Tháng 4/1917 Mỹ tuyên bố tham chiến với Đức. Tuy nhiên họ cần mất một thời gian để di chuyển 4 triệu quân qua Đại Tây Dương, nơi có các tàu ngầm Đức, để hội quân với phe Liên minh. Tướng Erich Ludendorff của Đức ở mặt trận phía Tây biết rằng đó sẽ là sự chấm dứt cho nền cộng hòa Đức, vì thế ông mở một cuộc tiến công cuối cùng để giành thắng lợi trước khi quân Mỹ xuất hiện.
Các bên tham chiến: Người Pháp, Anh và Mỹ (Ferdinand Foch) với người Đức (Erich Ludendorff).
Ảnh hưởng đến: Khả năng hồi phục của Đức – nước Đức được điều hành bởi Ludendorff điên có thể chi phối châu Âu.
Hoàn cảnh
Trong ba năm khủng khiếp, những đội quân của vương quốc Anh, Pháp và Đức đã đấu tranh trên mặt trận phía Tây. Đức chiến đấu trên hai mặt trận, vì vậy quân Liên minh có quân số đông hơn, mặc dù họ không thống nhất về quyền chỉ huy. Quân Liên minh đã phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng vì đã chậm trễ đẩy lùi người Đức – dù họ không đẩy lùi được xa. Những người Đức vẫn chiếm giữ một phần của Pháp và hầu hết Bỉ. Bên kia Đại Tây Dương, Mỹ, nước đã quyết liệt chống lại Đức sau khi Đức xâm chiếm Bỉ (xem trận Marne, năm 1914), đang dần đứng về phe Liên minh do cuộc chiến tranh tàu ngầm không có giới hạn của Đức. Vào ngày 3 tháng 2 năm 1917, Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đức. Mỹ là một nước lớn – đông dân gần bằng Nga – và ngành công nghiệp còn phát triển mạnh hơn cả Đức. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác của Mỹ lớn hơn nhiều so với bất cứ quốc gia nào ở châu Âu. Có vẻ như chắc chắn Mỹ sẽ tham chiến bên phe Liên minh. Việc này khiến Anh và Pháp vui mừng, nhưng lại khiến Đức thất vọng.
Mặc dù là quốc gia lớn và có tiềm lực kinh tế, Hoa Kỳ không thể ngay lập tức gây ảnh hưởng ở châu Âu. Mỹ có lực lượng hải quân lớn và hùng mạnh nhưng lục quân thì nhỏ bé và thiếu những vũ khí hiện đại, ngoại trừ súng trường. Mỹ gần như không sản xuất những vũ khí chiến tranh hiện đại – súng tiểu liên, pháo, xe tăng và máy bay.
Trước ngày 3 tháng 4 khi tổng thống Woodrow Wilson của Mỹ yêu cầu Quốc hội tuyên chiến với Đức, cuộc nổi dậy vì thực phẩm đã bắt đầu ở Petrograd và Nga hoàng đã thoái vị (xem trận Petrograd, năm 1918). Vào tháng 10, Lenin đã đánh đổ chính quyền lâm thời Nga và mặt trận của Nga đã sụp đổ. Italy thất bại thảm hại ở Caporetto đã kéo binh lính Liên minh ra khỏi Pháp, trong khi Đức chuyển những binh lính của nó từ phía Đông sang phía Tây.
Erich Ludendorff -người đã nổi tiếng vì chiếm giữ những công sự của Bỉ, và Paul von Hindenburg – tham mưu trưởng ở Đông Phổ, đã thấy một cơ hội để loại Pháp và Anh ra khỏi vòng chiến đấu trước khi Mỹ có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến. Đối với Ludendorff tham vọng, nó giống như một món quà từ thiên đường.
Người đàn ông trên lưng ngựa
Ludendorff trông giống như chân dung biếm họa của một viên tướng Đức: một người lực lưỡng, mặc áo cổ cồn, người không bao giờ cười, người không có bạn bè, và không có khiếu hài hước, không quan tâm đến điều gì ngoài công việc. Ông ta khác với kiểu mẫu truyền thống của các nhà chính trị. Sự thông minh và tài năng đã giúp ông có một vị trí trong Bộ tổng tham mưu, nhưng việc ông vận động hành lang để tăng quân số cho quân đội đã khiến ông bị đẩy ra ngoài và đưa tới một trung đoàn không mấy quan trọng.
