Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) là hệ thống cung điện của 24 vị hoàng đế dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Tử Cấm Thành dài 960m từ bắc xuống nam, rộng 760m từ đông sang tây, tổng diện tích 720.000m vuông. Đây là hệ thống công trình cổ hoàn chỉnh và được bảo quản toàn vẹn nhất tại Trung Quốc.
Với diện tích khổng lồ của Tử Cấm Thành, từng có nhiều cuộc tranh luận nổ ra để xem công trình này có bao nhiêu căn phòng. Năm 1972, các chuyên gia kiến trúc đã tiến hành thống kê toàn diện theo tiêu chuẩn "tứ trụ một phòng" (nghĩa là mỗi gian chống bằng 4 cột tính là một phòng). Kết quả thống kê cho thấy Tử Cấm Thành có tổng cộng 9.687 gian phòng.
Tuy nhiên, trong tất cả những gian phòng ấy, có một nơi suốt thời gian dài không có người sống, đó chính là cung Khôn Ninh.
Cung Khôn Ninh
Các thành viên hoàng thất sống trong Tử Cấm Thành đều có nơi ở riêng: Hoàng thượng sống ở cung Càn Thanh, hoàng hậu ở cung Khôn Ninh, thái hậu sống ở cung Từ Ninh còn với thái thượng hoàng là cung Ninh Thọ. Mỗi nơi ở đều có ý nghĩa riêng.
Vị trí hoàng hậu đối lập với hoàng đế, hoàng đế là trời thì hoàng hậu là đất nên chữ "Khôn" trong "Khôn Ninh" lấy từ của quẻ "Khôn" trong "Chu dịch", mang ý nghĩa quân tử dùng đức dày để nâng đỡ vạn vật. Tên cung Khôn Ninh được hiểu là "Khôn địa ninh định", ý chỉ đây là nơi đất đai an ổn, thanh trong.
Bắt đầu từ triều đại nhà Minh, cung Khôn Ninh được dùng làm tẩm cung cho hoàng hậu. Màu đỏ là màu sắc chính của Khôn Ninh để đại diện cho tình yêu và sự sinh sản.
Các hoàng đế sẽ ở cùng hoàng hậu của mình trong cung điện này ngay sau ngày cưới với mong muốn có thể sớm sinh được con trai nối dõi.
Các hoàng hậu sau khi được sắc phong sẽ sống tại cung Khôn Ninh cho đến khi qua đời. Nếu hoàng hậu chuyển ra khỏi cung thì thường là do hai lý do, một là hoàng đế đã băng hà, hoàng hậu chuyển đến cung thái hậu ở hoặc là trường hợp xấu hơn là khi hoàng hậu bị phế vị.
Một nơi ở tốt như vậy tại sao sau này cung Khôn Ninh lại trở thành nơi u ám, không có người sinh sống?
Top 5 sự thật ít người biết về Tử Cấm Thành
Trái ngược với tên gọi hàm nghĩa bình yên, cung Khôn Ninh lại được coi là nơi đầy sóng gió. Dưới thời nhà Minh, Chu Hoàng hậu - vị hoàng hậu của Minh Tư Tông Sùng Trinh Đế đã treo cổ tự sát ở đây.
Sang đến thời nhà Thanh, vua Khang Hi có tổng cộng 4 lần lập hậu thì 2 người hoàng hậu của ông đã qua đời bên trong cung Khôn Ninh, điều này khiến Khang Hi vô cùng đau khổ và không bao giờ lập hậu nữa. Sau những sự kiện ám ảnh này, cung Khôn Ninh bị bỏ trống hơn 30 năm vì bị coi là mang lời nguyền.
Theo phân tích của các chuyên gia, lý do chính khiến cung Khôn Ninh không có người ở là do chủ trương xây dựng Di Hòa Viên của hoàng thất nhà Thanh. Nhiều thê thiếp được chuyển đến sống tại Di Hòa Viên nên sự tồn tại của hậu cung rất lu mờ, cung Khôn Ninh cũ kỹ cũng ngày càng trống trải.
Mặc dù luôn bị bỏ trống nhưng theo nghi thức hoàng gia, cung Khôn Ninh này vẫn là nơi hoàng đế và hoàng hậu tổ chức hôn lễ, họ sẽ sống ở đó 3 ngày trước khi chuyển tới cung điện khác.
Sau này, cung Khôn Ninh được sử dụng chủ yếu như một nơi cúng tế các vị thần của người Mãn Châu. Dù không thường xuyên có người lui tới, nơi đây vẫn được bày trí kiến trúc và nội thất vô cùng lộng lẫy theo quy cách hoàng gia.
Tuy nhiên, việc chỉ dùng làm nơi hương khói suốt thời gian dài mà không có người sống đã khiến cung Khôn Ninh trở nên âm u, tịch mịch đến đáng sợ. Không gian âm u cùng nhiều truyền thuyết đen tối sẽ khiến các du khách tham quan Tử Cấm Thành cảm thấy vô cùng sợ hãi khi bước chân vào cung điện này.
Theo T.M/ Tổ Quốc