Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, tục xưa gọi là Tết Nguyên Tiêu. Vào ngày này, người Việt không chỉ đi chùa lễ Phật mà còn có hoạt động phóng sinh để cầu nguyện sự an lành, sức khỏe và may mắn cho bản thân, gia đình.
Cái quan trọng đầu tiên trong mọi việc là phải xuất phát từ tâm. Phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi của mỗi người, không vì ý nghĩa tư lợi. Việc thả những loài động vật đó mà cứu được chúng khỏi cảnh trên thớt dưới dao, nước sôi lửa bỏng đó là đúng cách.
|
Phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi của mỗi người, không vì ý nghĩa tư lợi. Ảnh minh họa
|
Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức. Bởi hiện nay, có nhiều người chưa thả xong thì chim, cá đã bị bắt lại nên khi phóng sinh cần phải có chú ý đến sự an toàn của các loài phóng sinh. Đó là chúng ta nên thả động vật ở những nơi sông to, hồ lớn, quang đãng, vắng người, không nên thả vào những nơi người ta thường săn bắt. Phóng sinh không phải là cứ tiện tay mà thả cho xong việc mà còn phải xuất phát từ cái tâm, lựa chọn chỗ cho thích hợp. Ngược lại, làm không đúng cách thì không những không tạo phúc lại còn để lại những hậu quả.
Người ta thường phóng sinh cá chép, cá cảnh, chim sẻ, chim ri, bồ câu, cua, lươn, ốc, rùa, ... Khi thả chim, cá... về với môi trường thiên nhiên cần làm đúng nơi đúng chỗ, đúng thời điểm để chúng sống được. Không nên cầm cả xô, hay túi vứt ra ao, hồ, sông, suối. Nhẹ nhàng thả cá, chờ nó bơi khuất hãy về.
|
Phóng sinh là thả những loài động vật ít gây hại, không nên thả rắn độc, rắn hổ mang, ốc bươu vàng, chuột... Ảnh minh họa
|
Phóng sinh là thả những loài động vật ít gây hại, không nên thả rắn độc, rắn hổ mang, ốc bươu vàng, chuột... gây nguy hiểm cho môi trường sinh thái và con người.
Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như khi mình đi chợ thấy người ta đang chuẩn bị làm thịt con cá thì mình mua lại nó rồi đem ra sông lớn thả hay vào rừng thấy chim mắc bẫy mình gỡ bẫy thả nó ra bằng tâm nguyện của mình, khi thấy đàn kiến bị ngập nước, thấy con giun nằm chỗ đất khô, thấy con ốc bò trên đường đi, thấy tổ chim non bị rớt, thấy các loài chim, loài thú bị mắc nạn,… chúng ta nên tìm cách giải thoát, đưa chúng về môi trường sống tự nhiên. Những việc làm đơn giản này cũng là phóng sinh.
Theo Hoài Thư / VietQ