Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Đại tướng của nông dân

Google News

Phẩm chất nông dân, nhưng là nông dân miền Trung, miền Bắc hay miền Nam được thể hiện rất rõ ở con người Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967- 6.7.2017), cuốn sách "Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế" đã được NXB Quân Đội Nhân Dân cho ra mắt bạn đọc. Cũng nhân dịp này, bộ phim tài liệu: “Vì hòa bình mà đánh” được phát sóng vào 7h30 các ngày 5,6,7, 10, 11.7 trên kênh VTV1. Để hình dung rõ hơn về tính cách, cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- một vị tướng đã được người dân yêu mến gọi là "Đại tướng của nông dân", Dân Việt xin trích đăng một phần trong cuốn sách mới ra mắt này.
Dai tuong Nguyen Chi Thanh- Dai tuong cua nong dan
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp xúc cử tri, bầu cử Quốc hội khóa II (1960- 1964), khu vực Vĩnh Linh, tháng 4- 1960. Ảnh tư liệu 
... "Như lần đầu tiên xuất hiện ở Đại Phong (Quảng Bình) để gây dựng phong trào “Gió Đại Phong” chẳng hạn, giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Đại Phong đang chuẩn bị tâm lý chào đón một “ông tướng” về làng thì câu đầu tiên “ông tướng” ấy nói với nhân dân của mình là: “Các cậu kêu mình bằng anh thôi nhé! Kêu mình bằng Đại tướng, mình không tiếp đâu!”.
Nghe câu ấy, chàng thanh niên Đặng Ngọc Đính - Chủ nhiệm HTX Đại Phong đã phát sốc. Bà Nguyễn Thị Duệ - một cô gái Đại Phong thời kỳ ấy thì kể đi kể lại kỷ niệm một hôm, thấy bà đang gánh phân, một người đàn ông với gương mặt to, tròn, nước da đen rám nắng liền gọi mình lại bảo: “Cô gì ơi, nghỉ tay chụp với tôi kiểu ảnh nào”. Phải sau đó ít hôm, nghe anh chị em kể thì bà mới biết người đàn ông ấy chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Tấm ảnh chụp “cô Duệ” tuổi 20 với Đại tướng bây giờ được trưng bày ở phòng lưu niệm của HTX Đại Phong. Vừa nhìn bức ảnh, “cô Duệ” tuổi 78 hôm nay vừa rơm rớm nước mắt nhớ lại: “Những năm tháng đó, bác xuống ruộng cấy lúa cùng chúng tôi, rồi chèo thuyền cùng chúng tôi đi miền Tây làm kinh tế mới liên tục. Có những đêm hai anh cảnh vệ của bác không biết do ngủ quên hay lý do gì mà tìm mãi trong nhà không thấy bác đâu. Hóa ra, thấy bà con cày đêm, quyết tâm tăng năng suất, bác đã cùng xuống ruộng cày từ lúc nào chả biết”. Hình ảnh một ông Đại tướng đi cày, một ông Đại tướng gần gũi, thân mật với người dân Đại Phong thậm chí đã đi vào những câu hò rất quen thuộc của người Đại Phong bây giờ.
- Hò mái xắp: Tôi còn nhớ Đại tướng vào đây. Mặc bộ áo quần màu nâu, trên đầu mũ lá, ông lội đầm băng phá qua bao cánh đồng sâu. Ngày thì ông ra ruộng xem lúa cây xanh tốt đến đâu, đêm thì ông đi xem bò trâu ăn có thiếu rơm thiếu cỏ.
- Hò hụi: Hát mừng truyền thống Đại Phong/Trên tiến trình đổi mới/Văn minh đẹp giàu/Phất cao mãi lá cờ đầu/ Ghi nhớ công ơn Đại tướng/Làm đẹp lòng muôn dân.