Trong đường lối của Ludendorff, ông là một triết gia chính trị. Sau chiến tranh, ông sẽ trở thành một người nhiệt liệt ủng hộ Adolf Hitler. Trong cuốn sách của Ludendorff viết về “cuộc chiến tranh chuyên chế”, ông đã tuyên bố rằng chiến tranh là sự bày tỏ cao nhất về “ý chí sống” của một đất nước, vì vậy hoạt động chính trị phải phục vụ cho nhu cầu của quân đội. Trong chiến tranh, đất nước nên đặt mọi thứ vào lực lượng quân đội. Trong hòa bình, một đất nước phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh tiếp theo. Ông thuyết giáo về nghĩa vụ của lòng yêu nước. Tất cả những người phụ nữ nên chấp nhận rằng nghề nghiệp cao nhất của họ là sinh ra những đứa trẻ – người sẽ “gánh vác trọng trách của cuộc chiến tranh chuyên chế”. Tất cả những người đàn ông nên hăng hái chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiếp theo. Bất cứ ai thể hiện, hoặc tán thành những quan điểm chỉ trích tổng tư lệnh đều phải bị giết một cách tàn nhẫn. Thậm chí so với Hitler thì những quan điểm như vậy cũng quá điên rồ. Ludendorff cho những người lính già nghỉ hưu ngay khi có thể.
Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bắt đầu, Ludendorff quay trở lại Bộ tổng tham mưu. Như một người đi thăm quan từ Bộ tổng tham mưu, ông ta nắm quyền chỉ huy một lữ đoàn có sĩ quan chỉ huy đã bị giết và chỉ huy nó xuyên qua vành đai những công sự xung quanh Liege và chiếm thành phố này. Ông đã trở thành một anh hùng trong chốc lát. Khi mối nguy hiểm đe dọa ở hướng Đông, ông được cử đến Đông Phổ kịp giờ để đương đầu với sự xâm lược của Nga. Tướng chỉ huy Đức, là Hindenburg – một quý tộc cổ lỗ, có được vị trí chỉ huy dựa vào sức mạnh với địa vị một quý tộc ở Đông Phổ. Ông ta đã khôn ngoan làm theo những gợi ý của Ludendorff.
Ludendorff lại khôn ngoan làm theo những gợi ý của Max Hoffmann. Dù cả Hindenburg và Ludendorff đã trở thành những anh hùng nổi tiếng nhờ trận Tannenberg nhưng Hoffmann thì không được biết đến. Hoffmann không phù hợp với hình ảnh anh hùng của quân đội Đức. Ông là một người cao, to béo, ghét tập thể dục và chỉ thích thức ăn. Ông được xem là người đánh kiếm tồi nhất trong quân đội và cũng là một người cưỡi ngựa kém, có lần ông đã ngã ngựa trong khi đang duyệt binh trước mặt hoàng đế. Trước chiến tranh, theo nhà sử học Barbara Tuchman: “Ông uống rượu và ăn xúc xích suốt đêm ở câu lạc bộ của những sĩ quan cho đến tận 7 giờ sáng, rồi ông đưa đại đội của mình ra ngoài duyệt binh và trở lại cho một bữa ăn nhẹ nhiều xúc xích hơn và uống thêm 2 lít rượu Moselle trước bữa sáng”. Trái với Ludendorff, ông là người hòa nhã, nhanh trí và không coi trọng ai. Quan trọng nhất, dù ông to béo nhưng trí óc ông không chậm chạp.
