Đại thần nào 5 lần 7 lượt can gián vua Lê Thái Tông?

Google News

Phan Thiên Tước không tiếc mạng sống của mình mà sẵn sàng can ngăn nhà vua về những việc làm không đúng với phép nước, với đạo lý. May mà thời ấy vua Lê Thái Tông là người biết nghe trung thần để sửa mình.

Phan Thiên Tước là người huyện Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia triều chính nhà Lê từ thời vua Lê Thái Tổ và được phong giữ chức Ngự sử. Ông là người có tính tình cương trực, khảng khái. Sang thời vua Lê Thái Tông trị vì, ông được chuyển sang làm Chuyển vận sứ châu Cổ Đằng. Sau đó, vua Lê Thái Tông lại gọi ông về làm Thị ngự sử. Khi trở về triều, ông vẫn làm việc một cách thẳng thắn không kiêng dè.

Trong hàng quan lại của thời Lê Thái Tông, hình như những người phải chịu khổ tâm nhiều hơn cả vẫn là các ngôn quan. Họ không nói tức là đã không làm hết chức phận, mà nói, nhất là nói lỗi của quan trên, rồi đặc biệt là lỗi của vua, thì có khi chính họ cũng khó bề giữ yên thân mình. Lời nói thẳng thắn và đúng đắn của họ cũng phải gian nan lắm mới được triều đình nghe theo. Và giai thoại dưới đây về ngôn quan Phan Thiên Tước là một minh chứng. Trong sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" có đoạn chép về ông như sau:

Dai than nao 5 lan 7 luot can gian vua Le Thai Tong?

Đại thần Phan Thiên Tước. Ảnh minh hoạ.

- Lê Thụ, ngay trong khi đang có quốc tang (tang vua Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi, nhưng lại dám tổ chức cưới vợ lẽ và bắt binh lính về làm việc riêng cho mình như xây nhà và sai vặt. Lê Thụ cất nhà đồ sộ, lại còn giao lưu với người nước ngoài để buôn bán. Bấy giờ, quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước đàn hặc các lỗi nói trên của Lê Thụ. Vào thời ấy, phần nhiều các quan đại thần trong triều đều bắt binh lính làm việc riêng và xây cất nhà cửa cho mình.

Chứng kiến những sự việc ấy, Phan Thiên Tước đã tâu lên nhà vua và vua Lê Thái Tông khi ấy khen ông là người ngay thẳng. Sau đó, nhà vua đã sai Phan Thiên Tước đi xem xét khắp nơi để xác minh hư thật. Khi Phan Thiên Tước vừa mới trở về liền bị nhà vua triệu vào cung và vặn hỏi:

- Các đại thần trong triều cũng có nhiều người làm như thế, vậy sao khanh không nói mà chỉ đàn hặc một mình Lê Thụ thôi?

Nghe nhà vua hỏi vậy, Phan Thiên Tước vội thưa rằng:

- Lê Thụ là đại thần, lại từng nhận lãnh thác mệnh của tiên đế, lẽ ra phải giữ mình cho ngay thẳng để bá quan lấy đó làm gương. Nay xem xét những việc Lê Thụ đã làm, thấy rõ Lê Thụ coi thường phép nước đã quá lắm, cho nên thần không dám nín tiếng im hơi. Còn như nay thần vâng mệnh đi xem xét khắp các nhà đại thần, thì thần cũng đã làm đâu dám lơ là chức trách?

Sau đó, Phan Thiên Tước đã dâng sớ kể rõ những ai làm nhà mới, chẳng hạn như quan Tham tri Đông đạo là Lê Định cho đến các quan giữ chức Quản lãnh, tổng cộng hơn 20 người. Thế nhưng về sau tất cả những người này đều được nhà vua bỏ qua, chỉ giao Lê Thụ cho Pháp ti xét hỏi. Nhưng ngay sau đó, các đại thần là Lê Vấn, Lê Ngân đều đã tìm mọi cách bào chữa, bao che cho Lê Thụ.

Nghe theo Lê Vấn, Lê Ngân nên nhà vua cũng tha tội cho Lê Thụ, chỉ bắt Lê Thụ phải bỏ người vợ lẽ mới cưới và phải truy nộp 15 lạng vàng, 100 lạng bạc và số tiền do buôn bán riêng mà có.

Vào năm 1435, thấy nhà vua bắt đầu ham chơi, Phan Thiên Tước đã làm tờ sớ dâng lên để can ngăn. Lê Thái Tông xem sớ xong nổi giận, sai hoạn quan đến nhà ông trách hỏi và ông đã trả lời viên hoạn quan rằng:

- Tôi chủ yếu là kính yêu vua, làm hết bổn phận mà thôi, có ngại gì chết.

Hôm sau, ông vào triều và lại tiếp tục tâu lời can ngăn nữa. Lê Thái Tông vì vậy càng kính nể ông. Sau này, Phan Thiên Tước được nhà vua trọng dụng, rồi phong cho làm đến chức Trung thừa. Ông mất vào năm niên hiệu Thái Hòa thời vua Lê Nhân Tông trị vì (1443-1453).

Lời bàn:

Dưới thời phong kiến thì nhất trời, nhì vua. Nhưng trời thì có ai biết mặt mũi vuông tròn ra sao, nên dù nhất hay nhì thì cũng chỉ có vua là số 1. Vua là người đứng đầu thiên hạ, là người nắm quyền sinh sát của bá quan và trăm họ. Vua muốn ai chết thì ắt người đó phải chết, vì "vua xử thần tử, thần bất tử bất trung". Và đã làm người sống ở trên đời mà lại mang tiếng là kẻ bất trung thì sống cũng không bằng chết. Chính vì quyền hành tối thượng ấy cho nên người xưa mới có câu rằng: Làm bạn với vua khác nào làm bạn với cọp đói. Ý nghĩa của câu nói trên chắc rằng ai cũng hiểu, thế nhưng ngày xưa không phải tất thảy mọi người đều không dám làm bạn với vua, ngược lại có người còn dám can ngăn và nói thẳng ra những cái sai, thậm chí là thói hư, tật xấu của nhà vua trước mặt quần thần. Phan Thiên Tước trong giai thoại trên là một minh chứng.

"Thuốc đắng dã tật, lời nói thật thì mất lòng" và nói thật với nhà vua có khi không phải là mất lòng mà là mất mạng như chơi. Vậy nhưng với Phan Thiên Tước thì khác, ông không tiếc mạng sống của mình mà sẵn sàng can ngăn nhà vua về những việc làm không đúng với phép nước, với đạo lý. May mà thời ấy vua Lê Thái Tông là người biết nghe trung thần để sửa mình. Tiếc rằng thời nay không phải ở đâu và chỗ nào cũng có người như Phan Thiên Tước và vua Lê Thái Tông. Thậm chí có kẻ cũng làm quan như Phan Thiên Tước, nhưng họ lại chỉ biết "dùi" bằng những lời mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc người thân hay cho đơn vị, địa phương mình. Vẫn biết rằng "thần thiêng nhờ bộ hạ", nhưng từ thượng cổ cho tới nay cũng đã có không ít "thần chết vì bộ hạ" là bởi nghe theo lời tham mưu bậy.

Theo Dân việt