Nhiều nguồn ghi chép cho rằng trong thế giới cổ đại, có bốn đế chế, quốc gia vô cùng hùng mạnh, đó là Rome, Trung Quốc, Ba Tư và Aksum.
Ba trong số đó sẽ quen thuộc với bất kỳ độc giả hiện đại nào. Nhưng cái tên thứ tư, vương quốc Aksum, dường như đã biến mất khỏi trí nhớ của công chúng.
Aksum là gì, nó thuộc về ai? Và tại sao chúng ta không nhớ đến vương quốc này, tại sao vương quốc này lại được xếp vào hàng vĩ đại nhất thế giới cổ đại?
Lý do khiến cho chúng ta không có ấn tượng gì về cái tên này đầu tiên phải đến từ vị trí của Aksum. Nền văn minh vĩ đại này nằm kẹt giữa Ai Cập và để chế La Mã cổ đại, sự sụp đổ và chia cắt của nó đã nhường chỗ cho các nước láng giềng phát triển hùng mạnh và bành trướng.
Theo nhiều ghi chép lịch sử, Aksum nằm ở phía đông nam của Ai Cập, trên vùng cao nguyên Tigray thuộc Ethiopia ngày nay. Nó cũng bao gồm các phần của Eritrea, miền đông Sudan, qua Vịnh Aden, và phần lớn Yemen của ngày nay.
Aksum được biết đến với sức mạnh quân sự to lớn và lực lượng hải quân đáng gờm trong thời kỳ cổ đại. Vương quốc này cũng là một quốc gia thương mại hùng mạnh, đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với ba cường quốc khác trong thời đại của nó. Thông qua các liên kết thương mại này, nó trở nên giàu có và xây dựng các tượng đài vĩ đại, đồng thời cũng phát triển được một chữ viết tinh vi cũng như góp phần to lớn trong công cuộc giới thiệu Cơ đốc giáo đến Châu Phi cận Sahara.
Vương quốc này có thể được thành lập vào thế kỷ 1 sau Công nguyên và phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Kể từ thời kỳ đồ đá, con người đã chiếm đóng khu vực này, và các cộng đồng nông dân phát triển mạnh ở đó trong khoảng một thiên niên kỷ. Tuy nhiên, nguồn gốc của Aksum cho đến ngày nay vẫn còn là một bí ẩn.
Sự trỗi dậy của Vương quốc Aksum
Nhiều học giả hiện đại cho rằng tiền thân của vương quốc này là vương quốc D'mt, có thể bắt nguồn từ Yemen, đi theo đường biển và sau đó dần hình thành trên bờ biển phía tây của Biển Đỏ. Nhưng cho đến nay, chúng ta rất ít thông tin về vương quốc tiền thân bí ẩn này và mối quan hệ của họ với Aksum. Những gì chúng ta có thể suy đoán là họ đã bị thay thế bởi Aksumites, hoặc có thể chính họ đã trở thành Aksumites.
Điều dường như rất có thể xảy ra là, sau một thời gian phát triển, vương quốc D'mt đã dần suy tàn, họ bị phân mảnh và bị thay thế bởi một số vương quốc nhỏ hơn trong khu vực. Các vương quốc này dần dần xích lại gần nhau vào thế kỷ 1 sau Công Nguyên và cuối cùng được biết đến với tên gọi vương quốc Aksum rộng lớn.
Địa lý địa phương của Aksum cũng góp phần vào sự phát triển của nó. Thành phố thủ đô của họ, còn được gọi là Aksum, nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại nổi bật, đất đai màu mỡ, khí hậu và lượng mưa của thành phố khiến khu vực này trở nên lý tưởng cho nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Người dân Aksum đã tận dụng tối đa những cơ hội dành cho họ. Ngà voi và vàng là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất, nhưng họ đã khai thác tối đa mọi tài nguyên của vùng để làm giàu cho mình. Sừng tê giác, muối, ngọc lục bảo, mai rùa, myrrh (một loại nhựa thơm), động vật sống và nô lệ cũng là những thứ khiến cho vương quốc này trở nên hưng thịnh.
