|
Hình ảnh trong phim chuyển thể tiểu thuyết A Simple Passion. Ảnh: Timeout.
|
Ngay khi có tin Annie Ernaux đoạt giải Nobel văn học, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter rằng: "Trong 50 năm, Annie Ernaux đã viết cuốn tiểu thuyết của tập thể và ký ức. Tiếng nói của bà là quyền tự do của phụ nữ và của thế kỷ bị lãng quên. Sau lễ trao thưởng hôm nay, bà đã gia nhập vòng tròn vĩ đại của Nobel văn học Pháp".
Nhưng con đường để gia nhập vòng tròn vĩ đại ấy không hề đơn giản.
Giả vờ làm luận văn tiến sĩ để có thời gian sáng tác
Annie Ernaux sinh ngày 1 tháng 9 năm 1940 tại Lillebonne, trải qua thời thơ ấu ở Ivoto, một thị trấn nhỏ ở Normandy, nước Pháp, nơi cha mẹ bà mở một cửa hàng tạp hóa cà phê "bẩn thỉu, dơ dáy, xấu xí, kinh tởm". Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhưng cha mẹ bà luôn có tham vọng giúp bà đổi đời bước vào giai cấp trung lưu bằng con đường học vấn.
Khi còn học đại học, Annie Ernaux cũng thử cầm bút viết, nhưng các nhà xuất bản đã từ chối các bản thảo của bà vì "quá tham vọng". Nản lòng, bà đã ngừng viết lách cho đến tuổi 30, khi ấy bà đã lập gia đình và là bà mẹ có hai con, làm giáo viên với một cuộc sống bình dị.
Lúc ấy, bà biết đến nhà xã hội học Pierre Bourdieu. Việc Bourdieu tập trung vào sự năng động của quyền lực trong xã hội, và đặc biệt là những cách thức đa dạng và tinh tế trong đó quyền lực được chuyển giao và trật tự xã hội được duy trì trong và qua nhiều thế hệ. Với ý thức trái ngược truyền thống của triết học phương Tây, các tác phẩm của ông thường nhấn mạnh bản chất hình thể của đời sống xã hội và nhấn mạnh vai trò của thực tiễn và hiện thân trong động lực xã hội, những ý tưởng này đã giúp Ernaux nhận ra cảm giác bất ổn của một người có xuất thân bần hàn và từng được nhận trợ cấp giáo dục.
Có được cảm hứng sáng tác, bà khởi sự viết cuốn sách Cleaned Out mà không nói với ai. Chồng bà khi thấy bản thảo đầu tiên bị từ chối đã chế giễu vợ. Bà phải giả vờ làm luận văn tiến sĩ để có thời gian ở một mình, tự do viết lách.
Khi cuốn sách được nhà xuất bản danh tiếng Gallimard chọn xuất bản, chồng bà, Philippe, đã rất khó chịu. Ernaux kể lại rằng: “Anh ấy nói với tôi: Nếu em có khả năng viết một cuốn sách trong vòng bí mật, thì em cũng có khả năng lừa dối tôi”. Chồng bà không hiểu một điều, vợ mình cần không gian và thời gian.
Dĩ nhiên cái gì đến phải đến. Ly hôn. Ngay sau đó, bà viết về cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình trong cuốn sách thứ ba, A Frozen Woman, bà đã đưa người đọc khám phá những cảm xúc trái chiều của nhà văn về việc làm vợ và làm mẹ.
Ernaux từng nói rằng bà lựa chọn không tái hôn để có được tự do. “Tôi đã sống với đàn ông trong một khoảng thời gian, nhưng rất nhanh chóng, tôi cảm thấy mệt mỏi. Giờ đây, nếu phải hình dung mình đang khóa môi với ai đó, thì thật đúng là ác mộng”.
Nhưng không kết hôn không có nghĩa là bà không có những câu chuyện tình chấn động. Vào đầu những năm 1990, bà đã khiến người đọc ở Pháp phải giật mình với A Simple Passion, kể về mối tình của bà với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có gia đình, quyển sách khám phá ham muốn bằng những tình tiết gợi cảm, cởi mở bất chấp các chuẩn mực đạo đức.
Trong hai tháng, sách bán được 200.000 bản, nhưng cũng đã thu hút đủ mọi sự chỉ trích gay gắt của báo chí và “gạch đá” từ những người bảo thủ trong xã hội.
Bất chấp điều đó, nhiều độc giả đã nhìn thấy chính họ trong A Simple Passion, và Ernaux trở thành thần tượng của nhiều độc giả. Sau đó sách đã được chuyển thể thành phim.
|
Annie Ernaux - chủ nhân giải Nobel Văn chương 2022. Ảnh: Getty.
|
Cái nhìn khác biệt về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp
Trong suốt hành trình sáng tác của mình, Annie Ernaux có một góc nhìn khác biệt về cuộc sống, giới tính, ngôn ngữ và giai cấp. Hầu hết tác phẩm của bà đều đúc kết sáng tạo từ những trải nghiệm của bản thân, thế nên công việc viết lách và cuộc sống riêng của bà gắn bó mật thiết với nhau.
