Vào một ngày năm 496 trước Công Nguyên, ở vùng đất Tuy Lý cách kinh thành của nước Ngô không xa, hơn ba ngàn binh sĩ nước Việt cơ thể xăm hình thay phiên nhau đâm cổ tự sát. Cảnh tượng đẫm máu và kinh hoàng này khiến cho những binh sĩ cầm kích phía bên kia trận địa bàng hoàng. Trong khi quân Ngô đang tranh nhau theo dõi những cái xác lần lượt ngã xuống, các cánh quân Việt bất ngờ xông ra từ phía sau và chém giết những đoàn người chưa kịp phòng bị. Cuộc tàn sát diễn ra khốc liệt đến mức vua Ngô là Hạp Lư bị trọng thương phải hạ lệnh rút lui bảy dặm. Biết vết thương tái phát và không cầm cự nổi, Hạp Lư trăn trối thái tử với hàm ý nhất định phải luôn khắc ghi tâm niệm báo thù cho mình. Cái chết của ông đã mở màn cho cuộc chiến khốc liệt giữa hai vùng đất vốn đắm chìm trong sự xung đột kéo dài và luôn lăm le đe dọa sự sống còn của nhau.
Giải quyết mâu thuẫn bằng gươm giáo giữa hai nước có cùng chung biên giới là hiện tượng phổ biến ở thời Xuân Thu khi mà quyền lực của vua nhà Chu, vốn cai trị Trung Hoa suốt tám thế kỷ, đã suy giảm trầm trọng và nhường chỗ cho sự trỗi dậy của các chư hầu. Những vị vua “nhỏ” chiếm giữ các vùng đồng bằng rộng lớn đồng nghĩa với việc có nhiều đất canh tác và cư dân đông đúc, dần dần trở thành các thế lực hùng mạnh luôn tìm cách mở rộng phạm vi lãnh thổ của mình, mà mục tiêu là các nước giáp ranh. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giữa hai nước cạnh nhau thường kéo theo sự tham chiến của các chư hầu xung quanh vì chính lợi ích của mỗi nước, và vì sự phức tạp đan xen như vậy đã định hình chính sách ngoại giao lẫn đối nội của mỗi vị vua. Trường hợp chiến tranh hai nước Ngô-Việt là một minh họa cho sự tương tác phức tạp đó.
Từ trước đến nay, những văn bản dã sử khắc họa hình ảnh Việt vương Câu Tiễn nhẫn nhục chịu đựng để báo thù, còn Ngô vương Phù Sai thì đam mê sắc đẹp của Tây Thi do nước Việt dâng tặng, không nghe lời khuyên của đại thần trung thành mà chỉ trọng dụng gian thần, vốn bị người Việt mua chuộc, nên kết quả là mất nước. Bài viết này thách thức quan điểm truyền thống trên khi đơn giản hóa những tác nhân lịch sử đa dạng và muốn chỉ ra rằng sự kiện nước Ngô bị Việt thôn tính là kết quả của sự thất bại trong nỗ lực theo đuổi những chiến lược ngoại giao bằng quân sự của Phù Sai, sự chia rẽ trầm trọng bên trong nội bộ nước Ngô và những cố gắng không ngơi nghỉ trong việc phá hủy Ngô để phục hưng nước Việt của Câu Tiễn và các mưu sĩ.
Sự trỗi dậy của một chư hầu
Nước Ngô và Việt nằm ở vùng rìa phía Đông Nam rộng lớn thuộc nước Trung Quốc ngày nay. Nước Ngô cùng với Sở, Tần, Tấn, Yên, Tề là những chư hầu ở vùng biên giới Trung Hoa cổ đại với nền kinh tế mạnh và quân đội hùng hậu luôn đe dọa lẫn nhau và muốn nuốt chửng những nước ở khu vực trung tâm bao quanh nước Chu.
