VICE từng đề cập rằng “những cá nhân mang tính giải trí nhất trên mạng xã hội là những người đã trưởng thành”.
Điều đó giải thích tại sao ngày càng nhiều các ông bố, bà mẹ trở thành nhà sáng tạo nội dung trong thời đại số.
Vậy với việc các bậc phụ huynh lần lượt trở thành nhân vật VIP của Internet, con cái họ cảm thấy như thế nào?
Liệu những bạn trẻ có tranh thủ sự nổi tiếng của bố mẹ mình, hay tìm cách né tránh khi thấy video giải trí của phụ huynh trên mạng xã hội?
|
Mạng xã hội không còn là sân chơi của mỗi giới trẻ. Ảnh: iStock.
|
Xấu hổ, ngại ngùng xen lẫn tự hào
Hannah (27 tuổi), sống ở thủ đô London (Anh), thừa nhận cảm thấy xấu hổ khi nhìn mẹ qua lăng kính của người khác. Tuy nhiên, cô vẫn vui khi thấy mẹ tìm được một sở thích khiến bà ấy hạnh phúc.
Chia sẻ với VICE, cô cho biết: “Mẹ tôi có khoảng 30.000 người theo dõi. Bà ấy đăng video hàng ngày xoay quanh tình yêu của bà với rượu vodka và Diet Coke. Mẹ tôi trở thành nhà sáng tạo nội dung từ hơn một năm trước và thực sự gắn bó, cam kết với công việc này. Bà thậm chí còn có một cái đèn vòng (ring light) và luôn nghĩ đến nội dung dự định làm”.
“Năm nay mẹ tôi đã 45 tuổi. Tôi nghĩ lý do lớn nhất khiến bà ấy gia nhập đội ngũ nhà sáng tạo nội dung là bởi mẹ tôi chưa bao giờ thực sự có cơ hội khám phá bản sắc và niềm đam mê của riêng mình. Khi mới tuổi đôi mươi, bà ấy đã lấy chồng sinh con”, Hannah nói thêm.
Sinead (26 tuổi), đến từ hạt Hampshire (Anh), lại cảm thấy ghen tị với mẹ mình khi bà ngày càng có nhiều người theo dõi.
“Tôi xây dựng một blog về thời trang trước cả khi mẹ tôi gia nhập mạng xã hội. Đã có lúc tôi ghen tị khi thấy trang cá nhân của mẹ nhiều tương tác và lượt theo dõi hơn của mình. Tuy nhiên, khi trưởng thành hơn, tôi tự hào về mẹ. Thật tuyệt khi chứng kiến mẹ tỏa sáng theo cách của riêng mình”, cô chia sẻ với VICE.
|
Suzette, mẹ của Sinead, là một phụ nữ sáng tạo và đam mê thời trang. Bà từng là người mẫu. Ảnh: @suzettestylejourneys.
|
Sinead cho biết mẹ cô là một người rất sáng tạo. Bà luôn nảy ra ý tưởng cho nội dung mới mỗi khi tỉnh giấc. Ngoài ra, mẹ Sinead thích viết những dòng chú thích có ý nghĩa và truyền cảm hứng.
Vào cuối tuần, bố mẹ Sinead sẽ đến một địa điểm bất kỳ, miễn là yên tĩnh, chẳng hạn khu phức hợp thương mại. Sau đó, họ sẽ chụp và quay loạt nội dung cho tuần tới. Mẹ Sinead thay các trang phục trong ôtô.
“Trước giờ mẹ tôi vẫn luôn sáng tạo. Bà vốn là một trong những người mẫu đầu tiên sải bước trên sàn diễn của Yves Saint Laurent tại Ấn Độ. Đó cũng là show đầu tiên của một nhà thiết kế thời trang châu Âu tại châu Á”, Sinead cho biết.
Cố gắng gần gũi hơn với bố mẹ
Georgia (23 tuổi), đến từ hạt Devon (Anh), quyết định tải TikTok về điện thoại vào đợt phong tỏa Covid-19 năm ngoái.
Cô đăng tải vài video về cảnh bố đi dạo phố với cặp kính bảo hộ hoặc ngân nga một bài hát ngớ ngẩn. Bất ngờ thay, ngày càng nhiều người quan tâm đến hai bố con.
Mỗi video tăng từ 30.000 lên tới hàng triệu lượt xem, thậm chí có cái cán mốc 26 triệu người. Họ cũng dành những bình luận ngọt ngào nhất dành cho bố của Georgia.
|
Bà Inna Kanevsky không muốn những thông tin sai lệch về tâm lý học được phát tán trên mạng xã hội. Ảnh: Inna Kanevsky.
|
“Đột nhiên, bố ruột của tôi trở thành ông bố chung của mọi người. Tôi cũng hơi xấu hổ chút nhưng bạn bè tôi ai cũng nghĩ rằng các video thực sự vui nhộn”, cô thở dài.
Thay vì xấu hổ, ngại ngùng, Rachel (20 tuổi), sống ở bang California (Mỹ), lại cảm thấy gắn bó với mẹ hơn kể từ khi hai mẹ con cùng gia nhập đội ngũ sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Mẹ của Rachel chính là bà Inna Kanevsky, giáo sư tâm lý học tại ĐH San Diego Mesa.
“Ban đầu, mẹ tôi chỉ làm video phục vụ cho các tiết dạy môn Tâm lý học của bà ấy. Thế nhưng, mẹ tôi nhanh chóng rơi vào một ‘vòng lặp’. Bà luôn đăng clip phản biện những tài khoản phát tán thông tin sai lệch về tâm lý học, để rồi lại phát hiện thêm nhiều người làm nội dung mà chẳng hiểu gì về chuyên môn”, Rachel nói.
Theo chia sẻ của Rachel, bà Inna dành 4 tiếng mỗi ngày để sáng tạo nội dung. Dù cô và mẹ có những phương thức khác nhau trong vấn đề xây dựng kịch bản, hai người vẫn thường xuyên trao đổi thẳng thắn, đồng thời chia sẻ âm thanh và ý tưởng cho nhau.
“Mẹ không tìm đến tôi để nhờ giúp đỡ sử dụng đồ công nghệ, mà muốn được an ủi, hỗ trợ về mặt tinh thần khi gặp những người xấu tính, bình luận tiêu cực một cách vô lý trên mạng xã hội”, cô gái 20 tuổi chia sẻ.
Cũng nhờ cùng nhau giải quyết những vụ lùm xùm, cãi vã trên Internet, Rachel và mẹ trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn.
“Mẹ tôi quyên góp toàn bộ số tiền kiếm được từ mạng xã hội vào quỹ khuyến học tại trường, nhằm hỗ trợ các sinh viên khó khăn chi trả học phí. Bà không nhận quảng cáo hay tài trợ của nhãn hàng nào, chẳng bù cho tôi”, cô gái chia sẻ.
Theo Zingnews