Vào cuối năm 1916, đơn vị của Hindenburg và Ludendorff đi khỏi mặt trận phía Đông để thay thế cho Erich von Falkenhayn – người sẽ về làm tổng tham mưu trưởng. Hoffmann vẫn ở lại làm tham mưu trưởng ở mặt trận phía Đông. Hindenburg, chưa bao giờ nổi bật về sự thông minh, ông đã 70 tuổi và ngày càng phụ thuộc vào Ludendorff. Thực tế, Ludendorff kiêu ngạo đã nhanh chóng biến mình thành nhà độc tài quân sự của Đức, thậm chí quyết định cả việc người nào được ở trong nội các của hoàng đế. Việc đầu tiên của Ludenburg –Hindendorff là xây dựng một tuyến phòng thủ lâu dài ngang qua Pháp và Bỉ. Nó được gọi là “Phòng tuyến Siegfried”, mặc dù người Anh gọi nó là “Phòng tuyến Hindenburg”. Tuy nhiên tuyến phòng thủ đó chỉ để dự phòng. Khi chiến tranh với Nga kết thúc, Ludendorff sẽ kết hợp một kế hoạch cho một “cuộc tiến công hòa bình” ở hướng Tây. Nó sẽ phụ thuộc vào những chiến lược mới – chiến lược mà quân đội Đức đã phát triển trên từ ba năm trước.
Những người lính xung kích
Vào năm 1914, những chiến lược của quân đội Đức là bảo thủ nhất so với quân đội của các cường quốc khác trên thế giới. Mặc dù trong cuộc nội chiến Mỹ và hai cuộc chiến tranh Anglo – Boer, súng nạp ở khóa nòng và súng tiểu liên đã gây ra sự tàn sát nhưng bộ binh Đức vẫn tiến hành tiến công theo đội hình hàng dọc trong những trung đội. Sĩ quan chỉ huy đại đội đi phía trước đại đội của mình và các trung đội xếp hàng gần như sát nhau đi theo sau, người này đi sau người kia. Những sĩ quan chỉ huy trung đội đi ở bên phải của mỗi hàng và những hạ sĩ quan đi đằng sau trung đội của họ để ngăn những người lính binh nhì bị lùi lại đằng sau.
Quân đội Anh, dù chưa bao giờ nổi tiếng với những nhà cải cách quân sự, đã tiến lên theo một đội hình hàng ngang thưa với nhiều chỗ trống giữa mỗi người lính. Họ đã biết điều này là cần thiết sau khi thua một số trận chiến, vì khả năng bắn súng thiện nghệ của người Phi. Người Anh đã thay đổi những chiếc áo khoác màu đỏ bằng vải kaki của họ để đỡ trở thành những mục tiêu lộ cho những nhà thiện xạ người Pathan ở mặt trận tây bắc Ấn Độ. Người Đức, vì niềm tin của họ, đã mặc quân phục màu “xám” – một màu phù hợp với chiến dịch ở Bắc Âu. Pháp tham chiến với những người lính mặc quần đỏ. Sau khi vài nghìn lính Pháp bị giết, màu của quân phục đã được thay đổi. Tuy vậy, những người bảo thủ phẫn nộ la hét: “Mặc quần đỏ mới là người Pháp!”.
Những nhà chức trách Đức tin rằng việc tiến lên theo đội hình hàng ngang thưa sẽ khuyến khích những người lính mang súng trường ẩn nấp để tránh phải chiến đấu – điều này thể hiện suy nghĩ của tầng lớp chỉ huy quý tộc về những người lính ở “tầng lớp khác”.
Một sĩ quan Mỹ đã viết sau khi quan sát những cuộc tập trận của Đức vào năm 1893: “Họ dự định rõ ràng rằng sẽ nghiên cứu việc bộ binh của họ đi theo hàng sát nhau trong cuộc chiến tranh tiếp theo. Người lính bình thường của Đức không có chỗ rộng rãi trong hàng ngũ khi chiến đấu và phải dành một chỗ nhất định cho vũ khí của mình … Người Đức thà mất lính còn hơn để sĩ quan chỉ huy mất quyền kiểm soát những người lính của mình ”.