Thay vì chỉ trích hay phơi bày xã hội từ góc độ toàn cảnh như Balzac, Annie Ernaux phân tích các hiện tượng xã hội từ góc độ cá nhân độc đáo, của một người phụ nữ tinh tế, đứng trên quan điểm của tầng lớp lao động có thu nhập thấp.
Thay vì cuốn người đọc vào với nhiều thăng trầm, hay những chủ đề to tát, bà chỉ tập trung những sự kiện nhỏ nhặt và đời thường mà chân thực. Lịch sử của bà là lịch sử nhỏ, nhưng lịch sử nhỏ gắn kết với lịch sử lớn. Bà lấy bản thân mình để làm ví dụ điển hình, một người chịu sự tác động của quảng cáo và chủ nghĩa tiêu dùng. Bên cạnh đó là ngôn ngữ gãy gọn, văn phong lạnh, không gian nhỏ, với góc nhìn và nhiều phân tích xã hội học sắc sảo.
Các tác phẩm như Location và A Woman miêu tả một cách sinh động quá trình đấu tranh đầy mất mát, tuyệt vọng, hy vọng và ước mơ về cách mà những bậc cha mẹ sinh ra trong nghèo khó phải tìm cách sống và vươn lên để cho thế hệ sau có thể có được một chỗ đứng trong xã hội.
Tác phẩm của Annie Ernaux tái hiện một cách chính xác và khách quan sự khác biệt rất lớn về tâm lý, thói quen sinh hoạt, sở thích, thú vui giữa những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau ở nước Pháp đương thời, bên cạnh đó là những cảm xúc đau đớn, mâu thuẫn thế hệ, bất đồng trong gia đình và cả những biến cố chính trị.
Theo thời gian, càng ngày Annie Ernaux càng cảm nhận sâu sắc hơn sự tiến hóa của xã hội và sự ngắn ngủi của cuộc sống, “mọi thứ đều bị lãng quên với tốc độ nhanh chưa từng thấy”, vì vậy bà muốn viết một tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất. Nhưng bà cũng biết mình sẽ không viết một cuốn tiểu thuyết hiện đại như Woolf, cũng không phải một tác phẩm lịch sử, mà là một quyển về ký ức tập thể, câu chuyện bà đã ấp ủ từ giữa những năm 1980 và khi nghỉ hưu.
Sau khi suy nghĩ và xem xét kỹ lưỡng, bà đã viết một kiệt tác được gọi là tự truyện xã hội The year.
Charles Wright Mills, nhà xã hội học người Mỹ từng định nghĩa "tự truyện xã hội" là tìm cách giải thích kinh nghiệm cá nhân dưới góc độ các lực lượng xã hội lớn hơn. Tự truyện xã hội bắt nguồn từ trí tưởng tượng xã hội học, một thủ pháp để dung hòa trải nghiệm cá nhân với các xu hướng xã hội trong xã hội rộng lớn. Cũng giống kinh nghiệm cá nhân có thể minh họa cho các điều kiện và văn hóa cộng đồng, các tình huống xã hội lớn có thể ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm cá nhân.
Bà tái tạo lại một thời đại chung, đi từ quá khứ đến hiện tại, bằng cách khám phá phần ký ức tập thể trong ký ức cá nhân, và lúc này ý nghĩa thực sự của lịch sử được phục hồi.
Annie Ernaux dấn thân vào con đường sáng tác văn chương từ những năm 1970, khi tiểu thuyết mới bắt đầu xuống dốc, khi ba ngôi sao văn chương nổi lên trên văn đàn Pháp: Le Clézio, người đoạt giải Nobel văn học năm 2008, tác giả của những cuộc phiêu lưu thơ mộng và sự ngây ngất gợi cảm; Modiano, người đoạt giải Nobel 2014, lại giỏi sử dụng sự kết hợp giữa hư cấu và hiện thực để nhớ lại những năm tháng chiến tranh; Perec rất giỏi trong việc đổi mới phong cách, thường bằng cách liệt kê chi tiết những món đồ mang đặc điểm của thời đại để khơi gợi ký ức.
Annie Ernaux sáng tác dựa trên phong cách của những bậc thầy này, thông qua ấn tượng và cảm xúc của một số bức ảnh cũ, để sáng tác quá trình trưởng thành của một người phụ nữ trong hơn 60 năm từ thời thơ ấu đến khi về già: trải qua lớp lớp sự kiện của cuộc đời, gia cảnh nghèo khó, học hành, làm giáo viên, bí mật phá thai, sinh con, ly hôn, ung thư, bệnh tật, người yêu, tuổi già, kinh nghiệm phong phú của bản thân xen kẽ với quan điểm chính trị, xã hội.
