|
Vách đá Trắng trên đỉnh núi Cô Tiên. Ảnh: Tuyến Hoàng |
Truyện kể rằng, từ rất xưa ở vùng đất Mèo Vạc có một ngọn núi rất cao và hùng vĩ, nơi đây mây phủ quanh năm. Nhìn chỉ thấy vách đá vút lên tận trời cao, không thể leo lên được.
Đỉnh núi chính là nơi ở của một nàng tiên vô cùng xinh đẹp và tốt bụng, nàng có làn da trắng như mây, có đôi môi hồng như những bông hoa đào mới nở. Hàng ngày, nàng thường ngồi trên đỉnh núi ngắm dòng sông Nho Quế và cất tiếng hát làm say đắm lòng người.
Nhờ sự che chở của nàng mà người dân nơi đây có cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nhớ ơn nàng, người Mông nơi đây đã đặt tên cho ngọn núi là Chua Lành Gấu (nghĩa là núi Cô tiên).
Ở chính giữa vách đá cao nhất của ngọn núi có một cây thuốc vô cùng quý hiếm, không chỉ chữa được bách bệnh mà còn giúp người sống thọ cả trăm tuổi. Tuy nhiên, do ở trên vách núi đá cao nên không một ai có thể leo lên lấy được, người nào mà cố tình leo lên thì sẽ bị rơi xuống vực sâu trôi theo dòng sông Nho Quế.
Rồi cho đến một ngày, trong vùng có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc nhưng không may người vợ lại mắc bệnh nan y đã chữa chạy khắp nơi mà không khỏi.
Người chồng rất thương vợ, khóc than gần như mù cả đôi mắt. Không chấp nhận mất đi người vợ thân yêu, dù được người vợ can ngăn nhưng người chồng vẫn bất chấp nguy hiểm leo lên vách núi đá cao trên núi Cô Tiên để hái cây thuốc quý về chữa cho vợ.
Người chồng dũng cảm mang theo hàng trăm, hàng nghìn cọc gỗ đóng vào vách đá để leo lên. Leo mãi, leo mãi cuối cùng người chồng cũng lên được chỗ cây thuốc quý. Nhưng kỳ lạ thay, khi hái được cây thuốc quý và trèo xuống thì những cọc gỗ cũng biến mất một cách thần bí. Người chồng có được cây thuốc quý và cứu sống được vợ mình.
Cũng từ đó đến nay, chưa một ai khác có thể nhìn thấy cây thuốc quý và leo lên trên vách đá được nữa. Cảm động trước tấm lòng chân tình của người chồng dành cho vợ, từ chỗ cây thuốc quý xuất hiện những giọt nước rơi xuống, người dân gọi là “nước mắt Cô tiên” hay “nước mắt của đá”.
Tuy không còn cây thuốc quý, nhưng ai đi qua mà hứng được những giọt nước này để uống thì sẽ luôn khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Và cũng từ đó, trên đỉnh núi Chua Lành Gấu xuất hiện đôi Vách đá trắng (Vách đá trắng) với một bên lớn, một bên nhỏ tựa giống như đôi vợ chồng.
Người dân, nơi đây nói, Vách đá trắng này rất linh thiêng, vào những dịp Tết Nguyên đán người dân thường đến đặt lễ để tỏ lòng biết ơn Vách đá trắng cũng như Cô tiên, cầu cho cuộc sống gặp nhiều may mắn, gia đình hạnh phúc, người dân gọi Vách đá trắng là Gầu Cá Dính.
Lâu dần người dân đi lại nên hình thành con đường mòn dẫn lên chân Vách đá trắng dẫn sang xã Pải Lủng (Mèo Vạc) và huyện Đồng Văn. Con đường này cũng chính là con đường mà ngày xưa Vua Mèo thường xuyên qua lại và dừng chân để nghỉ ngơi. Bởi lẽ đứng dưới chân Vách đá trắng có thể quan sát được phía bên kia của dòng sông Nho Quế. Mặt khác, vách đá như che chở, truyền thêm sức mạnh cho người đi đường. Ở đây nếu gặp trời mưa thì không lo bị ướt, nếu khát nước thì có thể hứng những giọt “nước mắt Cô tiên” rơi xuống để uống. Do vậy, bất kể ai khi đi qua đến chân Vách đá trắng đều khấn vái để cầu may mắn. Những ai đi qua mà không thành tâm, làm những chuyện xấu sẽ bị Cô tiên trách phạt. Cho đến ngày nay, người Mông sống quanh vùng vẫn coi Vách đá trắng là nơi linh thiêng, là nơi ở của thần linh. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, người Mông vẫn đến chân Vách đá trắng trên đỉnh núi Mã Pì Lèng thờ cúng.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018 sẽ diễn ra hoạt động đi bộ trải nghiệm trên tuyến đường này, với chiều dài gần 5 km từ thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi đến Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Xà Lủng, xã Pải Lủng. Đến nơi đây, du khách sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp kỳ vỹ mà thiên nhiên ban tặng; ngắm nhìn bên kia dòng sông Nho Quế; trải nghiệm phong tục tập quán của người dân địa phương; nghe kể truyền thuyết về “Vách đá trắng” trên đỉnh núi Cô tiên…
Theo Hoàng Tuyến/baohagiang.vn)