Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Bông (Hà Nội), giáo sư Lê Thi tên thật là Dương Thị Hoa. Bà là con gái của nhà giáo nổi tiếng, hiệu trưởng trường Bưởi xưa - Liệt sỹ Dương Quảng Hàm. Bà là một trong 2 người con gái có vinh dự được kéo cờ Tổ quốc trong ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc
Sở dĩ bà có bí danh Lê Thi là bởi khi còn đi học năm cuối trường Đồng Khánh bà rất thích họ Lê của vua Lê Lợi, nên lấy họ Lê ghép với tên một người bạn thân để lấy bí danh là Lê Thi.
Năm 1945, cô gái 19 tuổi khi ấy chính thức tham gia hoạt động Cách mạng và được giao nhiệm vụ trong Hội phụ nữ Hoàn Kiếm, đi vận động phụ nữ góp tiền, của để gửi cho Cách mạng.
|
Bà Lê Thi khi còn trẻ. |
Bà Thi kể lại, thời điểm trước ngày 2/9 khoảng 1 tuần, bà được lệnh cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ Hàng Bông tập hợp hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo trnag phụ chỉnh tề nghiêm trang để chờ đến ngày trọng đại.
Sáng 2/9/1945, bà Thi cùng nhiều chị em phụ nữ Hàng Bông mặc quần trắng, áo dài, giày bata trắng đi đều bước về phía quảng trường Ba Đình, bà nhận nhiệm vụ cầm gậy hô 1, 2… 1,2 để chị em đi cho đều.
Tại quảng trường Ba Đình, trước giờ bắt đầu lễ Tuyên ngôn Độc lập ít phút, bà Thi được chọn lên kéo cờ Tổ quốc cùng một người phụ nữ dân tộc Tày mà mãi 20 năm sau bà mới biết là bà Đàm Thị Loan.
Hai cô gái trẻ vừa run, vừa sợ để xảy ra sai sót thì có lỗi với cả hàng triệu người dân cả nước vì đó là sự kiện trọng đại của đất nước và lại không được tập trước. Vì bà Thi cao hơn nên nhận nhiệm vụ kéo cờ, bà Đàm Thị Loan đỡ cờ.
Khi bài hát Quốc ca vang lên, cả hai từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao, khi cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc bài hát Quốc ca kết thúc, cả hai người mới thở phào nhẹ nhõm.
|
Giáo sư Lê Thi. |
Bà Thi bảo, chính trong giờ phút đứng phía sau lễ đài, thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ, phất phới trong gió mùa thu, bà bỗng ứa nước mắt vì xúc động xen lẫn tự hào.
Khoảnh khắc tận mắt nhìn thấy Bác Hồ trong bộ quần áo kaki quá đỗi giản dị, nghe giọng nói trịu mến nhẹ nhàng của Người “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” và tiếng đáp lại của hàng vạn người phía dưới “Có ạ”, nghe tiếng đồng thanh của nhân dân “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”, bà Thi đã tin tưởng tuyệt đối và quyết tâm đi theo Cách mạng, góp sức đem lại hoà bình cho quê hương, đất nước. Từ bỏ ý định làm giáo viên như dự định trước đó của bà và cha mẹ.
Được biết, đến mãi 20 năm sau bà Thi mới có cơ hội gặp lại và biết tên nữ du kích người Tày cùng mình kéo cờ năm nào. Đó là bà Đàm Thị Loan, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái.
|
Bà Thi chụp ảnh cùng bà Đàm Thị Loan. |
Ngày 2/9/1997, 2 cô gái ngày ấy mới gặp lại nhau khi mái tóc trên đầu đã điểm hoa râm, vết chân chim hằn trên khoé mắt, mới có cơ hội chụp cùng nhau một bức ảnh kỷ nước giữa Quảng trường Ba Đình. Đến năm 2010, bà Đàm Thị Loan qua đời.
Riêng bà Thi, sau cái ngày lịch sử 2/9 ấy, bà tiếp tục niềm tin vào Cách mạng, tham gia các hoạt động cùng “đội quân tóc dài” đi vận động người giàu san sẻ quân lương cho người nghèo. Bên cạnh đó bà cũng tham gia dạy học ở các lớp bình dân học vụ, sau đó gia nhập Trung đoàn Thủ đô và tiếp tục công tác tại nhiều vị trí.
Trong suốt quãng đời hoạt động Cách mạng của mình, dường như bà Lê Thi chưa một ngày ngừng nỗ lực cống hiến cho đất nước với những việc làm thiết thực trong thời chiến cũng như thời bình.
Đất nước hòa bình, bà về công tác tại Hà Nội và lập nên Viện nghiên cứu gia đình và giới. Sau những cống hiến không ngừng cho đất nước, năm 1991 bà được Nhà nước phong hàm giáo sư.
Theo VTC