Hình tượng rắn trong các nền văn hóa
Với người Việt Nam, rắn được xem là loài vật đáng sợ. Trong dân gian, người ta thường lấy con vật này để ví von, ẩn dụ cho những điều xấu xa, ví dụ như "khẩu phật tâm xà" hay "khẩu xà tâm phật".
Tuy nhiên trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, rắn là con vật linh thiêng, được xem là biểu tượng của thánh thần.
Trong Phật giáo, có một vị thần được gọi là Naga, chính là thần rắn. Vị thần này có hình dạng là con rắn mang bành chúa, xuất phát từ đạo Hindu của Ấn Độ, về sau được lan rộng trong Phật thoại và nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở nhiều quốc gia châu Á. Điển hình là ở Campuchia, quốc gia hàng xóm của Việt Nam có thờ vị thần này.
Thế nhưng nhắc đến rắn nổi tiếng nhất phải là Ai Cập. Từ thời cổ đại, người Ai Cập đã tôn trọng con vật này. Hình tượng rắn được tạc trong nhiều dụng cụ của các pharaon, tiêu biểu là vương miện đội đầu và trượng cầm tay.
Ở Hy Lạp, những cư dân sống gần sông đều thờ rắn. Với họ, con rắn là biểu tượng của trí tuệ và sự sinh sản.
Một số bộ tộc ở Úc còn tôn sùng rắn vì theo họ con vật này tượng trưng cho tính âm, có liên hệ với ngành nông nghiệp.
Trong đời sống tâm linh, nhiều người cũng quan điểm rằng đi đường vô tình gặp rắn là may mắn.
Từ cổ chí kim, văn học cũng có vô số giai thoại mà hình tượng con rắn xuất hiện nhiều. Loài vật này được xem là biểu tượng thần thoại lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới.
Hình tượng rắn trong y học
Trong biểu tượng của cả ngành y và dược đều xuất hiện hình ảnh con rắn. Biểu tượng của ngành y là con rắn quấn quanh 1 cây gậy, còn biểu tượng ngành dược là con rắn nhả nọc vào một cái ly. Cả 2 biểu tượng đã có từ rất lâu đời, và suốt một thời gian dài chúng gây tranh cãi trong giới học giả. Lý do vì sao người xưa lấy con rắn làm biểu tượng của y học mà không phải một con vật nào khác?
|
Rắn nhả nọc trên ly là biểu tượng của ngành dược. |
Theo một giai thoại Hy Lạp cổ, con trai thần Apollo là Esculape được xem là ông tổ của ngành y dược. Có một câu chuyện về ông liên quan tới rắn như sau. Vào một ngày, Esculape đang trên đường đi thăm một người bạn thì bất chợt bắt gặp một con rắn. Ông bèn đưa cây gậy ra và rất nhanh, con rắn quấn quanh thân gậy.
Tuy nhiên vị thần này đã đập chết con rắn. Ngay sau đó ông thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại cỏ để cứu sống con rắn kia. Sau khi chứng kiến sự việc, Esculape đã tìm kiếm loại thảo dược ấy để chữa bệnh cho con người.
Nhằm tôn vinh vị thần này, người ta tạc một bức tượng thần Esculape cầm chiếc gậy có con rắn quấn quanh nhằm tưởng nhớ ông.
Vợ của Esculape là Hygie đã nuôi rắn thần trong nhà để chữa bệnh. Về sau, bà trở thành nữ thần biểu tượng cho việc giữ gìn sức khỏe con người, do đó môn vệ sinh học được đặt tên là Hygène.
Một câu chuyện khác về nguồn gốc của biểu tượng y học liên quan đến vị thần Mecure của người La Mã. Chiếc gậy được chế từ cây thắng - loài cây tượng trưng cho sự vinh quang được người La Mã làm mũ đội cho các binh sĩ thắng trận trở về và con rắn (đôi khi là 2 con) ôm quanh hai bên. Đây là hình tượng thường thấy trong ngành y: hai con rắn thay vì 1 con quấn quanh 1 cái gậy.
Còn biểu tượng ngành dược là con rắn đang nhả nọc vào ly - ẩn dụ của thần dược cứu người đã được gia đình Esculape sử dụng trong việc chữa bệnh cho con người.
Dù khởi nguồn của biểu tượng y dược có gắn liền với câu chuyện nào đi nữa thì hình tượng con rắn vẫn được xem là biểu tượng liên quan mật thiết tới sức khỏe. Loài vật này tượng trưng cho sự khéo léo, khỏe mạnh và tái sinh, như rắn lột xác. Mỗi lần thay da, rắn lại có thêm một sự sống mới.
Theo Mộc/Vietnamnet