Võ Như May
Những điệu hò ấy được sáng tác bởi những người đã sống cùng thời với Đại tướng đã đành, thú vị là nó còn tiếp tục được sáng tác bởi lớp người hậu sinh - những người được nghe ông bà, cha mẹ mình kể về Đại tướng. Có nghĩ, cho đến nhiều năm sau này, và cả bây giờ nữa, khi một Nguyễn Chí Thanh bằng da bằng thịt không còn hiện diện ở Đại Phong thì tâm hồn Nguyễn Chí Thanh, phong cách Nguyễn Chí Thanh, sự gần gũi và ấm nóng tình người của Nguyễn Chí Thanh vẫn còn sống mãi với những thế hệ người Đại Phong. Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, những người như ông Đính bà Duệ cứ một điều “bác Thanh”, hai điều “bác Thanh”. Họ gọi là “bác Thanh”, chứ không phải “tướng Thanh” đúng như lời dặn của Đại tướng năm xưa. Và có lẽ họ gọi là “bác Thanh”, chứ không phải là “tướng Thanh” vì vị tướng ấy đã, đang và sẽ mãi tồn tại một cách ruột thịt trong lòng họ, với tất cả những sự tôn quý và gần gũi máu mủ của họ.
Năm 1961, khi về Tòng Bạt (Sơn Tây) để phát động phong trào sản xuất nông nghiệp, Đại tướng đã chia sẻ rất nhiều về quãng thời gian dài làm tá điền đói khổ của mình: “Các anh các chị biết không, hồi ấy, một lần tôi báo với chủ là mình vừa gùa xong ba sào nước. Chủ lập tức tỏ vẻ không hài lòng, nhưng lại không mắng mỏ trực tiếp tôi, mà cứ đá lia lịa vào một con chó đang ngồi dưới chân rồi cứ thế chửi “tiên sư mày”, “tiên sư nhà mày”. Khi đó tôi bưng bát cơm ăn mà đầm đìa nước mắt”.
Tuổi 15, 16 trước khi đi làm cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (khi đó vẫn mang tên Nguyễn Vịnh) là một người bần cố nông đúng nghĩa. Một bần cố nông miền Trung, với tất cả những phẩm chất điển hình của người miền Trung: tiết kiệm, chịu thương, chịu khó và chân thật. Và khi đã trở thành một Đại tướng thì cái phẩm chất nông dân miền Trung sâu xa đó vẫn hiển hiện rõ nét trong con người ông. Nó “quy hoạch” cách ứng xử của ông với mọi người xung quanh, đặc biệt là với những người nông dân lao khổ.
Vì là “tướng nông dân”, hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn của nhân dân mình, nên khi được chào đón một cách xa hoa, sang trọng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ ra... rất khó chịu. Một lần, khi đi công tác ở thị xã Sơn La, sau một đêm nghỉ tại nhà khách của Khu ủy Tây Bắc, ông liền tới gặp chủ nhiệm nhà khách để vừa khen “bữa tối ngon”, vừa chia sẻ “một đêm khó ngủ”:
- Các đồng chí phục vụ tốt lắm. Giường đệm thật sạch sẽ. Tôi đi đường mệt thế mà vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Nghĩ mãi mới vỡ lẽ tại cái mùi nước hoa. Tại sao phải vẩy nước hoa vào phòng ngủ nhỉ? Nói thật với cậu, mình không quen.
Chủ nhiệm nhà khách phân trần:
- Vì nhà mới xây còn nặng mùi vôi vữa quá cho nên cần một tí nước thơm cho nó át đi.
- Ấy, chính tại hai cái mùi ấy quện với nhau cho nên mới càng khó chịu. Giá cậu cứ lau chùi nhà cửa sạch sẽ rồi mở rộng cừa thì mùi vôi vữa cũng bay hết. Tôi rất hiểu tình cảm các đồng chí đối với tôi, không riêng tôi mà với tất cả các anh em trong đoàn. Tôi hiểu các đồng chí địa phương nghĩ: lâu lâu anh em dưới xuôi mới lên một lần, cần đón tiếp sao cho không đến nỗi xoàng xĩnh quá. Chúng tôi cảm kích tấm lòng đó. Song chúng mình là người nhà, tôi là khách mà cũng là chủ... Nước ta nghèo, lại vừa ra khỏi chiến tranh. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng cuộc sống mới.Tôi đã từng đôi lần ra nước ngoài, tôi biết. Những nước phát triển người ta làm việc gì cũng tính toán cân nhắc. Phòng khách, phòng ngủ, nhà ăn quy mô to nhỏ, trang trí thế nào là vừa phải. Lịch sự không có nghĩa là xa hoa. Dạo tôi sang nghỉ ở Liên Xô, bạn cử đi theo tôi một bác sĩ và một cán bộ đối ngoại. Tôi có buồng riêng, còn hai đồng chí cùng đi nghỉ chung một buồng chỉ rộng bằng 2/3 buồng ngủ của các đồng chí ở đây.