Nhà cầm quyền Đức tin rằng mỗi trung đội nên ở trong tầm có thể nghe thấy giọng của người chỉ huy trung đội, mà trong tiếng ồn ào của cuộc chiến thì giọng nói không thể vang xa. Những binh lính bắn hàng loạt đạn theo lệnh của chỉ huy. Những loạt đạn được cho rằng sẽ giúp “bắn chính xác hơn” làm cho kẻ thù phải cúi đầu. Sau đó, những binh lính sẽ tiến công bằng lưỡi lê. Nhà cầm quyền Đức nghĩ rằng kiểu tiến công Furor Teutonicus này sẽ làm kẻ thù khiếp sợ. Tuy nhiên thực tế không như vậy. Đội quân chính quy được huấn luyện kỹ càng của Anh đã tiêu diệt rất nhiều lính Đức ở Mons.
Sau đó, những người Đức đã nhanh chóng thay đổi học thuyết bộ binh của họ và thay đổi chiến tranh trong chiến hào. Đầu tiên, họ xây dựng những đội chiến đấu đặc biệt để đi đầu tiến công vào những chiến hào.
Những người “lính xung kích” mang một khẩu súng ngắn và nhẹ hơn khẩu súng tiêu chuẩn của Mauser vào năm 1898 và họ có nhiều lựu đạn cầm tay. Yểm hộ cho họ là những khẩu súng liên thanh và nhiều súng cối. Những đơn vị chiến đấu đã được bổ sung thêm nhiều súng phun lửa và súng liên thanh. Sau đó, Đức đã làm theo một loại súng liên thanh hạng nhẹ, như súng Lewis đã được người Anh, Bỉ và Chauchat của Pháp sử dụng. Súng của Đức – loại Maxim 08/15, nặng hơn súng của quân Liên minh nhưng hiệu quả hơn nhiều.
Những vũ khí mới đi cùng một tổ chức mới. Trong đội quân cũ, không ai dưới quyền sĩ quan chỉ huy đại đội có thể có bất cứ sự chủ động nào. Trong bộ binh Đức được phát triển, chỉ huy trung đội, thậm chí chỉ huy tiểu đội, được tùy cơ ứng biến. Trong một cuộc tiến công, những trung đội và tiểu đội thường bị cách nhau một khoảng rộng và những người lính tận dụng những chỗ ẩn nấp có sẵn như những hố đạn cối chẳng hạn. Những đơn vị nhỏ tránh những vị trí mạnh và cố gắng tiến công bên sườn hoặc phía sau trung tâm hàng ngũ của quân địch.
Mặc dù không thay đổi nhiều như bộ binh Đức, nhưng bộ binh Liên minh cũng được phát triển trong nhiều năm chiến tranh chiến hào. Hơn nữa, quân Liên minh có một vũ khí mới, là xe tăng – được phát minh bởi người Anh. Tuy nhiên, Ludendorff không ấn tượng với những chiếc xe tăng. Vì xử lý kém, những chiếc xe tăng đã không thể phá vỡ bế tắc với những chiến hào.
Ludendorff nghĩ ông đã thấy một cách khác để phá vỡ bế tắc. Vào mùa đông năm 1917-1918, tất cả bộ binh Đức được huấn luyện theo những chiến lược quân xung kích mới. Những người lính trẻ và linh hoạt hơn được tụ tập thành nhóm trong những tiểu đoàn xung kích, với một tiểu đoàn trong một sư đoàn. Với những binh lính xung kích dẫn đầu, bộ binh Đức đã tiến công phòng tuyến của quân Liên minh. Họ tránh những điểm mạnh, sử dụng chỗ ẩn nấp và hoạt động trong những đơn vị nhỏ, bán độc lập. Họ sẽ đi theo phòng tuyến mà kháng cự ít nhất, và trên tất cả, họ sẽ thúc đẩy tất cả tiến lên. Nói cách khác, Ludendorff dự định sử dụng chiến lược mà người Đức đã phát triển cho những chiến dịch nhỏ – chiến lược được người Pháp gọi là “xâm nhập từng tốp” – và phát triển chúng lên một quy mô lớn. Thay vì những mục tiêu hạn chế, Ludendorff đang tìm kiếm thắng lợi hoàn toàn.