Nước Ngô tồn tại từ khi hình thành nhà Chu và dần nổi lên thành thế lực quân sự hùng mạnh dưới thời Hạp Lư. Ông từng có kinh nghiệm trong việc giao chiến với nước Sở, một kẻ thù truyền kiếp ở phía Tây, và có cơ hội thu nhận một cố vấn tài năng đang hừng hực lòng thù hận với Sở là Ngũ Tử Tư, người đã mất cả cha lẫn anh trai và chạy trốn sự truy sát của vua Sở Bình Vương. Bằng hành động ám sát người em họ đang làm Ngô vương với sự đồng lõa của Ngũ Tử Tư, Hạp Lư đã giành được vương vị mà ông cho rằng vốn thuộc về mình. Tuy nhiên, hành động cướp ngôi của ông đã nhen nhóm sự bất bình và âm mưu tạo phản từ người trong hoàng thất, đỉnh điểm là hành động đầu hàng và nhờ cậy nước Sở của hai công tử Ngô là Chúc Dung và Cái Dư đã khiến Hạp Lư nhận ra sự đe dọa ngày càng lớn với quyền lực tối thượng.
Thực tế, những vùng an toàn của nước Ngô rất mong manh khi bị bao quanh bởi các đối thủ nặng ký như Sở ở phía Tây, Việt ở phía Nam, chỉ có vùng đệm là nước Lỗ ở phía Bắc vốn hay bị nước Tề uy hiếp. Vì vậy, Hạp Lư có ý định chiếm lĩnh những vùng ngay sát đất đai của mình là Sở và Việt nhằm làm giảm thiểu những mối nguy trực tiếp. Để đạt được mục đích, ông tập trung ngân sách vào việc cải tổ quân đội với hỗ trợ đắc lực của một chuyên gia quân sự mà sau này được biết đến như là tác giả của cuốn Binh pháp nổi tiếng: Tôn Vũ. Ngoài ra, Hạp Lư cũng bổ nhiệm những người tị nạn từ nước Sở vào các vị trí cố vấn cao cấp, điển hình là Bá Phỉ, một người cũng có mối huyết hải thâm thù tương tự như Ngũ Tử Tư. Bộ ba cận thần Tôn Vũ, Ngũ Tử Tư, Bá Phỉ đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nước Ngô và uy thế của nó trong mối quan hệ với các chư hầu khác trong tương lai.
Suốt 5 năm đầu tiên trên ngôi báu, Hạp Lư đã thực hiện thành công hai chiến dịch Tây tiến đánh nước Sở và chiếm đóng một số vùng đất, đồng thời bắt được hai công tử trước đây đã đầu hàng người Sở và chấm dứt sự đe dọa đến hoàng quyền. Tham vọng của Hạp Lư không dừng lại ở đó khi 4 năm kế tiếp, ông lên kế hoạch liên minh với hai nước láng giềng của Sở và tấn công Dĩnh Đô, buộc Sở Chiêu Vương phải chạy trốn.
Trong thời gian chủ lực của quân Ngô đang đóng ở Dĩnh Đô, vua Doãn Thường nước Việt chớp lấy cơ hội tấn công nước Ngô. Những cuộc tiến công bất ngờ của quân Việt buộc Hạp Lư chú ý nhiều hơn đến nước này bằng cách mở thêm một chiến dịch, giành chiến thắng trước quân Việt và dần dần mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Sau đó, ông dành ra chín năm chuẩn bị và quyết định tấn công dứt điểm nước Việt vào đúng lúc tang lễ của vua quá cố Doãn Thường đang diễn ra. Tang lễ nhà vua là thời điểm nhạy cảm đối với một nước vì khoảng trống quyền lực đầy rối ren dễ khởi nguồn cho các mầm mống chia rẽ và sự can thiệp của ngoại bang, buộc các vị tân vương phải giành được sự ủng hộ của các đại thần và ổn định tình hình. Không may cho Hạp Lư, trận chiến ở Tuy Lý đã chấm dứt vĩnh viễn sự nghiệp của ông, nhường lại cho con trai ông là Cơ Phù Sai nhiệm vụ phải trả thù và khuất phục kẻ thù không đội trời chung là Câu Tiễn, con trai của Doãn Thường.
Bước ngoặt "lên voi, xuống chó"
Câu Tiễn là một chiến binh gan dạ, thậm chí liều lĩnh và thường hành động theo ý mình. Sau chiến thắng ở Tuy Lý và giết được vua Hạp Lư, Câu Tiễn đã đánh giá thấp năng lực của quân đội Ngô và ra một quyết định sai lầm là “tiên phát chế nhân”, tấn công trước khi vua Ngô kịp chuẩn bị lực lượng. Một đại phu là Phạm Lãi không đồng ý với cách đối đầu trực tiếp bằng vũ lực với quân Ngô, vốn được huấn luyện bài bản bởi tướng quân Tôn Vũ. Tuy nhiên, chưa kịp lắng nghe đề xuất khác, Câu Tiễn đã phớt lờ lời ngăn cản của Phạm Lãi và kiên quyết tấn công phủ đầu Phù Sai.
