Dưới thời Tam quốc, Tào Tháo là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất. Trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung miêu tả là Tào Tháo là một kẻ tiểu nhân, gian xảo và đặc biệt là thích ăn chơi hưởng lạc, khi cho xây đài Đồng Tước lộng lẫy, tuyển nhiều gái đẹp để vui thú. Tuy nhiên, theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Tào Tháo là người có tính cách hà tiện từ lúc sống cho tới lúc chết.
Sự keo kiệt của Tào Tháo được thể hiện rõ ràng thông qua các chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong phủ. Một số ghi chép cho thấy Tào Tháo đặt ra những quy định về việc chi tiêu tiết kiệm trong nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tuân theo.
Trong đó, Tào Tháo từng nói rằng, quần áo, chăn màn của ông đều đã dùng được hơn 10 năm. Hàng năm, ông đều cho người tháo chúng ra giặt lại, may vá chỗ sờn rách rồi dùng tiếp. Vì vậy, vợ con và người làm trong phủ không được tiêu xài hoang phí, sử dụng đồ tơ lụa, gấm vóc, trang sức đắt tiền...
Tương truyền, Tào Tháo từng nhìn thấy vợ của con trai Tào Thực ăn mặc quá lộng lẫy, xa hoa nên vô cùng tức giận. Do đó, ông đã ban cái chết cho người con dâu này.
Tính cách tiết kiệm đến mức hà tiện của Tào Tháo còn được thể hiện qua việc cưới gả con gái. Trong ngày trọng đại của con gái, ông chỉ cho người chuẩn bị rèm che trong phủ bằng loại vải thô có màu đen thay vì màu đỏ như nhiều gia đình.
Thêm nữa, Tào Tháo chuẩn bị của hồi môn cho con gái về nhà chồng vô cùng đơn giản. Ông chỉ cho con gái mang theo dưới 10 người hầu.
Thậm chí, trước khi chết, Tào Tháo truyền lệnh xuống dưới lo hậu sự của mình như sau: "Thiên hạ nay còn chưa định yên, việc chôn cất không nên theo phép xưa. Táng (chôn) xong phải bỏ áo tang. Vải liệm dùng để bọc thi hài dùng quần áo thường mặc. Các quân tướng đóng giữ đều không được rời khỏi doanh trại. Các quan lại vẫn phải làm nguyên chức phận. Liệm (vải bọc tử thi) thì dùng áo thường mặc. Không được chôn vàng ngọc châu báu theo".
Theo PV/Pháp luật và Bạn đọc