Ludendorff dự định tiến công nơi mà đội quân Pháp và Anh gặp nhau. Những binh lính của ông sẽ vượt qua, sau đó tiến về phía bắc, bao vây quân Anh và đẩy họ về những cảng ở eo biển. Biển và hải quân Hoàng gia Anh bảo vệ vương quốc Anh, vì vậy cuộc tiến công của ông không thể loại bỏ Anh. Tuy nhiên, nó có thể loại Pháp ra khỏi vòng chiến đấu và có thể kết thúc chiến tranh. Quân đội Pháp lớn hơn nhiều so với Anh và vị tướng Đức sợ rằng ông không đủ binh lính để đánh một trận quyết định với Pháp trong một thời gian ngắn. Ông phải đưa ra một quyết định nhanh chóng,bởi vì…
…“Những người Mỹ đang đến”
Vài tháng trước đây, với người Đức thì việc tiến công hạ đo ván đối thủ có vẻ không khẩn cấp đến mức như vậy.
Đô đốc Eduard von Capelle – bộ trưởng hải quân, cam đoan với ủy ban của Quốc hội Đức rằng: “Họ sẽ không đến bởi vì những tàu ngầm của chúng ta sẽ nhấn chìm họ. Nhìn từ quan điểm quân sự thì Mỹ chẳng là gì”. Ludendorff đồng ý và tán thành một cuộc chiến tranh tàu ngầm không giới hạn.
Tuy nhiên dù họ cố gắng hết sức, những tàu ngầm Đức không bao giờ có thể tiêu diệt hết thương thuyền tới Pháp và vương quốc Anh. Sau tuyên bố của Capelle ba tháng, những đoàn tàu hộ tống, những bãi mìn và những đội tuần tra trên không đã lật ngược thế cờ chống lại tàu ngầm Đức. Đơn vị đầu tiên trong đội quân 4 triệu người của Mỹ đã có mặt ở Pháp. Nếu họ không có đủ pháo, súng liên thanh, xe tăng và máy bay, quân Liên minh có rất nhiều để trao cho họ. Những người Mỹ bận rộn theo cách khác. Những con tàu của hải quân Mỹ thắt chặt việc bao vây Đức của quân Liên minh ở nơi mà nạn đói thật sự trở thành một vấn đề rõ ràng với dân cư Đức. Các sĩ quan Pháp và Anh vẫn không bỏ được ý nghĩ rằng người Mỹ là dân thuộc địa cần sự hướng dẫn từ những người châu Âu sáng suốt. Họ muốn kết hợp những binh lính Mỹ vào những đội quân của họ. Tướng John J. Pershing – một sĩ quan chỉ huy Mỹ, đã khiến họ tỉnh ngộ. Ông nói với Đô đốc Ferdinand Foch – người chỉ huy quân Liên minh, rằng quân đội Hoa Kỳ là một đơn vị có tổ chức và nó sẽ chiến đấu như một đơn vị độc lập. Pershing đã làm như vậy, trong vài trường hợp khẩn cấp, Mỹ cho quân Liên minh mượn binh lính nhưng những binh lính Mỹ không bao giờ trở thành những người thay thế.
Cuộc tiến công lặng lẽ…
Những người Đức tiến công gần Arras. Ludendorff tập trung những binh lính trong bóng tối và mở đầu với sự bắn phá dữ dội từ hàng trăm khẩu pháo. Sự bắn phá bắt đầu một cách bất ngờ: lúc đầu những người Đức không nhìn thấy những khẩu súng của họ. Họ sử dụng cả chất nổ có sức công phá mãnh liệt và đạn chứa khí, sau đó bộ binh tiến lên dưới màn khói dày đặc.
Quân đoàn số 17 của Đức sẽ tiến công chính vào Arras và quân đoàn số 18 sẽ đóng vai trò bảo vệ sườn phía nam của quân đoàn số 17. Quân đoàn số17 gặp trở ngại ở trước Arras, nhưng quân đoàn số 18 đã tấn công qua phòng tuyến tổ chức yếu ở trước nó. Nếu Ludendorff làm theo những nguyên tắc của mình, ông có lẽ đã chuyển những binh lính dự bị tới quân đoàn số 18 và ra lệnh cho nó tiếp tục tiến lên. Quân đoàn số 18 đã phá vỡ phòng tuyến kháng cự chính của quân Liên minh và đang ở phía sau của kẻ thù. Với một cuộc tiến công mạnh hơn chút nữa, nó sẽ tới được phía bắc, chia cắt quân Anh hoàn toàn khỏi quân Pháp và đẩy quân Anh về eo biển Manches.