Quyết định đầy rủi ro của Câu Tiễn đã đặt ông vào tình thế hiểm nghèo vì đánh giá đối thủ một cách thiếu thận trọng. Phù Sai không chỉ là một thái tử quanh quẩn trong kinh thành Cô Tô mà còn là một viên tướng có thực lực, chứng minh bằng chiến thắng do ông lãnh đạo buộc Sở vương phải dời đô vì e ngại sức tiến công mãnh liệt của quân Ngô. Khác với cha mình, Phù Sai thừa hưởng những thành quả bởi chiến thắng trước đây với Sở và Việt, tin rằng hai đối thủ này không còn đủ mạnh để uy hiếp nước Ngô, trái lại đặt mục tiêu Bắc tiến để tranh giành sự ảnh hưởng chính trị với hai cường quốc là Tề và Tấn. Một giả thuyết nữa nên được cân nhắc để giải thích quyết định Bắc tiến của tân vương nằm ở việc khẳng định tính chính danh của nước Ngô trước các chư hầu khác. Có lẽ Phù Sai còn mang mặc cảm xuất thân từ một nước bị xem man di với tục xăm mình, tách biệt với những những nền văn hóa ở vùng trung tâm hoặc phía Bắc như Lỗ, Tề hoặc Tấn. Vì vậy, ông ao ước chứng minh rằng dòng dõi của hoàng tộc nước Ngô là gần với văn minh của nhà Chu nhất, xứng đáng là một chư hầu lớn sánh ngang với Tề và Tấn. Một ví dụ điển hình là khi nước Ngô gây áp lực ép vua Lỗ cung ứng hàng trăm con vật tế (Cỗ Bách Lao). Tử Cống, học trò của Khổng Tử, biết rõ mặc cảm của Phù Sai nên đã dùng lý thuyết về lễ để bác bỏ yêu sách cung ứng Cỗ Bách Lao. Phù Sai biện hộ: “ Ta xăm mình, không thể dung lễ mà căn vặn được”. Một ví dụ khác là khi đang trong buổi hội tranh chức minh chủ với nước Tấn, Phù Sai khẳng định vị thế: “Trong nhà Chu, ta là trưởng”. Vì những mặc cảm đó, sau khi phản công tiêu diệt quân Việt ở Phù Tiêu và bao vây Câu Tiễn ở Cối Kê, Phù Sai càng tin rằng nước Việt đang trên đà suy thoái nên quyết chí hòa hoãn với Việt ở phía Nam và tấn công những chư hầu phương Bắc.
Bị quân Ngô của Phù Sai vây chặt ở núi Cối Kê, Câu Tiễn tỏ ra hối hận vì đã không nghe lời khuyên của Phạm Lãi. Trong lúc đường cùng, ông hoàn toàn giao phó trọng trách vào đại phu này và chấp nhận thực hiện đàm phán, sai một đại phu khác là Văn Chủng quỳ gối để xin giảng hòa. Cần nhớ rằng, trong chiến dịch phạt Việt, Phù Sai còn mang theo hai đại thần tiền nhiệm có uy tín của vua cha là Ngũ Tử Tư và Bá Phỉ. Tuy vậy, Phù Sai lại trọng dụng Bá Phỉ hơn khi phong ông làm Thái Tể (Tể tướng) và giao cho việc huấn luyện binh sĩ. Những bất đồng trong việc điều hành lãnh địa và chính sách ngoại giao giữa Bá Phỉ và Ngũ Tử Tư cũng dần dần xuất hiện. Ngũ Tử Tư không đồng ý với lời cầu hòa của Văn Chủng, trái lại thuyết phục Phù Sai tiêu diệt nước Việt để tránh những mối nguy của việc bị đánh trả. Lý do của Ngũ Tử Tư không phải không có lý khi dười thời Hạp Lư, ông đã chứng kiến sự quấy nhiễu biên giới ít nhất hai lần của nước Việt dù họ phải hứng chịu những thất bại sau đó trên chiến trường. Luận điểm của họ Ngũ suýt nữa thuyết phục được Phù Sai và khiến cho Câu Tiễn muốn tìm đến cái chết bằng cách tử chiến và tiêu hủy toàn bộ tài sản lẫn nhân mạng. May mắn thay, đại phu Văn Chủng nhận ra sự bất đồng giữa Bá Phỉ và Ngũ Tử Tư, đã nhanh chóng lợi dụng điều này và bí mật đem của cải đến để nhờ Bá Phỉ thuyết phục Ngô vương hoặc chấp nhận đề nghị hòa bình, hoặc chiếm lấy một nước Việt đồng không mông quạnh. Trước sự ngoan cố của đối thủ, Phù Sai đã quyết định tha chết cho Câu Tiễn và giữ nước Việt, để lại một sự lãnh đạo yếu ớt nhưng đủ duy trì trật tự ở vùng đất vốn liên tục chống đối này. Nhằm kiểm soát động thái và đảm bảo sự phục tùng tuyệt đối của người Việt, Phù Sai yêu cầu Câu Tiễn phải gửi con tin sang nước Ngô, đặt Câu Tiễn vào một thử thách lớn lao để cứu vãn tình hình nguy cấp của nước mình.
