Chuyện huyền bí ở bản Mông cao nhất Việt Nam

Google News

Lần đầu tiên lên Ngải Thầu Thượng, nơi được cho là một trong những bản Mông cao nhất Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện đầy bí ẩn...
 

Những tưởng đó chỉ là truyền thuyết nhưng anh Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu khẳng định như dao chém đá rằng hồng trà, bạch trà và ao tiên đều có thật.
Truyền thuyết ao tiên và rừng hồng trà
Thôn Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu nằm trên núi Ma Cha Va, nơi có độ cao trên 2.100m so với mực nước biển. Người Mông ở đây bảo rằng, những khi có tuyết rơi thì trên đỉnh Phan Si Păng và Ma Cha Va là có tuyết rơi trước những nơi khác, còn bình thường, nhiệt độ trên này bao giờ cũng thấp hơn dưới thành phố ít nhất là 10 độ C.
Chuyen huyen bi o ban Mong cao nhat Viet Nam
 Bạch trà.
Từ hàng trăm năm nay, núi Ma Cha Va - đỉnh núi thiêng vẫn giữ cho riêng nó những câu chuyện đầy huyền bí mà không ai giải thích được. Một trong những câu chuyện huyền bí nhất đó là về ao tiên và rừng hồng trà.
Thì ra ngay trên núi này, từ lâu đã có một ao nhỏ nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ. Anh Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu bảo theo truyền thuyết các cụ già kể lại, thì từ thời xa xưa, có hai con rồng bay đến núi Ma Cha Va rồi gặp nhau ở đây. Hai con rồng đánh nhau, quần thảo suốt nhiều ngày tháng, khiến trời long đất lở. Khi chúng bay đi, thì chỗ đó biến thành ao tiên như ngày nay.
Nhiều năm về trước, ao tiên còn rộng lắm nhưng sau những mùa mưa lũ, đất trên núi sạt xuống nên ao tiên ngày càng nhỏ lại. Điều kỳ lạ là trên núi Ma Cha Va hiếm nước, bản Ngải Thầu Thượng cũng chỉ có một hai mạch nước nhỏ nhưng ao tiên thì không bao giờ cạn. Trong ao tiên có một loài cá lạ chỉ to bằng ba đầu ngón tay, vảy có màu ánh hồng, gần giống cá chép đỏ.
Những năm tuyết rơi, mặt ao tiên bị đóng băng cả tháng trời, mà loài cá này vẫn sống được. Người Mông ở Ngải Thầu Thượng và những cán bộ công tác lâu năm ở xã Ngải Thầu đều nói rằng loài cá này chỉ có ở ao tiên, chưa thấy ở nơi nào khác.
Thêm một điều đặc biệt nữa đó là ở xung quanh ao tiên trên núi Ma Cha Va mọc lên một rừng chè lạ, hoa nở vào mùa xuân và có màu đỏ thắm, người dân gọi là hồng trà, tiếng Mông gọi là Thua die Ta lia. Có cây chè chẳng biết bao nhiêu năm tuổi nhưng gốc cổ thụ cao cả chục mét. Truyền thuyết kể rằng, từ nơi máu của hai con rồng đổ xuống đã mọc lên loại chè này. Người dân ở đây lấy lá chè về uống, nước chè có vị thơm dìu dịu, ngon hơn hẳn các loại chè thường.
Chuyen huyen bi o ban Mong cao nhat Viet Nam-Hinh-2
 Hồng trà.
Cùng với hồng trà, trên núi Ma Cha Va còn có hai loại chè quý khác ít người biết đến đó là bạch trà và chè tuyết san cổ thụ. Bạch trà mọc ở vùng đất giáp ranh giữa Ngải Thầu Hạ và Ngải Thầu Thượng, cây gần giống hồng trà, có cây cao vài mét, mùa này đang nở hoa rực rỡ. Những bông hoa to như miệng chén, màu trắng tinh khiết, tỏa hương thơm trong gió. Còn chè Tuyết san cổ thụ mọc trong rừng sâu.
Hồng trà, bạch trà, và chè Tuyết san là những loại chè vô cùng quý giá mà núi Ma Cha Va đã ban tặng cho đồng bào Mông trên đỉnh núi tuyết sương này. Mấy năm gần đây, phong trào chơi chè cảnh rộ lên, một số người biết tin trên núi Ma Cha Va có loại chè quý, đã lên đây tìm cách đào trộm về trồng. Cán bộ và đồng bào Mông trên núi tìm mọi cách bảo vệ “kho báu”, không cho kẻ xấu lấy đi.
Uống chén hồng trà đón mặt trời lên
