Trong chương 3 của cuốn sách gây xôn xao dư luận thế giới vài năm qua Sapiens - Lược sử loài người, khi bàn về nguồn gốc xã hội giàu có trong thời kỳ hái lượm, tác giả cho rằng, hầu hết các thành viên của xã hội nông nghiệp và công nghiệp là các động vật thuần hóa. Chỉ có một ngoại lệ với quy luật chung này: loài chó.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, chó là con vật đầu tiên được Homo sapiens (người tinh khôn) thuần hóa. Các chuyên gia không nhất trí về thời điểm chính xác, nhưng chúng ta có bằng chứng không thể chối cãi về loài chó đã được thuần hóa các đây khoảng 15.000 năm. Chúng có thể đã sống cùng con người sớm hơn mốc này hàng nghìn năm.
|
Sapiens - cuốn sách gây xôn xao thời gian gần đây. |
Harari trích cuốn The Genius of Dogs: How Dogs Are Smarter Than You Think của tác giả Brian Hare về mối liên hệ giữa người và chó: Loài chó được dùng để đi săn và chiến đấu, để báo động thú dữ và những kẻ đột nhập. Qua nhiều thế hệ, hai loài đã đồng tiến hóa để có thể giao tiếp tốt với nhau. Con chó nào chú ý nhất đến những nhu cầu và cảm giác của con người sẽ được quan tâm hơn, được ăn tốt hơn, và có nhiều khả năng sống sót hơn.
Đồng thời, những con chó cũng học được cách lôi kéo con người vì nhu cầu của riêng chúng. Một mối liên kết kéo dài 15.000 năm đã mang lại sự thấu hiểu và cảm tình sâu sắc hơn giữa người và chó hơn bất kỳ loài động vật khác.
Ông nhận thấy, trong một số trường hợp, những con chó chết đi còn được chôn cất một cách trang trọng, giống như người.
Tác giả dẫn chứng về một kết quả khảo cổ tại một ngôi mộ có tuổi thọ 12.000 năm được Bảo tàng Kibbutz Ma'ayan Baruch tìm thấy ở Bắc Israel, trong đó có bộ xương của một phụ nữ 50 tuổi, được chôn cạnh bộ xương một con chó. Con chó được chôn gần đầu của người phụ nữ. Bàn tay trái của người phụ nữ đặt cạnh con chó như để biểu thị một kết nối cảm xúc. Tất nhiên, cũng có những cách giải thích khác về sự tùy táng này, như con chó có thể là món quà cho người gác cổng ở thế giới bên kia.
Dù tác giả phân tích rằng giữa các loài có sự kế thừa, tương tác, phối ngẫu lẫn nhau và cũng có sự cạnh tranh sinh tồn gay gắt, dẫn đến việc suy tàn của nhiều giống loài, thì mối quan hệ giữa loài chó và loài người vẫn gắn bó như cách đây 15.000 năm.
Yuval Noah Harari sinh năm 1976, nhận bằng Tiến sĩ lịch sử của Đại học Oxford năm 2002. Ông hiện là giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Hebrew ở Jerusalem, Israel. Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử thế giới và gần đây hướng tới nghiên cứu những vấn đề lớn mang tính khái quát về mối quan hệ giữa lịch sử và sinh học.
Cuốn sách Sapiens - Lược sử loài người được ông viết bằng sự tổng hợp kiến thức của rất nhiều ngành khoa học khác nhau, để lý giải những vấn đề lớn nhất của lịch sử cũng như của thế giới hiện đại. Harari giải thích về lịch sử nhân loại 70.000 năm qua trong khuôn khổ của các khoa học tự nhiên, nhất là sinh học tiến hóa, bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, sáng sủa và dễ hiểu. Cuốn sách đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng học thuật lẫn công chúng yêu sách trên thế giới.
Sapiens là cuốn sách yêu thích của các tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Vị Chủ tịch hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft đánh giá: "Harari kể về lịch sử loài người theo một cách dễ tiếp cận khiến bạn thật khó có thể đặt nó xuống". Bill Gates cũng cho rằng, Harari đã lãnh một sứ mệnh nặng nề, khi kể lại lịch sử loài người chỉ trong 400 trang viết (545 trang trong bản dịch tiếng Việt). Tuy nhiên, ông khẳng định: "Tôi vẫn sẽ khuyến nghị cuốn sách Sapiens cho bất cứ ai quan tâm tới lịch sử và tương lai của loài chúng ta".
Theo Lê Tiên Long/Zing