Sử ký của Tư Mã Thiên không nói rõ liệu Câu Tiễn có phải tự mình sang làm con tin bên nước Ngô hay không, nhưng chúng ta biết được rằng ông đã sai thuộc hạ thân tín và tài giỏi nhất của mình là Phạm Lãi (không thấy nhắc đến việc mang theo Tây Thi sang Ngô và ở đó trong vòng hai năm. Việc chọn Phạm Lãi sang làm con tin ở Ngô có thể chứa hàm ý khác mang tính chất do thám tình hình quân sự và phòng thủ của Ngô. Sau khi đầu hàng Ngô, Câu Tiễn có ý định bổ nhiệm Phạm Lãi làm công việc điều hành chính sự, nhưng vị đại phu này từ chối và tiến cử một đại phu khác tài năng không kém là Văn Chủng. Ông nói:
“Việc binh giáp, Chủng không bằng Lãi; vỗ về đất nước, khiến trăm họ thân thiết theo về, Lãi không bằng Chủng.”
Theo các tài liệu dã sử, Câu Tiễn đã chấp nhận sống như một nô bộc bên nước Ngô, làm nhiều việc để Phù Sai tin rằng ông đã chịu quy phục và trung thành nhằm che giấu dã tâm trả thù, ví dụ như nếm phân của Phù Sai để đoán bệnh hoặc dắt ngựa cho vị vua này.
Bắc tiến của Ngô, mưu đồ của Việt
Bốn năm sau khi bình định được nước Việt, Phù Sai chuẩn bị quân đội để theo đuổi kế hoạch Bắc Tiến. Thay vì giữ đường lối giao hảo với các nước khác và cân nhắc thận trọng trong việc phát động chiến tranh, một chiến lược được Tôn Vũ đề xuất cho vua Ngô Hạp Lư, Phù Sai đã làm ngược lại và liên tục gây chiến với nước Tề để giành lấy ảnh hưởng lên nước Lỗ như một vùng đệm giữa Tề và Ngô. Nước Tề đóng đô ở Lâm Truy, một ấp phong giàu có và hùng mạnh. Tuy trải qua những biến động chính trị trong hoàng thất nhưng sự ổn định của nó nhanh chóng được vãn hồi bởi tài năng của Tướng quốc Yến Anh. Sau khi Yến tướng quốc qua đời, tình hình chính trị của Tề lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, tạo kẽ hở để Phù Sai thực hiện cuộc tấn công lớn. Ông tin rằng chỉ cần thu phục nước Tề thì Ngô sẽ gần như chiếm toàn bộ phía Đông và mở đường tranh hùng với Tấn.
Phớt lờ lời khuyên của Ngũ Tử Tư trong việc đề phòng nước Việt phía Nam, Phù Sai thực hiện liên tiếp ba chiến dịch tiến lên phía Bắc và mở các cuộc giao tranh đẫm máu với quân Tề. Những chiến thắng giòn giã ở Ngải Lăng đã đưa nước Ngô trở thành một thế lực quân sự lớn trong khu vực phía Đông. Tuy chiến thắng này củng cố niềm tin Bắc tiến sẽ giúp Ngô có được sức ảnh hưởng chính trị phía trên sông Dương Tử, sự bất đồng và thách thức của Ngũ Tử Tư về hiệu quả của chiến lược này khiến Phù Sai bực dọc nhưng vẫn chưa muốn loại bỏ vị trọng thần chỉ vì khác ý kiến với mình. Tuy vậy, sự chia rẽ bên trong nội bộ cấp cao ở nước Ngô đã dần bị khoét sâu và đứng trên vực thẳm.
