Phụ nữ Trung Quốc thời xưa từng quan niệm, thà lấy một kẻ ăn xin còn hơn làm vợ người bán thịt heo. Lý do là làm nghề bán thịt thì phải thường xuyên giết mổ gia súc, họ lo sợ oán khí của những con vật bị giết sẽ tích tụ và làm hại đến gia đình. Tuy nhiên, trong lịch sử vẫn còn một nghề nghiệp tệ hơn cả nghề giết mổ gia súc, khiến cho nhiều người khiếp sợ và xa lánh, đó chính là nghề đao phủ.
Thời cổ đại, những tên phạm nhân bị xử tử hình đều bị giết bằng cách chặt đầu. Cũng từ đó mà nghề đao phủ đã xuất hiện và tồn tại trong suốt mấy nghìn năm, cho đến khi triều đại nhà Thanh sụp đổ thì nghề nghiệp này cũng dần biến mất.
Xung quanh nghề nghiệp đặc biệt này thường có rất nhiều câu chuyện rùng rợn, một phần cũng vì đao phủ là người trực tiếp giết chết phạm nhân nên tay họ nhuốm đầy máu tươi, thân mang nặng nghiệp chướng. Mặt khác đao phủ luôn bị mọi người kinh sợ, không ai muốn tiếp xúc, không ai muốn dây vào vì sợ bị liên lụy.
Trong các tài liệu ghi nhận, người đao phủ cuối cùng của triều đại nhà Thanh được nhắc đến chính là Đặng Hải Sơn. Ông cũng được xem là đao phủ cuối cùng của Trung Quốc vì đến thời Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ đã dùng súng khi xử tử phạm nhân.
Những ai quyết định chọn làm đao phủ hầu hết đều là những kẻ lạc loài của xã hội, bị chèn ép, đi tới đường cùng hoặc quá xấu xí không thể làm nghề gì khác. Đặng Hải Sơn cũng là một người như thế, một kẻ không gia đình, không thân thế, sống lang bạt và phải rất chật vật để kiếm từng bữa cơm.
Công việc lấy đầu kẻ khác cũng không phải ai muốn làm cũng được. Người muốn gia nhập vào nghề phải tìm được một sư phụ dẫn dắt và trải qua đợt huấn luyện nghiêm ngặt suốt một thời gian dài trước khi được ra pháp trường thật sự.
Đặng Hải Sơn lúc đó đã theo học nghề từ một đao phủ chuyên nghiệp là Tống Thiệu Chí. Mỗi ngày, ông đều phải luyện tập đao pháp bằng cách chém dưa, chỉ khi nào chém một nhát đứt quả dưa theo đúng đường kẻ mỏng mà sư phụ đã vẽ thì mới gọi là đạt yêu cầu. Có ngày, Đặng Hải Sơn đã phải chém đến hàng trăm quả dưa trong lúc luyện tập.
Sau vài năm tập chém dưa, tay nghề khá dần lên thì Đặng Hải sơn được chuyển sang chém gia súc. Đến khi sư phụ thấy thật sự nhát chặt của đồ đệ đủ vững vàng, lúc này anh ta mới đủ điều kiện để ra pháp trường chém đầu người.
Trong cuốn hồi ký của Đặng Hải Sơn, ông cho biết nghề đao phủ tuy bị mọi người coi khinh, không dám tiếp xúc nhưng lại là một nghề kiếm được tiền công vô cùng hậu hĩnh. Theo đó, cứ mỗi khi chặt đầu một tử tù, đao phủ có thể nhận được đến 4 đồng đại dương, khoản tiền này bằng với số tiền mà những nông dân bình thường phải làm lụng vất vả đến cả nửa năm trời cũng chưa chắc kiếm được.
Chưa kể theo quan niệm xưa, người nhà phạm nhân luôn mong muốn người thân của họ được "chết toàn thây". Vì thế họ sẽ đút lót cho đao phủ, hy vọng khi chém đầu thì đao phủ nhẹ tay hơn một chút, để chừa lại một chút da dính liền. Cho nên mới nói, thủ pháp của đao phủ phải thật sự vững vàng và dứt khoát thì mới có khả năng làm được điều này.