Vị chủ nghiệm nhà khách đứng ngây người. Nhưng Đại tướng vẫn tiếp tục nói thêm:
- Các đồng chí Thường vụ khu ủy có lòng hiếu khách cho nên chiêu đãi chúng tôi. Chúng tôi biết ơn và không từ chối. Nhưng chỉ một lần thôi, gọi là họp mặt anh em lâu ngày. Các đồng chí có biết không, Bác Hồ - Chủ tịch nước không bao giờ đãi khách quá ba món, trừ những bữa tiệc đặc biệt về ngoại giao. Một bữa chủ khách ăn chung, sau đấy thôi. Anh em về công tác, các đồng chí chăm sóc cho là quý rồi. Còn ai ăn cơm đều phải trả tiền. Trả bao nhiêu tùy điều kiện và tiêu chuẩn mỗi người. Các đồng chí mến khách, cho thêm bao thuốc, gói chè tôi không phản đối, nhưng nên vừa phải. Tôi thấy ở phòng này đặt chè và thuốc lá, trong buồng ngủ của tôi có, ở phòng khách có, ở phòng dành cho tôi làm việc cũng có. Làm gì lắm thế. Tôi nói riêng để đồng chí biết: Các cuộc họp Ban Bí thư T.Ư Đảng, mọi khi có thuốc lá, nay không có nữa. Mình là dân nghiện. Hỏi, mới biết Bác Hồ bảo thôi.Thật ra tốn kém chẳng bao nhiêu, cái chính là Bác muốn tạo thành thói quen và nêu gương cho cấp dưới. Ở nước ngoài giàu có, đến hội nghị, ai muốn hút thuốc lá, bỏ của mình ra mà dùng. Mà cũng chỉ hút ở hành lang. Nước ta chưa làm ra bao nhiêu tiền mà tiêu phí quá nhiều. Một lần tôi về kiểm tra một hợp tác xã ở Nam Định, hỏi vì sao năm qua số tiền bỏ vào xây dựng cơ bản chỉ có 600 đồng. Đáp: Thưa anh, chúng tôi không có “khả năng”. Tôi hỏi: “Thế tại sao các đồng chí lại có khả năng bỏ ra những 2.300 đồng để liên hoan các khoản?”...
Nhà báo Phan Quang - người có mặt trong chuyến đi ấy, cũng là người đã kể lại cho chúng tôi toàn bộ câu chuyện này bảo rằng, những chi tiết về cái mùi nước hoa thơm thơm, về bữa ăn thịnh soạn và những điếu thuốc lá được bày la liệt trong chuyến công tác Sơn La còn được Đại tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần sau đó. Có lần, sau khi nhắc lại, ông còn tự đặt câu hỏi: “Có lẽ tại tớ trót đầu thai làm nông dân nghèo nàn lạc hậu, khó quen được nếp sống văn minh chăng?”.
... Một lần, tôi hỏi bà Nguyễn Thanh Hà, trưởng nữ của Đại tướng xem trong ký ức của bà, khoảnh khắc nào Đại tướng hạnh phúc nhất? Không cần suy nghĩ nhiều, bà kể lại lần cùng Đại tướng về thăm một HTX nông nghiệp ở Quảng Bình năm 1961, khi Đại tướng không làm việc với Ban Quản trị, mà tìm về một gia đình vừa thoát khỏi cảnh bần cố nông. Đoạn hội thoại giữa một Đại tướng với hai vợ chồng bần cố nông hôm ấy được bà Hà nhớ chính xác đến từng câu:
- Thế nào, trong gia đình ta có cái gì nào? Tài sản có gì cho xem chơi nào?