Trong khi Ngô vương bận rộn với những trận chiến thì Câu Tiễn âm thầm khôi phục lại tiềm lực đất nước. Ông tập trung vào việc gây dựng uy tín cá nhân với dân chúng, thực hiện những việc các vị vua không thường làm như tự cày ruộng, mặc trang phục đơn giản, tiết kiệm thực phẩm và cùng chăm lo những việc thường nhật của người dân. Thậm chí những lời truyền khẩu còn kể lại rằng Câu Tiễn đã đặt mật đắng ở chỗ nằm trên một đống gai và luôn nếm mật để tự nhắc nhở về việc giành lại đất nước, sau này được tóm tắt trong thành ngữ “Nằm gai nếm mật”. Câu Tiễn cũng gấp rút soạn thảo một kế hoạch lớn với các quần thần, mà theo tài liệu hư cấu là Đông Chu Liệt Quốc, những chiến lược lớn được chia thành bảy kế diệt Ngô. Theo tác giả Paul A. Cohen, Câu Tiễn có đến chiến chiến lược đa dạng. Tuy vậy, các chiến lược đều tập trung vào các điểm chính sau đây:
Đối nội: Cải cách chính trị để gây dựng uy tín và có được sự trung thành của dân chúng; Tích trữ lương thực và xây dựng kinh tế; Huấn luyện quân đội và rèn vũ khí.
Đối ngoại: Ly gián nội bộ và lũng đoạn chính trị của nước Ngô; Mua chuộc các đại phu cấp cao của Ngô; Bòn rút nguồn lực tài chính của Ngô; Phá hoại hệ thống kinh tế của Ngô; Liên minh với các nước đối địch với Ngô để tạo thế trận bao vây.
Khi Câu Tiễn có ý định chuẩn bị nổi dậy, một mưu sĩ khác của ông là Phùng Đồng đã khuyên can không nên quá nóng vội huấn luyện quân đội và sẽ khiến Phù Sai nghi ngờ. Ngược lại, Phùng Đồng tin rằng những chiến dịch quân sự của Ngô vương khiến cho nước Ngô càng có thêm nhiều kẻ thù, và nước Việt có thể lợi dụng điều này để liên minh với kẻ thù của Ngô là Sở, Tấn, Tề chờ đợi thời cơ tấn công nước Ngô. Có thể thấy rằng chiến lược kết minh của đại phu Phùng Đồng rất khôn ngoan trong thời điểm đó và nhận được sự đồng tình của Câu Tiễn. Thực tế, vai trò của Văn Chủng và Phạm Lãi với các quyết định của Việt Vương Câu Tiễn thường được các sử gia Trung Hoa chú trọng nhiều mà quên mất vị trí của Phùng Đồng. Ngoài vai trò là người hiến kế cho Câu Tiễn trong chính sách đối ngoại, Phùng Đồng còn đảm nhận việc thực hiện chiến thuật ly gián và chia rẽ nội bộ nước Ngô.
Việc Phù Sai mải mê theo đuổi những cuộc phiêu lưu quân sự bên ngoài đã bỏ mặc sự kiểm soát chính sự cho thái tể Bá Phỉ, một kẻ giảo hoạt và đam mê tiền bạc. Những giao dịch hoặc hối lộ thường diễn ra ở các cấp bậc cao cho thấy nước Ngô đang chịu sự chi phối tệ hại của vấn nạn tham nhũng, và các đại phu nước Việt không ngần ngại tiếp tay cho điều đó như một phần trong chiến lược phá hoại đối thủ. Có thể thấy rằng một số quan viên trong triều đình nước Việt như Văn Chủng và Phùng Đồng từng có liên hệ với tể tướng Bá Phỉ của Ngô và mối quan hệ này còn chặt chẽ hơn sau khi hai nước đình chiến. Cả hai đại phu này đều tác động lên Bá Phỉ trong việc loại trừ đối thủ chính trị chung là Ngũ Tử Tư bằng những giao dịch vàng bạc hoặc lợi ích đi kèm, vô hình chung tạo thành một liên minh không chính thức ngay trong triều đình nước Ngô.
