Danh tướng nào của Nguyễn Ánh chết vì tính nhỏ nhen?

Google News

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện thì sinh thời, Lê Văn Quân là người ít học, nhưng tính khí lại hẹp hòi, nhỏ nhen và về sau ông chết cũng bởi tính khí ấy....

Lê Văn Quân còn có tên khác là Lê Văn Câu, Lê Văn Duân. Ông là một danh tướng có nhiều công lao trong thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Ánh đang khôi phục lại cơ nghiệp của nhà Nguyễn. Tiếc rằng sử sách dưới thời nhà Nguyễn ghi chép không đầy đủ nên cho đến nay không ai biết ông sinh vào năm nào, mà chỉ biết ông mất vào năm 1791.
Quê ông ở huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tuy ông là người ít học, nhưng lúc xông trận thì rất dũng mãnh nên được người đương thời gọi là Dũng Nam công. Vào năm 1771, anh em Châu Văn Tiếp chiêu tập dân miền thượng được hơn nghìn người đến chiếm giữ núi Trà Lang thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay. Lê Văn Quân từ nơi xa xôi tìm đến xin theo Châu Văn Tiếp và được bổ giữ chức cai đội.
Danh tuong nao cua Nguyen Anh chet vi tinh nho nhen?
Ảnh minh họa.
Khi biết Lê Văn Quân là người dũng cảm, thiện chiến, Châu Văn Tiếp đồng ý gả em gái là Châu Thị Đậu cho ông. Về sau, ông cùng với Châu Văn Tiếp theo phò chúa Nguyễn và trở thành thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhơn.
Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện thì sinh thời, Lê Văn Quân là người ít học, nhưng tính khí lại hẹp hòi, nhỏ nhen và về sau ông chết cũng bởi tính khí ấy. Cũng sách trên có đoạn chép lại rằng, Lê Văn Quân luôn xem thường Võ Tánh. Bởi vì chẳng qua là nhờ lấy được công chúa (Võ Tánh lấy Phúc Lộc công chúa Nguyễn Thị Ngọc Du, chị của Nguyễn Phúc Ánh) nên mới được tin dùng và may mắn được đứng ngang hàng với ông chứ tài cán chẳng đáng gì. Chính vì suy nghĩ ấy nên Lê Văn Quân luôn để dạ sự hiềm khích này và chẳng bao giờ hòa thuận được với Võ Tánh.
Tháng 4 năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Phúc Ánh cho Lê Văn Quân làm tổng chỉ huy, cùng với Võ Tánh mang quân ra đánh quân Tây Sơn ở Bình Thuận. Biết Lê Văn Quân quả quyết, bạo dạn nhưng hay khinh suất, còn Võ Tánh thì hăng hái nhưng thường nóng vội, đã thế, hai người lại không ưa nhau, nên chúa Nguyễn cử thêm Nguyễn Văn Thành cùng đi để kiềm chế. Trận đầu, quân Nguyễn thắng lớn, Lê Văn Quân nhân đó tự đề cao công trạng của mình.
Nhân đà thắng lợi, Lê Văn Quân muốn tiến đánh chiếm luôn vùng Diên Khánh, nhưng vì Nguyễn Văn Thành can ngăn nên Lê Văn Quân đành phải đóng quân ở Phan Rang chờ thời. Đúng lúc đó, Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành được lệnh rút quân về Gia Định. Lực lượng Tây Sơn nhân đó đánh thẳng vào dinh trại của Lê Văn Quân. Không sao địch nổi, tướng sĩ bị chết quá nhiều, buộc Lê Văn Quân phải đưa thư cấp báo.
Nhận thư, Nguyễn Văn Thành khuyên Võ Tánh cùng nhau đem quân tiếp cứu, nhưng Võ Tánh quyết không nghe, vì thế chỉ mỗi một mình Nguyễn Văn Thành đưa quân trở lại đánh giải vây rồi cùng Lê Văn Quân về giữ Phan Rí.
Mùa Thu năm 1790, Lê Văn Quân lại bị quân Tây Sơn tấn công rất gấp. Một lần nữa, lại phải xin quân cứu viện, từ đó Lê Văn Quân bắt đầu nhụt chí... vì tự ty và xấu hổ với đồng liêu. 1 năm sau, ông qua đời trong cô quạnh.
Lời bàn:
Suy cho cùng, một khi đã được sinh ra làm người trên trời đất này thì ai và ở thời nào cũng cần phải tránh ba điều. Thứ nhất là đừng bao giờ ngạo mạn, tự kiêu, vì như vậy là đã tự làm cho bạn bè thân hữu dần dần xa lánh mình. Thứ hai là đừng bao giờ để bụng thù oán đồng liêu hay hẹp hòi, ích kỷ với đồng nghiệp, vì như vậy là tự cô lập chính mình với mọi người xung quanh. Thứ ba là phải biết mình là ai và đặc biệt đừng bao giờ kiếm cớ hãm hại người khác, vì như vậy là đã tự ngầm nuôi tâm địa xấu xa.
Tiếc rằng, thân làm tướng từng xông pha trận mạc và là người đã lập được công lao không nhỏ, nhưng Lê Văn Quân trong giai thoại trên lại tự mình cố tình vướng vào những điều cấm kỵ ấy. Cũng may mà đến cuối đời, Lê Văn Quân cũng đã tự nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng đã quá muộn. Vì một người đàn ông mà như vậy thì làm người bình thường đã khó nói chi đến chuyện làm tướng để chỉ huy thiên hạ. Mong rằng hậu thế đừng có ai giẫm phải vết chân này của người xưa.

Theo Đ.T/Báo Bình Phước