- Hai vợ chồng, một cái nhà, một nồi một, một nồi hai, một mâm thau chén bát, một cái giường, một cái phản. Ngoài chuồng có một gà 10 con, lợn thì có chuồng rồi nhưng chờ lợn HTX đẻ sẽ bán cho hai con.
- Nhà có hai vợ chồng, tại làm sao có một giường, một phản, thế tối ngủ chung hay ngủ riêng?
- Báo cáo ngủ riêng, vì có mang tám tháng rồi.
- À thế thì được. Cầm lọ dầu bao giờ vợ đẻ thì dùng.
Vừa thuật lại cuộc nói chuyện này bà Hà vừa chưa sẻ: “Họ nói chuyện y hệt những người nông dân với nhau vậy. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như lần ấy, và tôi nhìn thấy trong tận cùng của Ba vẫn là một người nông dân, một anh cố nông được Đảng đổi đời, cũng như vợ chồng anh cố nông kia vậy”.
Dai tuong Nguyen Chi Thanh- Dai tuong cua nong dan-Hinh-2
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) đang trò chuyện cùng một chiến sĩ trẻ (trái) 
Phẩm chất nông dân, nhưng là nông dân miền Trung, chứ không phải nông dân miền Bắc hay nông dân miền Nam được thể hiện rất rõ ở con người Đại tướng. Nó được thể hiện trong cách ăn, cách mặc, cách nói chuyện, cách vui - buồn, và đặc biệt là cách ông ứng xử, đối đáp với những người xung quanh. Ngay cả khi ông đã mang hàm Đại tướng, thì những người xung quanh ông, từ người lái xe, cô phục vụ đến những người nông dân chân lấm tay bùn ngoài đồng ruộng đều có cảm giác ông rất gần gũi với mình. Và đấy là một sự gần gũi bản thể, tự nhiên, chứ không phải là một sự gần gũi dàn dựng càng không phải một sự gần gũi diễn xuất.
Ông gần gũi với nông dân, hiểu nông dân tới mức trong một lớp học nọ, khi thấy những nhà lãnh đạo vốn xuất thân từ nông dân cứ học hoài học mãi vẫn không hiểu khái niệm “biện chứng” là gì, thì ông đã bất ngờ đứng lên thay thầy giáo giảng bài. Và ông giảng cái khái niệm “biện chứng” rất khoa học - rất Tây phương kia bằng đúng ngôn ngữ của một người nông dân Việt Nam chính hiệu: “Các cậu cứ hình dung thế này, trước đây các cậu thấy khoai nó cõng cơm, nhưng bây giờ lại thấy cơm nó cõng khoai, đấy, biện chứng là thế đấy. Hay trước đây ở quê mình, các cậu thấy ấy cô gái toàn mặc quần rách, nhưng bây giờ đã mặc quần đen áo trắng rồi, đấy, biện chứng nó là như thế”. Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu - người tham gia lớp bồi dưỡng chính trị này chia sẻ với tôi: “Khi giảng viên bất đắc dĩ Nguyễn Chí Thanh đứng lên, giảng về biện chứng bằng ngôn ngữ của “khoai” và “cơm” thì tất cả hiểu ngay. À, hóa ra biện chứng nó là thế, là sự phát triển, thay đổi của sự vật hiện tướng, là lượng biến thành chất...”.
Dai tuong Nguyen Chi Thanh- Dai tuong cua nong dan-Hinh-3
Cuốn sách "Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế" mới được xuất bản nhân kỷ niệm 50 ngày mất của ông. 
Nếu không là nông dân - một ông tướng nông dân đích thực, một người có thể “đo” bụng nông dân bằng chính “bụng” mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ không thể giảng về “biện chứng” với những con người có xuất thân là nông dân một cách đơn giản nhưng lại hiệu quả và thấm thía đến như vậy.
Theo NTNN/Dân Việt