Đông Hán những năm cuối, Hán thất suy vi, quần hùng khởi binh tranh giành Trung Nguyên. Trong số các thế lực nổi dậy muốn giành quyền bá chủ, có một thế lực sở hữu 3 vị dũng tướng mà sau này, một người tận trung cho Tào Ngụy, một người dốc sức cho Thục Hán, họ đều là những võ tướng dũng mãnh khó ai bì kịp, thế lực này chính là Công Tôn Toản, 3 vị võ tướng từng dưới trướng ông chính là Nghiêm Cương, Triệu Vân và Điền Dự.
Nghiêm Cương
Võ nghệ của Nghiêm Cương trong đội quân của Công Tôn Toản không được xem là "sáng chói", nổi bật, bởi dẫu sao thì lúc này trong đại bản doanh của Công Tôn Toản cũng đã có "võ thần"Triệu Tử Long. Nhưng nếu luận về dẫn binh đánh trận, thu phục lòng người thì Nghiêm Cương lại hơn hẳn Triệu Vân và Điền Dự. Đây cũng là điểm lợi hại nhất của Nghiêm Cương.
Nghiêm Cương vô cùng biết cách thu phục lòng người, kỹ năng chỉ huy và thống soái cũng rất thuần thục. Mỗi một bộ hạ phía dưới đều hết mực tin tưởng và nể phục vị tướng quân họ Nghiêm, mỗi một phương hướng mà mũi đao của ông chỉ về, binh lính phía sau đều có thể tiến lên không ngừng, đánh bại quân địch không ngớt.
Triệu Vân
Uy thế và độ nổi tiếng của Triệu Tử Long, người con vùng Thường Sơn có lẽ không phải nói nhiều. Trận Bác Vọng, trận Trường Bản, trận bình định Giang Nam, trận tiến vào Tứ Xuyên, trận Hán Thủy, trận Cơ Cốc, từ trận lớn tới trận nhỏ, không trận nào thiếu bóng dáng Triệu Vân. Trong đó, ở trận Trường Bản, Triệu Vân đơn phương độc mã, một mình xông vào vòng vây quân Tào cứu A Đẩu, con trai Lưu Bị, đồng thời thuận tay đoạt lấy thanh kiếm của Tào Tháo đã trở nên quá nổi tiếng.
Ngoài ra, Triệu Vân còn từng phản bác lại Lưu Bị khi Lưu hoàng thúc quyết định phân cấp đất cho thủ hạ tướng lĩnh phía dưới. Vì chuyện này, ông đã viết ra "Bác Thành Đô ô xá viên điền phân tứ chư tướng nghị". Có thể thấy, Triệu Vân không chỉ võ nghệ hơn người mà còn có những hiểu biết về chính trị, là một Nho tướng vừa dũng cảm, can đảm vừa tri thức.
Điền Dự
Thực ra, trong 3 vị tướng dưới trướng Công Tôn Toản, Điền Dự mới là người mạnh nhất. Dù không giỏi thu phục lòng người như Nghiêm Cương, võ nghệ không cao cường bằng Triệu Vân, nhưng luận về mảng thức thời, Điền Dự có thể nói là nhỉnh hơn hẳn, chỉ có điều ông lại không được trọng dụng, vì vậy không nổi tiếng trong lịch sử.
Ban đầu, Điền Dự "làm việc" dưới trướng Lưu Bị, nhưng chỉ là một tiểu binh. Cũng chính điều này khiến ông "nóng mắt" với Triệu Vân, người được Lưu Bị vô cùng trọng dụng. Cuối cùng, vì cảm thấy bất công, Điền Dự tức giận chuyển sang làm thủ hạ cho Tào Tháo, làm qua các chức Lang Lăng lệnh, thái thú Dặc Dương....
Giúp Tào Tháo đoạt Hà Bắc, sau đó trấn thủ biên giới phía Bắc, giết Cốt Tiến, đánh bại tướng Kha Tỉ Năng, chém Chu Hạ.... Điền Dự đã lập được rất nhiều công lao hiển hách khi phục vụ dưới trướng Tào Tháo. Chỉ tiếc rằng, vì trước sau thay tới ba chủ tử nên đánh giá lịch sử của ông cũng theo đó mà có phần phiến diện, đây cũng là lý do vì sao ông không được nhiều người biết tới trong lịch sử.
Theo PV/Tổ Quố