Nhưng thay vào đó, Ludendorff ra lệnh cho quân đoàn số 18 dừng lại. Nó đã tiến quá xa so với kế hoạch của ông. Ông cử những lính dự bị tới quân đoàn số 17. Quân đoàn số 17 không lấy được Arras nhưng đã bị thương vong lớn. Hai ngày sau, Ludendorff để quân đoàn số18 tiếp tục tiến về Amiens. Nhưng vào lúc đó quân Liên minh đã đưa lính dự bị tới chặn quân Đức và vào ngày 4 tháng 4 Ludendorff đã hủy bỏ cuộc tiến công.
Những người Đức đã tiến gần tới Paris đủ để nã pháo vào nó. Cả ba khẩu pháo cực kỳ đắt tiền, được sản xuất riêng đã nổ súng. Việc bắn pháo có lẽ là một chiến dịch tuyên truyền tốt, nhưng về mặt quân sự, thì nó vô giá trị.
Ludendorff một lần nữa lại cố gắng tới phía bắc vào ngày 9 tháng 4. Nó được xem là một sự chệch hướng nhưng đã đem lại những điều đáng ngạc nhiên. Thay vì tập trung những binh lính tới khu vực này, mỗi lần Ludendorff đưa vài sư đoàn tới. Cuối cùng, nó cũng trở thành một cuộc tiến công dốc toàn lực. Tuy nhiên, lúc đó người Anh đã tổ chức lại việc phòng thủ của họ. Giống trước đây, khi sự phòng thủ chặt chẽ hơn, Ludendorff đã đưa vào nhiều binh lính hơn. Dù vậy, ông không thu được gì ngoài việc số thương vong nhiều hơn.
Mặc dù Ludendorff kiên quyết ông sẽ tránh trung tâm phòng thủ mà tiến công “một chỗ trống trong phòng tuyến”, nhưng thật ra Ludendorff không đi theo phòng tuyến yếu nhất. Ông đã tiến công những khu vực phòng thủ mạnh nhất. Đây không phải là cách thức để mọi thứ tiếp diễn trên mặt trận phía Tây. Có điều gì đó đã nhầm lẫn.
Điều đó là Max Hoffmann. Viên tướng tham ăn chắc chắn sẽ thuyết phục người chỉ huy của ông không bỏ qua ưu thế về quân số đông hơn để không tiến công vô ích vào những khu vực được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, Hoffmann hiện đang làm giám sát trên mặt trận Nga (hiện giờ đang yên bình với Đức).
Ludendorff tiến công lần nữa, lần này về hướng nam ở nơi ông đã tập trung quân trên phòng tuyến của quân Liên minh. Cuộc tiến công này chậm một tháng so với kế hoạch bởi vì người Đức đã lãng phí quá nhiều thời gian ở phía bắc. Cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo quân Liên minh về cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng sự cảnh báo này bị phớt lờ cho đến khi những tù binh bị bắt đã xác nhận nó.
Sĩ quan chỉ huy quân đoàn số 6 của Pháp thay vì giữ một lực lượng dự bị lớn để phản công đã tập trung binh lính ở hàng đầu một cách ngớ ngẩn khiến quân Pháp bị tàn sát trong cuộc bắn phá đầu tiên của Đức Những người Đức nhanh chóng tới Marne nhưng vào lúc này, Pháp đã có lực lượng dự bị ở đúng vị trí. Hiện giờ, những binh lính Mỹ nắm giữ những vị trí trên mặt trận phía Tây. Số quân đông đảo của Đức đã nhanh chóng giảm đi. Những người Đức tìm cách vượt qua Marne nhưng một cuộc phản công của quân Liên minh đã đẩy lùi họ.
