Trước triều đại nhà Thanh, con gái của các hoàng đế Trung Hoa đều được gọi là "công chúa". Nhưng khi tới triều Thanh, họ có thêm một cách gọi khác là "cách cách". Tại sao lại có sự khác biệt này?
Mặc dù triều Thanh do người Mãn Châu cai trị nhưng họ vẫn tiếp tục nhiều truyền thống của người Hán để quản lý và thống nhất đất nước. Việc không áp đặt lên người Hán đã giúp nhà Thanh tồn tại hơn 100 năm.
Trong các bộ phim truyền hình làm về hoàng tộc nhà Thanh, tất cả con gái của hoàng đế đều được gọi là "cách cách". Ảnh minh họa: Internet
Trong các bộ phim cung đấu làm về triều đại này, con gái hoàng đế được gọi là "Cách cách" và điều này đặc biệt thu hút sự chú ý. Các "cách cách" đều mang trên đầu một loại trang sức lớn (gọi là kỳ đầu), mặc chiếc áo dài, mang giày hoa bồn để, bước đi nhẹ nhàng và duyên dáng.
"Cách cách" trong tiếng Mãn nghĩa là "cô gái". Đây là cách người Mãn Châu và triều đại Thanh gọi phụ nữ, là cách gọi thống nhất cho con gái của gia đình hoàng tộc nhà Thanh. Cách gọi này xuất hiện từ khi nhà Thanh chưa nhập quan, tức là từ thời Hậu Kim, và chỉ chấm dứt vào đầu thời kỳ Dân Quốc. Trong thời Hậu Kim, con gái của các vương gia Bối Lạc đều được gọi là "cách cách", không có quy tắc cố định. Ví dụ, con gái cả của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực là "Đông Quả Cách Cách", con thứ được gọi là "Cáp Đạt Cách Cách".
Sau khi Thái Tông đế lên ngôi, vào năm Sùng Đức thứ nhất (1636), bắt đầu mô phỏng theo quy tắc của triều đại Minh, con gái hoàng đế được gọi là "công chúa". Cụ thể hơn, con gái do hoàng hậu sinh ra gọi là "công chúa Cố Luân", con gái của phi tần và con nuôi của hoàng hậu được gọi là "công chúa Hòa Thạc". Cần lưu ý rằng, trong những bộ phim cung đấu lấy bối cảnh thời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, việc gọi công chúa là "cách cách" là do biên kịch nhầm lẫn, không đúng với lịch sử. "Cách cách" khi ấy chỉ dành cho con gái các vương gia quý tộc.
Vào năm thứ 17 của triều đại Thuận Trị (1660), "cách cách" được chia thành 5 cấp độ cụ thể:
1. Con gái đích xuất của Thân vương được phong là Hòa Thạc cách cách, Thân vương cách cách.
2. Con gái đích xuất của Quận vương được phong là Đa La cách cách, Quận vương cách cách.
3. Con gái đích xuất của Bối lặc, con gái thứ xuất của Thân vương được phong là Đa La Cách cách, Bối lặc Cách cách.
4. Con gái của Bối tử, con gái thứ xuất của Quận vương gọi là Cố Sơn Cách cách, Bối tử Cách cách.
5. Con gái đích xuất của Quốc công, con gái thứ xuất của Bối lặc được gọi là Công cách cách.
Tất nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, "cách cách" đôi khi được sử dụng để tôn vinh những phụ nữ có địa vị cao quý khác; con gái của quý tộc không có danh hiệu chính thức cũng có thể được gọi là cách cách, thiếp thất cấp thấp của các hoàng tử nhà Thanh đôi khi cũng được gọi là "cách cách" (đứng dưới phúc tấn và trắc phúc tấn).
Theo Văn hóa và Phát triển