Từ bối cảnh quốc tế đến mua sắm trong trung tâm thương mại, họp mặt gia đình và riêng tư cá nhân, mọi thứ đều gãy gọn, rõ ràng, phản ánh sinh động và trực quan những thay đổi của thời đại từ cuối Thế chiến thứ hai đến ngày nay.
Viết về “ký ức” là một thủ pháp quen thuộc và phổ biến để mô tả dòng thời gian như Đi tìm thời gian đã mất của Proust là một kiệt tác nổi tiếng trong số đó. Hay W.G Sebald, bậc thầy trong các chủ đề về ký ức và mất ký ức (cả cá nhân và tập thể) cũng thường bắt đầu từ những tấm ảnh cũ.
Tuy nhiên, một cuốn hồi ký dù sống động đến đâu cũng chỉ là ký ức của riêng tác giả, cũng như bức ảnh cũ dù có xúc động đến đâu cũng chỉ là sự phản ánh thực trạng xã hội, không có quan hệ mật thiết với bản thân người đọc. Có hàng nghìn độc giả, mỗi người đọc một cách khác biệt, vì thế cảm nhận về sự kiện cũng rất khác. Để giải quyết vấn đề này, Annie Ernaux sáng tạo ra tự truyện vô danh.
Trong cuốn tiểu-thuyết-tự-truyện của mình, bà không sử dụng ngôi thứ nhất xưng "tôi" từ đầu đến cuối mà thay vào đó, bà sử dụng ngôi thứ ba, tức là một đại từ nhân xưng để diễn đạt "chúng ta". Trải nghiệm thời cuộc, phản ánh sự phát triển của thời đại, đưa người đọc đến với hồi ức chung, rằng chúng ta đã sống theo cách này đấy, làm khơi dậy một sự cộng hưởng mạnh mẽ trong lòng độc giả.
Bà tái tạo lại một thời đại chung, đi từ quá khứ đến hiện tại, bằng cách khám phá phần ký ức tập thể trong ký ức cá nhân, và lúc này ý nghĩa thực sự của lịch sử được phục hồi.
Sách của bà với nhiều độc giả Pháp không hẳn là một cuốn tự truyện theo đúng nghĩa của nó. Những mặt hàng, những bài hát, những sự kiện… tưởng chừng vô tình được nhắc đến trong tiểu thuyết thực ra lại là những chủ đề được Annie Ernaux chọn lọc kỹ càng và thu hút sự chú ý chung của công chúng.
Thế nên độc giả ở mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy những nội dung quen thuộc và những kỷ niệm trong sáng. Trên thực tế, không chỉ độc giả người Pháp, cả độc giả các nước khác cũng sẽ cảm thấy thân thiện, bởi những hiện tượng xã hội khác nhau được mô tả trong cuốn sách, chẳng hạn như khoảng cách thế hệ trong gia đình, đám đông trên tàu điện ngầm, loạt sản phẩm mới rực rỡ trong cửa hàng... Các trải nghiệm thực tế của cá nhân giúp cho người đọc cảm nhận được cái không gian mà tác giả trải qua, và ai cũng thấy mình trong đó.
Annie Ernaux đã tiên phong đóng góp cho sáng tạo cách tân của nền văn học Pháp. Nhiều tác phẩm của bà trở thành tác phẩm tiên phong của nền văn học mới, đồng thời cũng cho Annie Ernaux một vị trí xứng đáng trên văn đàn thế giới.
Những cuốn sách của bà còn có ý nghĩa quyết định đối với nhiều nhà văn trẻ, nhiều người được "cái tôi vô danh” của Ernaux truyền cảm hứng. Nhà văn Lauren Elkin từng viết trên Paris Review rằng: “Nhờ Ernaux mà tôi đưa được thế giới bên trong mình ra cho người đọc, rằng tôi cố gắng tạo ra ngôn ngữ từ cuộc phiêu lưu trải nghiệm của mình. Tôi học theo phong cách của Ernaux mỗi khi viết, đôi khi không nhận ra”.
Trong mùa xuất bản cuối năm thường niên ở Pháp, nhiều nữ nhà văn viết tiểu thuyết đã gửi cho Annie Ernaux tác phẩm của họ để bày tỏ lòng biết ơn với ảnh hưởng của bà. Bằng cách viết nên cuộc đời của mình, Annie Ernaux cũng đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều phụ nữ. Tập trung vào các chủ đề của phụ nữ là thế, nhưng tự bản thân cá nhân Annie Ernaux không chịu sự phân loại văn học phụ nữ hay văn học nữ quyền, nhưng ảnh hưởng của bà là không gì phủ nhận được.
Nhà xã hội học, tiểu thuyết gia Christine Détrez, giáo sư tại École normale supérieure de Lyon, nói rằng ảnh hưởng của Ernaux đối với cuộc sống của phụ nữ ở Pháp ngày nay có thể được so sánh với ảnh hưởng của de Beauvoir đối với phụ nữ thế hệ trước.
Theo Hà Chi/Zing News