Đổi lại, người Aksumites nhập khẩu thép, sắt, hàng dệt, gia vị, đồ trang sức, đồ thủy tinh, rượu vang, dầu ô liu và vũ khí. Thông qua các tuyến đường thương mại, mối quan hệ của Aksum được thiết lập trên khắp Trung Đông, Nam Ả Rập, Ai Cập, Trung Quốc và Ấn Độ, chính điều đó đã khiến họ trở nên giàu có và mạnh mẽ. Vương quốc Aksum này còn được biết đến là quốc gia Châu Phi đầu tiên tự đúc tiền bằng đồng, bạc và vàng.
Trong suốt thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, vương quốc Aksum đã vươn lên đỉnh cao quyền lực. Trong những năm đó, Aksum là một xã hội thịnh vượng, phân tầng với hệ thống phân cấp và phân chia rõ ràng giữa người dân và người cai trị của họ.
Thành phố thủ đô của họ đã phát triển về quy mô, dân số, cũng như mức độ phức tạp của sự phát triển. Thông qua chiến tranh, Aksum cũng có thể mở rộng lãnh thổ của mình. Trong suốt thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, Vua Ezana I của Aksum thậm chí còn có thể chinh phục thành bang Meroe, vốn là láng giềng hùng mạnh của Ai Cập trong nhiều thế kỷ.
Chữ viết và nghệ thuật
Vương quốc Aksum có một hệ thống chữ viết của riêng mình. Một trong những ví dụ sớm nhất về hệ thống chữ viết của họ có thể được tìm thấy trên các phiến đá phiến có niên đại từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Chữ viết của họ được gọi là Ethiopic hoặc Ge'ez, giống các ngôn ngữ của miền nam Ả Rập và dường như được phát triển từ ngôn ngữ của người D'mt. Chữ viết này vẫn đang được sử dụng ở Ethiopia hiện đại và người Ethiopia theo đạo thiên chúa cũng có phiên bản Kinh thánh Ge'ez của riêng họ.
Về mặt nghệ thuật, vương quốc Aksum có những người thợ gốm từng sản xuất đồ bằng đất nung màu đỏ và đen đơn giản mà không cần dùng đến bánh xe. Các đồ sứ có bề ngoài hoàn thiện mờ và thường được phủ một lớp màu đỏ.
Hình thức của đồ gốm là bát, cốc và bình phun. Các thiết kế hình học được trang trí bằng cách sử dụng tem, tranh vẽ, vết rạch và các mảnh ba chiều. Một trong những họa tiết trang trí phổ biến là cây thánh giá của Cơ đốc giáo.
Tuy nhiên, không có bức tượng quy mô lớn nào được phát hiện từ vương quốc Aksum. Thay vào đó, người ta đã phát hiện ra các bệ đá, ngai đá và các bức tượng nhỏ.
Sự suy tàn của Aksum
Sau khi vượt qua các cuộc chiến tranh với Ba Tư và xung đột nội bộ, vương quốc Aksum cuối cùng cũng bước vào giai đoạn suy tàn vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Sự di cư của những người chăn gia súc ở phía tây Bedja hoặc sử dụng quá mức các vùng đất nông nghiệp là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy tàn của vương quốc, mặc dù biến đổi khí hậu cũng có thể đóng góp một phần.
Hơn nữa, chính sách của các vị vua ở Aksum trao cho các thủ lĩnh bộ lạc nhiều quyền tự chủ cũng phản tác dụng, vì điều này khuyến khích họ tách ra và thành lập các quốc gia độc lập của riêng mình. Việc mất nguồn thu từ các vương quốc ly khai này đã làm suy yếu tầng lớp quý tộc của Aksum.
Tuy nhiên, ngay cả trong thế kỷ 21, phần lãnh thổ trước kia của vương quốc Aksum vẫn có người sinh sống. Hai trong số ba đế chế vĩ đại khác, La Mã và Ba Tư, đã sụp đổ trong những thế kỷ trôi qua. Trung Quốc thì vẫn trường tồn, vẫn sử dụng cái tên làm linh hồn của họ.
Nhưng Aksum chưa bao giờ thực sự chết. Tại đất nước Ethiopia, và trong các truyền thống Cơ đốc giáo Coptic của nhà thờ Ethiopia, vương quốc Aksum vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Theo Đức Khương/Tổ quốc