Sớm hôm sau, mặt trời chưa mọc, anh Lồ A Sính đã dẫn tôi ngược dốc lên thăm Ao tiên và đi sâu vào rừng cây cổ thụ tìm loại chè quý. Thật may cho tôi khi lên núi Ma Cha Va đúng vào mùa hồng trà bắt đầu nở. Không phải một cây, hai cây, mà đến cả trăm cây hồng trà bắt đầu đơm nụ, khoe sắc.
Ở nơi có độ cao trên 2.100m so với mặt nước biển, tưởng rằng chỉ có loài cây tống quá sủ sống được, không ngờ lại có rừng hồng trà đẹp như thế. Hồng trà nở thành chùm, những nụ hoa to như đầu ngón tay, còn bông hoa có cánh màu đỏ, mịn màng, nhị hoa màu vàng rung rinh trong sương gió. Hồng trà khi đã nở thì rất lâu tàn, có lẽ mọc ở nơi đỉnh trời khí hậu khắc nghiệt, ngấm gió sương vần vũ, được đón những tia nắng đầu tiên khi mặt trời chiếu xuống, nên mỗi bông hoa đều có vẻ đẹp thật thanh khiết, ít loài hoa nào có được.
Chuyen huyen bi o ban Mong cao nhat Viet Nam-Hinh-3
Những cây hồng trà cổ thụ.  
Tôi đã đi đến nhiều vùng đất, từng ngắm chè Tuyết san cổ thụ trên núi Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), thưởng thức chè Bát Tiên trên núi Mào Gà ở Mường Hum (Bát Xát)… nhưng chưa bao giờ gặp loại chè nào hoa to và đẹp như thế. Mấy cán bộ xã Ngải Thầu khẳng định chắc nịch hồng trà chỉ có ở quanh ao tiên, còn những nơi khác trên núi Ma Cha Va cũng tuyệt nhiên không thấy cây nào. Cùng độ cao như thế, cùng thổ nhưỡng, khí hậu như thế, mà tại sao hồng trà chỉ mọc quanh ao tiên? Câu hỏi này chưa ai giải thích được. Thật kỳ lạ!
Ngắm hồng trà trên đỉnh Ma Cha Va, tôi lại nhớ đến hoa loài hoa hải đường rất quen thuộc với người dân vùng trung du và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hoa hải đường rất giống hoa hồng trà, cũng nở vào mùa xuân, nhắc nhớ đến những cái tết cổ truyền của ngày xưa. Ông nội tôi kể, thời ông còn nhỏ, dịp Tết Nguyên đán, nhà nào cũng mua mấy cành hoa hải đường cắm vào lọ để trên bàn thờ, vì loài hoa này tượng tương cho mùa xuân, cho sự may mắn, năm mới phú quý, anh em hòa hợp.
Đem câu chuyện này kể cho anh Sính nghe, anh bảo những truyền thuyết về ao tiên và hồng trà cũng đi vào đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Mông trên núi Ma Cha Va.
Với niềm tin vào sự thiêng liêng của thần rừng, người Mông trên núi Ma Cha Va không bẻ cành hồng trà cắm trong nhà nhưng năm nào cũng vậy, dịp tết đến bà con vẫn hái lá hồng trà, bạch trà về pha nước uống đãi khách quý đến nhà chơi. Còn nam nữ người Mông thường mặc trang phục thật đẹp, rủ nhau đi dạo quanh ao tiên, lên núi ngắm hoa hồng trà và ngồi tâm tình.
Chuyen huyen bi o ban Mong cao nhat Viet Nam-Hinh-4
 Cuộc sống của đồng bào Mông trên đỉnh Ma Cha Va. 
Trước ngày Thìn tháng Giêng sau Tết Nguyên đán, nghĩa là trước ngày cúng rừng, đồng bào Mông trên đỉnh núi Ma Cha Va lại cùng nhau xuống ao tiên bắt loài cá màu hồng. Cá này tuy không dùng để cúng nhưng hôm sau khi lễ cúng rừng kết thúc, cả bản sẽ cùng thưởng thức, cầu mong thần rừng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người ta tin rằng được ăn loài cá màu hồng trong ao tiên sẽ gặp được nhiều may mắn.
Buổi sớm trên đỉnh Ma Cha Va rét tái tê nhưng thật yên bình, trong lành và tinh khiết. Ấm hồng trà mới pha bên bếp lửa giữa ngôi nhà đất đơn sơ sao mà thơm thế. Màu nước không vàng sóng sánh như chè Bát Tiên nhưng có màu hồng hồng tựa màu rượu hoa đào, tỏa hương dìu dịu.
Tôi nhắm mắt, hít thật sâu vào lồng ngực, tận hưởng cái hương vị thanh khiết của núi rừng. Cầm chén trà nóng bước ra ngoài, trên độ cao hơn 2.100m so với mực nước biển, mặt trời dường như cũng mọc sớm hơn, chiếu những tia nắng ấm đầu tiên xuống biển mây bồng bềnh tạo thành bức tranh tuyệt đẹp. Trên núi, hồng trà, bạch trà đang khoe sắc đón cỗ xe của thần mặt trời...
Theo Tuấn Ngọc/Nông nghiệp Việt Nam