Cây đao để hành quyết phạm nhân đối với mỗi đao phủ đều là vật vô cùng quan trọng. Cây đao này không có hình dạng nhất định mà tùy theo sở thích và thói quen mỗi người sẽ tự rèn cho mình một cây đao phù hợp nhất. Chuôi cây đao được quấn khăn đỏ và lưỡi đao phải luôn được mài bén tỉ mỉ, tuyệt đối không được để rỉ sét.
Mỗi lần ra pháp trường, Đặng Hải Sơn thường khoác lên người bộ đồ màu đỏ để trừ khử tà khí, thắp nhang cầu trời phù hộ. Khi bắt đầu hành quyết, ông uống một ngụm rượu nhỏ lấy dũng khí rồi vung đao một nhát chém đứt đầu phạm nhân.
Thường sau khi chém một người, Đặng Hải Sơn sẽ nhờ nha sai dùng thanh gỗ nhỏ đánh vào gáy vài cái. Ông tin rằng bằng cách này thì linh hồn người chết không thể bám theo ông trả thù. Một quy tắc khác của nghề đao phủ chính là sau khi hành hình phạm nhân, họ cũng phải lập tức đi thẳng về nhà và nhất định không được quay đầu lại phía sau.
Có thể nói nghề đao phủ với thu nhập cao ngất ngưỡng là thế nhưng không phải ai cũng dám làm và cho dù kiếm được nhiều tiền thế nào, đao phủ cũng sẽ phải dừng lại khi chặt đến cái đầu thứ 99. Đây được xem là một quy tắc quan trọng nhất trong nghề đao phủ bởi nếu vượt qua con số này, nghiệp chướng tích tụ trên người họ là không thể gột sạch được và chắc chắn họ sẽ gặp phải báo ứng khủng khiếp.
Nhưng Đặng Hải Sơn chẳng mấy để tâm đến quy tắc hành nghề. Trong tài liệu ghi lại, ông ta từng chặt đến hơn 300 cái đầu của phạm nhân. Có lẽ cũng vì điều này mà đến cuối đời, Đặng Hải Sơn đã có một cuộc sống vô cùng tệ hại.
Đã dấn thân vào nghề đao phủ, ông cũng biết trước được rằng chẳng có một người phụ nữ nào muốn ở cạnh ông. Người dân trong làng, không ai muốn gả con gái cho ông ta, vì thế cho đến chết, Đặng Hải Sơn cũng chỉ là một lão già cô đơn, không con không cái.
Đến năm 1912, khi nhà Thanh sụp đổ, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã sử dụng súng đạn khi hành quyết phạm nhân. Những đao phủ như Đặng Hải Sơn rơi vào cảnh thất nghiệp, không biết làm gì khác, cũng không ai dám thu nhận. Họ vốn dĩ quen với việc tiêu xài thoải mái, nay lại chẳng thể kiếm nổi một xu nên nhanh chóng trở thành những kẻ ăn xin sống lang thang nay đây mai đó.
Không chỉ phải sống trong cảnh nghèo khó, Đặng Hải Sơn còn đêm đêm gặp ác mộng khi nhớ đến những người từng bị ông chặt đầu. Ông thường xuyên mơ thấy các tử tù xếp hàng dài đến tìm ông đòi nợ, mỗi lần như vậy ông ta đều tỉnh dậy rồi bật khóc tức tưởi.
Sau này ông tìm đến phật đường để sám hối, mong có lại được chút bình yên ngày cuối đời nhưng cũng bị phật đường thẳng thừng từ chối vì cho rằng tội lỗi của ông ta sẽ khiến cho nơi thanh tịnh bị ô uế.
Đến cuối cùng, Đặng Hải Sơn đã kết thúc cuộc đời của mình một cách cô đơn, nghèo xác xơ, chết trong sự ăn năn và buồn bã ở một xó xỉnh nào đó trên đường phố.
Theo Song Kỳ/ Phapluatvabandoc