Ngũ Tử Tư (hay Ngũ Viên) vốn ủng hộ chiến lược Nam hạ để loại trừ hoàn toàn nước Việt, nghiễm nhiên trở thành đối thủ chung cần phải loại bỏ của Văn Chủng, Phùng Đồng và Bá Phỉ, người thường ủng hộ các cuộc Bắc phạt của Phù Sai. Bộ ba này liên tiếp sử dụng các chiến thuật khác nhau để hạ uy tín của Ngũ Tử Tư như lời gièm pha, bôi nhọ, bài xích. Để thực hiện chiến lược phá hủy nền kinh tế nước Ngô và xác định xem mức độ chia rẽ giữa đại thần và Ngô vương, Văn Chủng quyết định làm một phép thử như một mũi tên trúng hai đích: ngỏ lời vay thóc của Ngô. Thóc là thực phẩm quan trọng ở vùng đồng bằng phía Đông nhà Chu và Ngũ Tử Tư đã nhận ra âm mưu của người Việt trong việc ngấm ngầm phá hoại kinh tế, ông ngăn cản và cảnh báo nhà vua rằng:
“Đại vương không nghe lời can, ba năm sau nước Ngô sẽ thành gò hoang thôi!”.
Những bất đồng liên tiếp kéo dài khiến Phù Sai ngày càng chán ghét và lòng đầy nghi ngờ họ Ngũ. Tuy nhiên, những nỗ lực nhắc nhở của Ngũ Tử Tư khiến cho Phù Sai cũng bắt đầu cảnh giác với tiềm lực phía Nam đang dần trỗi dậy. Thực tế, Phù Sai vẫn nắm rõ những hiện trạng đang diễn ra tại Việt và tiếp tục có ý định thôn tính toàn bộ nước này. May mắn thay, một nhân tố khác ngoài sự kiểm soát đã thay đổi suy nghĩ của Phù Sai là Tử Cống. Tử Cống là người Vệ, học trò giỏi của Khổng Tử và chứng tỏ năng lực đàm phán xuất sắc trong một lần giúp nước Lỗ thoát khỏi yêu sách của Ngô vương. Khi nước Tề dự định tấn công nước Lỗ, ông đã xin thầy mình đi giải nguy cho Khúc Phụ (kinh đô của Lỗ) bằng cách sử dụng liên hoàn kế đầy công phu. Đầu tiên, ông thuyết phục Điền Thường, một quyền thần của Tề, làm chuyện ngược đời là chuyển hướng sang đánh nước Ngô mạnh thay vì tiêu diệt nước Lỗ yếu hơn để loại trừ bớt đối thủ trong nước thông qua chiến tranh, từ đó dễ dàng kiểm soát triều chính. Sau đó, ông khuyên Ngô vương từ bỏ ý định diệt Việt mà theo ông không phải là hành động dũng cảm. Ông đã đánh trúng tâm lý Phù Sai với tham vọng nhanh chóng trở thành bá chủ ở phía Đông bằng cách đánh Tề để kiềm chế sức mạnh của Tề và thị uy với các chư hầu. Nhằm hóa giải lo lắng của Phù Sai về sự trung thành của nước Việt, ông tình nguyện sang Việt để yêu cầu Câu Tiễn mang quân sang giúp quân Ngô Bắc phạt. Ý kiến của Tử Cống như một sự đồng thuận lớn tác động mạnh lên Phù Sai và vị vua này đã quyết định đánh Tề. Khi nghe tin Ngô vương gấp rút chuẩn bị quân đội, Ngũ Tử Tư đã lập tức can ngăn vì ông cho rằng những năm tháng chiến tranh đã khiến cho người Ngô mệt mỏi, trong khi đối thủ thực sự của họ vẫn còn tồn tại và đầy ắp toan tính ở các vùng núi phía Nam. Ông nài nỉ:
“Xét lẽ, nước Việt là bệnh trong tim phổi, nay tin theo những lời giả dối của họ, tham đánh Tề. Phá được Tề cũng như có mảnh ruộng đầy đá, dùng được vào việc gì. Vả thiên Bàn Canh chi cáo viết: ‘Có kẻ ngả nghiêng không cung kính, phải trừ diệt đi, không để mầm mống, không cho mọc giống lạ ở ấp này.’ Đó là lý do khiến nhà Thương hưng thịnh. Xin bệ hạ bỏ việc đánh Tề mà đánh Việt trước, bằng không, sau hối cũng khôn kịp.”
