Hiện tôi có vài điều băn khoăn: Khi tôi xuất gia thì các chi phí cần thiết trong cuộc sống tu hành phải tạo ra từ đâu? Tôi là đảng viên xuất gia được không, sau khi xuất gia thì sẽ sinh hoạt đảng nơi nào? Tôi nghe mọi người nói vô chùa chưa chắc được an tịnh, điều đó đúng không?
Hiện tại tôi đang sống cùng với mẹ (mẹ đã đi bước nữa), còn người chị đã có gia đình riêng, tôi rất thương mẹ, sợ rằng khi tôi xuất gia không ai quan tâm chăm sóc mẹ chu đáo, vậy tôi phải làm sao? Làm thế nào chọn được thầy và chùa tốt để tu học? Rất mong được quý Báo giải đáp.
(THÙY HƯƠNG, thuyhuong…88@gmail.com)
|
Xuất gia là lý tưởng của người thấy đạo và nguyện chọn con đường từ bỏ, đi con đường sáng |
ĐÁP: Bạn Thùy Hương thân mến!
Bạn đang có cuộc sống và công việc ổn định, nhờ túc duyên mà nhận chân được sự vô thường của nhân tình thế thái rồi phát tâm tìm cầu chân lý là bậc hảo tâm xuất gia. Trước khi quyết định dấn thân vào con đường tu hành, bạn tham vấn về những gì mình chưa biết để nắm vững và chủ động trong mọi thứ là điều nên làm. Chúng tôi lần lượt sẻ chia các vấn đề bạn hỏi như sau:
Các chi phí cần thiết trong cuộc sống tu hành do Phật tử dâng cúng. Về nguyên tắc, người xuất gia không trực tiếp làm ra của cải vật chất tiền bạc nên đời sống cùng mọi sự chi tiêu trong chùa đều do thập phương bá tánh hộ trì. Trong giai đoạn tập sự xuất gia (từ 1 đến 2 năm hoặc lâu hơn) vì giới pháp còn thấp, phước đức còn mỏng nên hiếm khi được cúng dường. Giai đoạn này, các khoản chi phí lớn nhỏ vị tập sự xuất gia đều phải xin từ thầy bổn sư (hoặc vị thầy do bổn sư chỉ định). Nhà chùa, vị bổn sư khi tiếp nhận đệ tử có trách nhiệm giáo dưỡng, chu cấp cho đệ tử các chi phí cần thiết. Mặt khác, nếu gia đình bạn có điều kiện hộ trì, hoặc nếu bạn có tiền riêng, sau khi trình bạch với bổn sư mà được đồng ý thì có thể chi dụng.
Là đảng viên xuất gia được không, sau khi xuất gia thì sẽ sinh hoạt đảng nơi nào? Thời Thế Tôn còn tại thế, có rất nhiều thành phần xã hội khác nhau gia nhập Tăng đoàn. Theo phép tắc nhập đạo, thọ giới của nhà Phật, nếu người nữ không vướng 9 già nạn (Đã thọ Tỳ-kheo-ni giới. Tặc tâm xuất gia. Giết cha. Giết mẹ. Giết A-la-hán. Gây thương tích cho Phật. Phi nhân. Súc sanh. Nhị hình-bán nam, bán nữ) và 10 khinh nạn (Có phải là quan trốn đi tu không? Có phải là người trốn nợ không? Ngươi có phải là đầy tớ trốn chủ không? Ngươi có phải là đàn bà không? Đàn bà mà có bệnh cùi hủi, ung thư, ghẻ lở, lao phổi, tiểu đường không? Tuổi đủ 20 chưa? Y bát có đủ không? Cha mẹ có cho phép chưa? Pháp danh ngươi là gì? Hòa thượng của ngươi hiệu gì?) thì có thể xuất gia thọ giới. Như vậy, một đảng viên phát tâm xuất gia thọ giới, theo quan điểm của Phật giáo là bình thường. Riêng vấn đề đảng viên sau khi xuất gia sinh hoạt đảng tại đâu, hiện Giáo hội chưa có quy chế nào liên quan đến vấn đề này.
Vào chùa chỉ là bước khởi đầu trên đường đạo. Xuất gia là cơ hội tránh bớt phiền não tại gia để an tịnh và tiến tu. Tùy phúc duyên và quan trọng là tùy thuộc vào sự nỗ lực chuyển hóa thân tâm của mỗi người mà có an tịnh nhiều hay ít. Hình thức ở chùa, xuất gia tuy có phần giống nhau nhưng an tịnh tâm nơi mỗi người lại hoàn toàn khác biệt nhau. “Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Nếu ai thiết lập và duy trì được giới-định-tuệ trong đời sống tu hành thì chắc chắn có an tịnh.
Mẹ của bạn hiện đã đi bước nữa nên mọi chuyện còn có người bạn đời sẻ chia, chăm sóc. Ngoài ra, mẹ còn có người chị tuy sống riêng nhưng vẫn có thể hỗ trợ mẹ khi cần, vì thế bạn cứ yên tâm mà xuất gia. Thương mẹ, bạn hãy cố gắng tu tập và hồi hướng công đức phước báo cho mẹ. Người xuất gia tuy không sớm thăm tối viếng chăm sóc cha mẹ như người tại gia nhưng vẫn luôn dõi theo và tận tâm báo hiếu. Hiếu đạo của người xuất gia là khuyến hóa cha mẹ quy y Tam bảo, bỏ ác làm lành, tụng kinh niệm Phật, vun bồi phước đức để hiện tại và tương lai được an vui. Sau này khi bạn đã trưởng thành trong Chánh pháp, nếu cần thiết thì bạn vẫn có thể đưa mẹ vào chùa, vừa hướng dẫn mẹ tu học vừa tận tâm săn sóc phụng dưỡng cho tròn câu hiếu đạo.
Bạn là nữ nên chọn thầy là một vị Ni tôn túc. Dĩ nhiên tìm được thầy đạo cao đức trọng, được sống trong đại chúng hòa hợp thương kính nhau là phúc đức. Thầy trò huynh đệ thực chất là do túc duyên cộng nghiệp nên đời này kết duyên với nhau. Trong quá trình tìm thầy, bạn cảm thấy kính phục vị Ni nào hay yêu thích ngôi chùa nào thì đó là nhân duyên của bạn.
Theo chúng tôi, ngoài việc cố gắng vận dụng lý trí tìm thầy, bạn nên thành tâm lễ bái và khấn nguyện mong Đức Phật soi sáng, trợ duyên. Vẫn biết, bổn sư chỉ là vị thầy đầu tiên, còn rất nhiều vị thầy khác nữa trong cuộc đời. Tuy vậy bổn sư có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp tu hành của bạn. Cầu mong cho bạn tìm được minh sư và đại chúng hữu duyên.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo TỔ TƯ VẤN/giacngo