Tới dự Hội thảo “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm” có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ.
|
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Đoàn Chủ tịch hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Ủy viên Trung ương Đản, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo.
Chiến thắng Tây Bắc – bước trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đã đi vào lịch sử, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc trên nhiều phương diện của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
|
Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Trong đó, chiến dịch Tây Bắc đánh dấu bước trưởng thành về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong chiến dịch này, để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung phần lớn bộ đội chủ lực cho Chiến dịch Tây Bắc.
Trên địa bàn chiến dịch, ta chia thành khu vực để tiến công, đồng thời tập trung binh lực, hỏa lực để thực hiện đòn tiêu diệt trên các khu vực chủ yếu. Thực tiễn trong Đợt 1 Chiến dịch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch sử dụng 2 đại đoàn, 1 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh chiến dịch đánh địch ở khu vực Nghĩa Lộ.
Sau khi tiêu diệt một loạt vị trí xung quanh Phân khu Nghĩa Lộ và đưa lực lượng bao vây kiềm chế các cứ điểm lân cận không cho địch tổ chức ứng cứu, chi viện, ta sử dụng 2 trung đoàn cùng lực lượng pháo binh chiến dịch tiến công Cụm cứ điểm Pú Chạng - Nghĩa Lộ. Nhờ tập trung ưu thế về binh hỏa lực, các cụm cứ điểm vòng ngoài của địch ở Tây Bắc nhanh chóng bị ta tiêu diệt, tạo thời cơ thuận lợi cho chiến dịch phát triển.
Bước vào Đợt 2 Chiến dịch, ta sử dụng 6 trung đoàn, cùng lực lượng binh chủng tiến công địch ở khu vực Ba Lay, Mộc Châu, Bản Hoa. Các trận tiến công của ta trên khu vực này đều chiếm ưu thế, nhất là trận Mộc Châu đã phá vỡ lá chắn của địch trên Đường 41, buộc chúng phải rút khỏi các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa… Đường 41 vào Tây Bắc được khai thông tạo điều kiện để các đơn vị trên hướng thọc sâu giải phóng Mường Sài, Sơn La và một vùng đất đai rộng lớn ở Nam Lai Châu.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ năm 1952. Ảnh tư liệu. |
Cùng với tập trung binh, hỏa lực trên hướng chủ yếu, trận then chốt, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã vận dụng hiệu quả phương châm “đánh điểm, diệt viện”. Trong khi tập trung lực lượng tiến công địch ở hướng chủ yếu trong Đợt 1, ta sử dụng lực lượng chia cắt địch ở Phù Yên, chặn đường rút chạy và viện binh của chúng, sẵn sàng đánh vận động tiêu diệt cả lực lượng rút chạy và lực lượng tăng viện ngoài công sự.
Về đánh điểm, quân ta đã diệt được cứ điểm do 1 tiểu đoàn tăng cường của địch chiếm đóng trong 1 đêm dưới điều kiện hỏa lực dày đặc (Nghĩa Lộ). Về diệt viện, bộ đội đủ khả năng truy kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Âu - Phi trên chặng đường dài ở địa bàn rừng núi.
Cùng với đó, ta còn thực hiện tốt kế hoạch nghi binh, giữ bí mật, tạo bất ngờ lớn đối với địch trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch
Có thể khẳng định, chiến thắng Tây Bắc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân đội nhân dân Việt Nam trên nhiều phương diện. Với chiến thắng này, về mặt chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật đã phát triển lên một bước mới, thể hiện những nét đặc sắc về chủ động mở hướng tiến công địch trên địa bàn rừng núi và xác định đúng mục đích chiến dịch; thực hiện thành công phương châm “đánh điểm, diệt viện”, biết tập trung ưu thế binh, hỏa lực trong những trận then chốt, phá vỡ khu vực phòng ngự mạnh của địch; công tác nghi binh, kết thúc chiến dịch đúng đắn, linh hoạt, kịp thời.
So với các chiến dịch trước, đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự phát triển mới về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của Quân đội ta trong giai đoạn này”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Tưởng nhớ, tri ân những đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng, hy sinh
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên BCHTW Đảng, Ủy viên QUTW, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo “Chiến thắng Tây Bắc - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm” cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 90 bài tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, các địa phương; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.
|
Quang cảnh buổi Hội thảo. |
Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, ph
ấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
“Đồng thời, Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; củng cố vững chắc cơ sở khoa học để đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá và phản bác kịp thời, hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử của các thế lực thù địch, phản động.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”, Trung tướng Trịnh Văn Quyết bày tỏ.
Mai Loan