Chính tình thế này mà Văn Chủng và Phùng Đồng quyết định sử dụng lá bài cuối cùng để diệt trừ hoàn toàn thành phần chủ trương Nam hạ là Ngũ Tử Tư. Phùng Đồng cùng Bá Phỉ gièm pha và thậm chí là cài cắm trong suy nghĩ của Phù Sai rằng họ Ngũ có ý định muốn tạo phản khi làm tay sai cho kẻ thù. Để thử lòng, Phù Sai yêu cầu Ngũ Tử Tư đi sứ nước Tề để đánh giá thái độ của Tử Tư với nước đối địch. Do không còn tin tưởng vào sự tồn tại của nước Ngô, Ngũ Tử Tư đã nhờ Bào Mục chăm sóc đứa con của mình, mà họ Bào là một trong năm thế tộc ở Tề. Hành động này như giọt nước tràn ly khiến Phù Sai từ nghi ngờ biến thành phẫn nộ vì cho rằng Ngũ Tử Tư câu kết với quân Tề nên đã không muốn Ngô đánh Tề mà ngược lại đánh Việt. Không kiềm chế được sự nóng giận, Phù Sai buộc ông phải tự sát. Cái chết của Ngũ Tử Tư đã khiến cho những tiếng nói đối lập về chiến lược Bắc Tiến bị dập tắt và Phù Sai có thể dốc toàn lực thực hiện tham vọng của mình. Ở thời điểm này, Phù Sai đã phần nào đạt được mục tiêu ban đầu khi bành trướng thế lực lên phía Bắc và khiến các chư hầu lớn phải công nhận. Mặc dù thế, tham vọng của ông đã không có điểm dừng và bước qua một giới hạn khiến cho cả ông và thái tể Bá Phỉ phải trả giá bằng cả mạng sống.
Bốn năm sau, Phù Sai quyết tâm mở một chiến dịch lớn dự kiến huy động nhân lực khổng lồ của nước Ngô để tiến lên phía Bắc phạt Tề, nhưng kết quả không thành công. Có thể, thất bại trong chiến dịch quân sự này là khởi điểm cho sự rối loạn nội bộ và minh chứng cho sự thiếu hiệu qủa của chiến lược Bắc tiến. Tận dụng cơ hội này, Câu Tiễn muốn đem quân chinh phạt nước Ngô. Phạm Lãi cho rằng vẫn chưa phải thời cơ chín muồi để tấn công vì với nhiều năm quan sát, Phạm Lãi vẫn đánh giá cao năng lực và quy cách tổ chức quân đội nước Ngô, một di sản của Tôn Vũ, và vì vậy luôn lựa chọn tránh đối đầu trực tiếp với lực lượng chính quy tinh nhuệ. Hai năm sau, Phù Sai đem tinh binh hội chư hầu ở Hoàng Trì để tranh giành vai trò bá chủ với nước Tấn, để lại thành Cô Tô những binh sĩ già yếu và thái tử Hữu. Nhân cơ hội ngàn vàng này, Câu Tiễn bàn với Phạm Lãi cất đại quân sang chiếm giữ kinh thành Ngô, giết chết thái tử Hữu. Hành động giết thái tử như một lời tuyên chiến rõ ràng và dứt khoát muốn tiêu diệt sự tồn tại chư hầu này. Cuộc tấn công bất ngờ khiến Phù Sai không kịp trở tay và vội vàng rút lui về. Sau những cuộc chinh chiến không hồi kết diễn ra nhiều năm đã vắt kiệt nước Ngô về kinh tế và quân sự. Sự kiện thất bại ở Cô Tô đã đặt Ngô vào đường cùng khi cả ba mặt trên đất liền đều có quân địch, buộc Ngô phải ở trong trạng thái cố thủ và mất liên lạc lẫn giao thương với bên ngoài.
Nhận thấy lợi thế đang chuyển sang hướng có lợi, Câu Tiễn nhân cơ hội vây hãm Phù Sai trên núi Cô Tô. Phù Sai muốn Câu Tiễn nể tình mà giải vây, sai tướng Công Tôn Hùng cởi trần đến trại quân Việt để nghị hòa. Câu Tiễn định đồng ý nhưng Phạm Lãi kiên quyết phải tiêu diệt nước Ngô, tránh lặp lại sai lầm của Ngô Vương trước đây đã tha chết cho Việt vương ở Cối Kê.
Theo Bùi Chí Thiện/Tri Thức