Sự sụp đổ
Tình thế đã thay đổi, Ludendorff đã hết thời gian và ông không còn ưu thế về quân số nữa. Những binh lính Mỹ đã tham gia nhiều hơn trong các cuộc phản công của quân Liên minh. Lẽ ra cuộc tiến công lặng lẽ của Ludendorff’ nên được tiến hành theo cách giống như những cuộc phản công này. Đó là một loạt những cuộc tiến công, mỗi cuộc tiến công chấm dứt lại thúc đẩy, mở đường cho cuộc tiến công tiếp theo. Vào ngày 7 tháng 8 quân Liên minh bí mật tập trung 456 xe tăng của Anh và Pháp. Họ tiến công vào ngày hôm sau, theo sau xe tăng là bộ binh.
Ludendorff mất tinh thần. “Ngày 8 tháng 8 là ngày xui xẻo của quân đội Đức trong lịch sử cuộc chiến tranh… Nó đã giảm sức mạnh chiến đấu của chúng ta….cuộc chiến tranh cần phải kết thúc”.
Khi rút lui những người Đức sắp xếp theo đột hình trật tự của họ, Ludendorff cảm thấy tốt hơn và ông muốn tiếp tục chiến tranh. Nhưng không ai, ngoại trừ vua Đức muốn như vậy.
Người dân Đức thiếu nhiên liệu và lương thực và họ đã thương vong quá nhiều. Cuộc cách mạng đang được chuẩn bị ở Đức. Sau đó những binh lính Pháp và Anh ở căn cứ Hy Lạp đã tiến công Bulgaria, Bulgaria đã đầu hàng. Thổ Nhĩ Kỳ, bị đẩy lui ở Palestine và Mesopotamia, cũng đầu hàng. Italy bị chọc thủng phòng tuyến trên mặt trận Alpine và Áo đã ra khỏi cuộc chiến. Ludendorff bị buộc từ chức. Vua Đức cũng bị yêu cầu thoái vị. Nhưng thay vào đó, Wilhelm đi tới tổng hành dinh của quân đội Đức ở mặt trận phía Tây và nói về việc sử dụng quân đội để đàn áp cuộc cách mạng tại quê nhà. Ông được khuyên rằng những binh lính sẽ không chiến đấu vì ông, và ông đã chạy trốn sang Hà Lan.
“Cuộc chiến tranh này liệu có chấm dứt chiến tranh?”
Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã kết thúc. Trong thời gian ngắn, cuộc chiến tranh này đã sát hại nhiều binh lính hơn so với bất cứ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử. Có bốn đế quốc đã bị phá hủy. Nền quân chủ đã biến mất ở châu Âu, chỉ còn một vài ông vua bù nhìn. Trung và Đông Âu bị tàn phá bởi sự hỗn loạn. Sự hỗn loạn đã sinh ra một thế hệ những nhà độc tài tàn ác, mà Adolf Hitler là một trong những nhà độc tài lớn nhất và tàn ác nhất. Những cuộc chiến tranh nhỏ vẫn liên tiếp diễn ra, theo sau nó là một cuộc chiến tranh lớn thứ hai, “Chiến tranh Thế giới lần thứ hai”. Số binh lính tử trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nhiều không kém Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và số dân thường bị giết nhiều gấp hai lần những người lính.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc tiến công của Ludendorff thành công? Câu hỏi này rất khó trả lời. Tất cả Châu Âu đã kiệt quệ. Nga ở trong một cuộc nội chiến mà có lẽ sẽ kết thúc với chiến thắng của quân Cộng Sản dù bất kể điều gì xảy ra ở nơi nào khác. Đế quốc Ottoman đã biến mất mãi mãi và không gì có thể khôi phục nó. Quốc gia Áo-Hungary đã tan vỡ. Trong số các nước tham chiến chính, chỉ có Mỹ và Nhật Bản là tương đối không bị ảnh hưởng.
Thế giới có lẽ đã khác nếu Đức chiến thắng, nhưng cân nhắc tất cả thiệt hại mà Đức đã gây ra thì thế giới sẽ không tốt hơn nếu Đức chiến thắng. Với Ludendorff , ông chủ của lục địa châu Âu thì có lẽ thế giới sẽ xấu đi – tồi tệ hơn.
Theo Dân Việt