầm có trọng lượng khoảng 1.750 tấn là điều chưa có tiền lệ. Các kỹ sư và chuyên gia của CIA phải đối mặt với thách thức vừa phải trục vớt thành công vừa phải đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Năm 1970, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các kỹ sư CIA quyết định sử dụng giải pháp chế tạo bộ móc khổng lồ kiểu “xương cá”. Bộ móc sẽ được thả xuống vị trí tàu ngầm K-129, sau đó, các cánh tay thủy lực sẽ ngoạm vào thân tàu để kéo nó lên.
Để che đậy việc trục vớt, CIA trưng dụng tàu Glomar Explorer chuyên thăm dò khoáng sản biển sâu thuộc sở hữu của tỷ phú Howard Hughes, Chủ tịch Summa Corporation. Sứ mệnh cứu hộ được ngụy trang dưới vỏ bọc thăm dò mangan.
Phần đáy tàu được cắt một khoang lớn chứa thiết bị trục vớt. Khoang có cửa để đóng lại trong quá trình di chuyển. Toàn bộ nhiệm vụ cứu hộ được thực hiện bên dưới thân tàu thương mại cho phép qua mặt mọi phương tiện giám sát từ vệ tinh, máy bay, hay tàu mặt nước gần đó.
Dự án tốn kém nhất lịch sử
Ngày 4/7/1974, tàu Glomar Explorer tiếp cận vị trí chìm của K-129. Module cứu hộ được triển khai xuống vị trí và ngoạm thành công vào tàu gặp nạn. Tuy nhiên, trong quá trình kéo lên, móc nâng bị gãy khiến tàu ngầm K-129 bị vỡ và 2/3 bộ phận trục vớt được đã chìm trở lại xuống biển.
|
Module cứu hộ được ngụy trang kín đáo bên dưới thân tàu. Ảnh: Collider. |
Phần còn lại mà đội cứu hộ kéo lên có 6 thi thể thủy thủ Liên Xô. CIA chuẩn bị nhiệm vụ cứu hộ thứ 2 để trục vớt phần còn lại. Tuy nhiên, sự cố hy hữu xảy ra khiến chương trình có nguy cơ bị lộ. Tháng 6/1974, trước thời điểm trục vớt, kẻ trộm đột nhập văn phòng Summa Corporation đánh cắp tài liệu bí mật về việc cho CIA thuê tàu Glomar Explorer.
CIA phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng sở cảnh sát Los Angeles truy bắt tên trộm để lấy lại tài liệu. Cuộc điều tra của FBI và cảnh sát đã thu hút sự chú ý của dư luận và giới truyền thông rộ lên tin đồn về câu chuyện giật gân.
Giám đốc CIA lúc đó là William E. Colby kêu gọi các cá nhân biết về Dự án Azorian giữ bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, tháng 2/1975, Los Angeles Times đăng bài viết xâu chuỗi từ vụ trộm ở Summa đến nhiệm vụ bí mật của CIA.
Sau đó, phóng viên điều tra Jack Anderson phá tan sự im lặng. Ông tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng các chuyên gia hải quân nói tàu ngầm Liên Xô bị chìm không chứa bí mật đáng kể nào và dự án trục vớt nó là sự lãng phí tiền của người nộp thuế.
Ngay sau đó, phóng viên tràn ngập khu vực cảng Long Beach, nơi tàu Glomar chuẩn bị cho sứ mệnh thứ hai. Chính quyền Tổng thống Richard Nixon không bình luận về vụ việc nhưng Liên Xô đã phát hiện được nhiệm vụ thực sự của tàu Glomar và điều động tàu đến bảo vệ khu vực K-129 bị chìm.
Do tính bí mật của dự án không còn, Nhà Trắng chính thức hủy bỏ việc trục vớt. Dự án Azorian không thành công về mặt tình báo nhưng đã tạo ra bước đột phá về kỹ thuật trong cứu hộ biển sâu. Nó mở đường cho sự phát triển của công nghệ khai thác khoáng sản ở độ sâu lớn.
Chính phủ Mỹ đã chi tới 800 triệu USD (tương đương với 3,8 tỷ USD theo tỷ giá năm 2016) cho Dự án Azorian, khiến nó trở thành chiến dịch tình báo phản gián tốn kém nhất lịch sử Chiến tranh Lạnh.
Theo Quốc Việt/Zing