Bằng chứng về nghi thức phủ bụi vàng của người Muisca. Hiện vật được trưng bày tại một bảo tàng ở Colombia.
Khi những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đến Nam Mỹ vào đầu thế kỷ 16, họ đã nghe kể về một bộ tộc sở hữu một lượng lớn vàng ở vùng núi cao trên dãy Andes, nơi ngày nay là Colombia, theo trang mạng ThoughtCo.
Họ nghe nói rằng, khi một thủ lĩnh hay vị vua của bộ tộc lên nắm quyền, một buổi lễ trang trọng được tổ chức ở hồ Guatavita. Các thông tin chi tiết về nghi lễ được chép trong cuốn sách của tác giả Juan Rodrigez Freyles, xuất bản năm 1536.
Chuyện kể rằng, trên dãy Andes có thành phố của người Muisca, nơi vàng được xem như một thứ kim loại bình thường chứ không phải vật phẩm quý giá. Không chỉ người thuộc tầng lớp quý tộc mà ngay cả dân thường cũng sở hữu một lượng vàng lớn.
"El Dorado" trong tiếng Tây Ban Nha mang ý nghĩa về nghi thức lễ rắc bụi vàng lên người. Sau này, khi người châu Âu nghe về El Dorado, từ này được dùng để ám chỉ một thành phố toàn là vàng.
Tập tục trong lễ đăng quang của nhà vua khiến câu chuyện El Dorado nổi tiếng khắp châu Âu. Trong buổi lễ, vị vua mới lên ngôi sẽ được đưa đến bên hồ Guatavita, cởi hết trang phục và phủ vàng kín người. Nhà vua sẽ đi đến giữa hồ bằng một chếc bè, trên đó chất đầy vàng thỏi và đá quý. Nhà vua sau đó sẽ rửa sạch bụi vàng khỏi cơ thể và ném những đồ quý giá xuống hồ để làm vật tế cho các vị thần. Khi đó, người dân bộ tộc sẽ cam kết trung thành với lãnh đạo mới bằng cách hô vang từ phía bờ hồ.
“Nhà vua mới lên ngôi sẽ phải cởi hết quần áo, đắp lên người lớp bụi vàng", Juan Rodrigez Freyle viết.
Bản đồ vẽ năm 1652 với phần màu xám thể hiện khu vực được cho là vị trí của El Dorado.
Câu chuyện này được kể trong nhiều năm và dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc tìm thấy một tấm bản đồ được cho là ám chỉ thành phố vàng El Dorado càng khiến người Tây Ban Nha quyết tâm tìm kiếm.
Nhà chinh phục Gonzalo Fernandez de Oviedo, người giúp Tây Ban Nha kiểm soát các vùng lãnh thổ của đế chế Inca, lại cho rằng El Dorado là tên của một vị vua. "El Dorado là một lãnh chúa hoặc quốc vương vĩ đại, người được phủ toàn là vàng khắp cơ thể. Bởi nếu đeo vàng trên người thể hiện quyền lực và sự giàu có thì phủ vàng khắp người phi thường và độc đáo hơn nhiều", Oviedo viết trong một cuốn sách có tựa đề "Mourning El Dorado".
Năm 1537, nhà chinh phục Tây Ban Nha Jimenez de Quesada dẫn 800 quân và hàng ngàn tùy tùng là người bản địa đi đường bộ tới dãy Andes, lần đầu tiếp cận quê hương của người Muisca. Những gì Quesada tìm thấy không phải là thành phố vàng nhưng vẫn gây kinh ngạc. Quesada nhận thấy nghề chế tác vàng của người Muisca cực kỳ độc đáo. Các đồ vật bằng vàng được chế tác tinh xảo bằng những kỹ thuật vượt xa những gì mà người châu Âu từng thấy.
Theo nhà khảo cổ học Roberto Lleras Perez, chuyên gia am hiểu về hệ thống tín ngưỡng và chế tác vàng ở Muisca, việc chế tạo và sử dụng đồ kim loại của người Muisca rất khác biệt so với các khu vực khác ở Nam Mỹ.
Trong xã hội của người bản địa Muisca, vàng hay các hợp kim của vàng, bạc, đồng rất rất được ưa chuộng nhưng không phải vì giá trị của chúng mà là vì lý do tâm linh. Người Muisca tin rằng vàng có mối liên hệ với với các vị thần và có khả năng mang lại sự cân bằng, hài hòa trong nội tâm.
“Đối với người Muisca, vàng chỉ là một lễ vật… vàng không đại diện cho sự giàu có", Juan Rodrigez Freyles viết.
Hồ Guatavita ở Colombia ngày nay.
Vương quốc của người Muisca cuối cùng bị Tây Ban Nha chinh phục và hồ Guatavita bị nạo vét. Vàng và nhiều hiện vật có giá trị được tìm thấy dưới đáy hồ nhưng không nhiều như kì vọng. Người châu Âu chưa thỏa mãn với phát hiện, tin rằng thành phố vàng El Dorado vẫn nằm đâu đó ở Nam Mỹ.
Trong gần 300 năm, các nhà thám hiểm châu Âu đã tìm mọi ngóc ngách ở Nam Mỹ. Không gian để một thành phố vàng như El Dorado có thể tọa lạc ngày càng nhỏ hơn. Đó là lúc người châu Âu bắt đầu chấp nhận thực tế rằng thành phố vàng không có thật. Những cuộc thám hiểm cuối cùng tìm kiếm El Edorado kết thúc vào năm 1772.
Đến lúc này, huyền thoại thành phố vàng El Dorado đã khắc sâu trong văn hóa ở phương Tây. Nhiều cuốn sách, truyện, bài hát và phim ảnh đề cập tới El Dorado. Mỹ là quốc gia sử dụng tên El Dorado nhiều nhất để đặt cho các địa danh. Ít nhất 13 bang ở Mỹ có một thị trấn tên El Dorado. Quận El Dorado nằm ở California và Công viên El Dorado Canyon là địa điểm yêu thích của những người leo núi ở bang Colorado.
Ngày nay, một số hiện vật được tìm thấy ở hồ Guatavita hiện vẫn được trưng bày tại bảo tàng Museo de Oro ở Bogota, Colombia.
Vương quốc của người Muisca thực tế đã phát triển rực rỡ trong hơn 1.000 năm (năm 600 - 1600) và trải dài trên phạm vi 25.000km2. Người Muisca đại diện cho một trong số 4 nền văn minh ở Nam Mỹ thời tiền Colombo, bên cạnh Inca, Maya và Aztec.
Sau khi bị Tây Ban Nha chiếm đóng, vương quốc của người Muisca suy tàn. Đàn ông Muisca bị sung vào quân ngũ hoặc lao động khổ sai. Số lượng người Musica suy giảm từ 500.000 xuống đến mức hòa lẫn vào các cộng đồng người khác ở Colombia.
Colombia chính thức độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1810. Những hậu duệ còn lại của người Muisca, ước tính khoảng 750 gia đình, đang sống tại các hội đồng bản địa ở thủ đô Bogota, Colombia.
Theo Đăng Nguyễn/Người đưa tin