Chuyện về Hoàng đế ban chiếu khuyên nữ nhân lấy chồng

Google News

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ít vị vua nào lại quan tâm sát sao đến đời sống dân chúng như vua Minh Mạng.

Hoàng đế nhiều phi tần nhất
Vua Minh Mạng (tức Nguyễn Thánh Tổ, 1820-1840) là hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn. Trong 21 năm trị vì, Nguyễn Thánh Tổ đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Ông đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, cho lập thêm nội các và cơ mật viện ở Huế, bãi bỏ chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi.
Chuyen ve Hoang de ban chieu khuyen nu nhan lay chong
Vua Minh Mạng. 
Nhà vua còn tổ chức lại quân đội, chia thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh và pháo thủ binh. Triều đình cũng cử quan ra chỉ đạo khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Ngoài ra, ông rất quan tâm đến việc duy trì nền khoa cử Nho giáo. Năm 1822 nhà vua mở lại các kì thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài.
Ông cũng là hoàng đế có nhiều con nhất với tổng cộng 142 người con gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Trong đời sống riêng tư, người ta cũng phải ngạc nhiên về sức cường tráng của ông. Không có tài liệu cho biết chân dung và thể lực của ông như thế nào, chỉ biết ông có nhiều vợ và rất đông các phi tần.
Có một bài thuốc bổ dương mang tên Minh Mạng thang được quan thái y căn cứ vào thể chất và sinh hoạt của ông để lập ra thang thuốc rượu. Đến nay Minh Mạng Thang vẫn là bài thuốc quý để nhiều lương y nghiên cứu.
Sách Minh Mạng chính yếu chép: Năm Minh Mạng thứ sáu, mùa Xuân, tháng giêng, trong Kinh Kỳ ít mưa, nhà vua lấy làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng: “Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ tự đâu đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là trong thâm cung cung nữ nhiều âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi, cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”.
Sát sao chuyện dựng vợ gả chồng
Dưới thời vua Minh Mạng, đời sống nhân dân được chăm lo, đặc biệt là chuyện dựng vợ gả chồng. Thời xưa xã hội quan niệm “gái thập tam, nam thập lục”, tức con gái đến tuổi 13, con trai đến tuổi 16 phải tính chuyện lập gia thất. Riêng con gái 25-26 tuổi mà chưa lấy chồng được xem quá lứa lỡ thì.
Để tránh chuyện nữ giới “quá lứa lỡ thì” nhiều, theo sách “Quốc sử di biên” ghi chép: Ngày 19/12/1828, vua Minh Mạng ban chiếu “Phụ nữ phải kịp thời lấy chồng, tuổi từ 16 đến 26 đều nên có đôi lứa”. Chiếu lệnh không mang tính bắt buộc nhưng là lời khuyên nhủ chân tình, trên danh nghĩa thiên tử ban ra. Có lẽ trong lịch sử chưa có vị vua nào lại quan tâm sát sao đến vấn đề hôn như hoàng đế Minh Mạng.
Đối với nữ nhân trong thiên hạ là vậy, còn trong hoàng tộc tài liệu chép lại vua chỉ dụ các Hoàng nữ, hoàng tôn nữ và công nữ khi lấy chồng sẽ được thưởng, cấp cho nữ trang nhất định.
Chẳng hạn đối nữ công chúa, theo chỉ dụ của vua thì lễ cưới rất tốn kém, trang trọng. Cụ thể phải đủ 6 lễ gồm: Nạp thái, vấn danh, nạp trung, nạp cáo, điện nhạn, thân nghinh với nhiều lễ vật khác nhau. Thậm chí nhà vua còn chi ra 3000 quan tiền mua đất dựng phủ làm chỗ ở cho công chúa và phò mã. Không chỉ vậy vua còn ban 30.000 quan tiền để sắm sửa vật dụng, phương tiện sinh hoạt như chén bát, xe ngựa, võng kiệu, thuyền…
Đó là chưa kể việc triều đình còn xuất một khoản tiền để phò mã sắm mũ áo, cân đai. Khi hôn lễ kết thúc, vua còn ban thêm cho phò mã bộ áo triều Tam phẩm, bốn cây gấm cùng hai bộ yên cương.
Sử sách chép lại vua Minh Mạng có tới 142 người con, trong đó có 64 công chúa. Và chi phí cho con gái đi lấy chồng, tính cả số nữ trang ban cho các hoàng tôn nữ, công nữ là con cháu hoàng tộc xuất giá không biết bao nhiêu mà kể hết.
Theo Vân Sơn/Báo Pháp Luật