Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Có thầy giỏi mới có trò giỏi

Google News

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, có thầy giỏi mới có trò giỏi, vì thế, cần có những chính sách để thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm và giữ giáo viên ở lại được với nghề, yêu nghề.

Thầy giỏi trò mới giỏi
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu sinh năm 1973 tại một xã vùng dân tộc ít người A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về nghề giáo, giọng nói, ánh mắt của nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu ánh lên niềm xúc động.
Cuộc sống vất vả, thiếu thốn, lên 9 tuổi bà mới bắt đầu đi học lớp 1. Học hết phổ thông, bà theo học Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế, tốt nghiêp Đại học với số điểm luận văn cao nhất trường, bà về giảng dạy tại Trường dân tộc nội trú A Lưới.
Dai bieu Quoc hoi Nguyen Thi Suu: Co thay gioi moi co tro gioi
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 14. Ảnh: Mai Loan.
Bà học tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ tại Trường ĐH Khoa học Huế, Luận án tiến sĩ của bà đã trở thành cơ sở cho tài liệu dạy tiếng Pa Cô cho người miền xuôi, rất có ý nghĩa trong việc giúp chuẩn hóa công tác biên tập, dịch và đọc cho chương trình phát thanh tiếng đồng bào, và giúp người Tà Ôi sử dụng thành thạo hơn trong ngôn ngữ của mình. Bà cũng là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của người Tà Ôi.
“Từ nhỏ, tôi đã có mong muốn được trở thành một cô giáo, bởi tôi rất thích phong cách của các thầy, các cô. Là một học trò đến từ vùng sâu, vùng xa, được các thầy cô dạy dỗ, giúp đỡ tôi muốn được nối nghiệp các thầy cô, đem ánh sáng tri thức đến cho các học sinh miền núi vốn cuộc sống có nhiều vất vả, khó khăn. Tôi muốn sau này được các học trò nhắc tới với sự tôn kính, yêu thương, giống như chúng tôi khi nói về những thầy cô giáo của mình”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.
Bà Sửu cho biết, ngày nay, mối quan hệ thầy trò đã có nhiều sự chi phối. Đã có một số vụ việc đau lòng, “lệch chuẩn” liên quan đến giáo dục, từ hành vi của thầy cô, tới những ứng xử của xã hội với người thầy, khiến cho cái nhìn về nghề giáo có những thay đổi.
Nhưng theo bà, dù ở thời đại nào, vai trò của người thầy cũng không thay đổi, cần được tôn vinh, tôn trọng. “Bởi có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Cũng giống như một hạt giống tốt, được gieo trồng vào một mảnh đất tốt, được chăm bón tốt thì sẽ cho ra quả ngọt”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ và cho biết, sự dẫn dắt của người thầy vẫn rất quan trọng, dù đã có nhiều phương thức học tập khác nhau, có thể là tự học.
Và quan trọng hơn, theo bà Sửu, người thầy không chỉ truyền đạt cho học trò về kiến thức, mà còn ảnh hưởng tới các em về nhân cách, lối sống. Câu nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” từ xưa cho thấy được sự tôn vinh đối với nghề giáo, một truyền thống tôn sư trọng đạo rất tốt đẹp, cần được phát huy.
Nhưng, cũng chính vì vị trí, vai trò của người thầy quan trọng như vậy, mà đặt ra vấn đề, làm sao phải thu hút được những người giỏi, người tài, có phẩm chất đạo đức tốt vào sư phạm. Và giữ được họ ở lại với nghề, nuôi dưỡng được ngọn lửa tình yêu với nghề, cống hiến cho giáo dục.
Giáo viên sống được bằng lương sẽ yên tâm cống hiến
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho biết, bà rất đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về việc sẽ nghiên cứu đề xuất tăng lương cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học..
“Một mức lương đủ sống sẽ tạo động lực cho giáo viên công tác tốt hơn. Khi không phải mang gánh nặng về “cơm áo gạo tiền”, các thầy cô sẽ yên tâm tập trung cho công việc giảng dạy, có thời gian để chuẩn bị cho nội dung đứng lớp được tốt hơn. Đặc biệt, họ sẽ không quá áp lực về việc phải làm thêm ở ngoài, trong đó có dạy thêm.
Thay vì sau thời gian dạy trên lớp lại phải tất bật, “vắt sức” đi dạy thêm để có thêm thu nhập, thì giáo viên có thời gian để bồi dưỡng chuyên môn hoặc nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Điều đó, giúp tránh được những tiêu cực, giúp cho môi trường sư phạm đầm ấp, lành mạnh hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, người làm giáo dục rất cần tình yêu với nghề, có nhiệt huyết, cống hiến. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng tình yêu, nhiệt huyết ấy của giáo viên, thì cần đảm bảo cho họ có được đời sống vật chất từ nguồn thu chính đáng. Và không chỉ giáo viên, những nhân viên trường học cũng cần được quan tâm và tăng lương.
“Hiện nay, theo nguyên tắc là làm theo năng lực, hưởng theo lao động, ngành giáo dục cũng phải thực hiện điều đó. Giáo viên, hay nhân viên trường học phải có thu nhập chính đáng từ những việc làm của họ. Tùy theo năng lực, sản phẩm lao động của họ mà phải tính toán lương cho thỏa đáng", đại biểu Sửu nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Quốc hội đoàn Thừa Thiên Huế, việc xem xét, đánh giá, khen thưởng đối với kết quả công việc, công tác của từng giáo viên cần phải thực hiện một cách khách quan, minh bạch, công bằng. Đây cũng là nguồn động viên, khuyến khích, tạo động lực cho các thầy cô công tác tốt.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho biết, giờ không còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu với nghề giáo vẫn cháy trong bà. Là một đại biểu Quốc hội, bà có cơ hội gửi gắm những ý kiến của cử tri vào trong nghị trường với những góp ý thẳng thắn về giáo dục.
“Tôi muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, tình yêu thương con người, yêu cuộc sống, tinh thần lạc quan, và cả tinh thần trách nhiệm với cộng đồng… những phẩm chất của một người giáo viên tôi vẫn luôn giữ gìn, mang theo”, bà Sửu chia sẻ.
Những vụ việc “lệch chuẩn” liên quan tới giáo dục, theo bà là rất đáng tiếc, cần có sự điều chỉnh, phối hợp của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng các thầy cô phải là người nêu gương đầu tiên, để người thầy luôn xứng đáng với sự tôn vinh, tôn trọng của toàn xã hội.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói về vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan